Ngày 26/8, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống thấp nhất trong hơn 11 năm, nhưng đó có thể chưa phải là hậu quả xấu nhất từ các biện pháp nhằm vào Trung Quốc của ông Trump.
Cú đánh vào thời khắc nhạy cảm
Chiều 23/8, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Giống như cách làm của Washington, tiến trình áp thuế chia thành 2 giai đoạn, lần lượt có hiệu lực từ ngày 1/9 và ngày 15/12/2019. Bắc Kinh cũng khôi phục biện pháp thuế quan nhằm vào linh kiện xe hơi Mỹ vốn được tạm dừng từ tháng 12/2018.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, trong bối cảnh áp lực kinh tế suy giảm ngày một tăng, các chỉ số về công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư đều xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại, Trung Quốc vẫn cứng rắn áp thuế trả đũa Mỹ với mức cao, nhất là với nông sản Mỹ (đậu tương: 30%; ngũ cốc 35%; hoa quả, thịt các loại: 35%…) là một bất ngờ. Động thái này đã vượt qua khuôn khổ phòng vệ, cho thấy Trung Quốc có ý chủ động ra đòn, đặt cược vào sự thay đổi chính phủ ở Mỹ.
Nguyên nhân là do đây là thời khắc nhạy cảm của hoạt động tranh cử tổng thống Mỹ. Trong khi đó, các đòn trả đũa của Trung Quốc lại nhằm thẳng vào 3 điểm yếu chí tử của ông chủ Nhà Trắng thứ 45, khiến Mỹ phải đau đớn để Trung Quốc có thể đạt được mục đích của mình. Vì thế, Trung Quốc mới mạo hiểm “khai hỏa”. Các “tử huyệt” của ông Trump bao gồm:
Thứ nhất, các biện pháp thuế quan mà chính quyền Trump sử dụng bắt đầu gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Mới đây, ông Trump cũng gián tiếp thừa nhận người tiêu dùng Mỹ đang phải thanh toán hóa đơn cho các biện pháp thuế quan.
Nếu không vì thế, ông Trump đã không tự nguyện tạm hoãn áp áp dụng biện pháp thuế quan mới đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm đảm bảo tiêu dùng trước mùa Giáng sinh không bị tác động mạnh.
Thứ hai, thách thức chính trị mà ông Trump đang phải đối mặt ngày một nghiêm trọng. Nhiều cơ quan truyền thông và đảng Dân chủ Mỹ chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump chỉ mang lại hiệu quả thấp trong khi nông dân Mỹ, những người ủng hộ trung thành của ông Trump, ngày càng lo ngại khả năng vĩnh viễn mất thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng. Trên thực tế, ông Trump không ngừng gây sức ép để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, vỗ về nông dân bằng trợ cấp tiền mặt, thử tìm cách tiến hành vòng giảm thuế mới để củng cố nền kinh tế.
Do vậy, việc Trung Quốc leo thang biện pháp thuế quan vào lúc này dường như có ý đẩy ông Trump lún sâu vào nguy cơ, khiến tỷ lệ ủng hộ đi xuống, giảm cơ hội liên nhiệm của chính trị gia này.
Đòn trả đũa sát ván
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã diễn ra được hơn 1 năm. Nếu tổng kết một cách đơn giản, Trung Quốc đã và đang sử dụng 3 quân bài chính để phản đòn Mỹ, gồm: giảm mua sắm nông sản, phá giá đồng Nhân dân tệ và trả đũa thuế quan.
Về phần mình, Mỹ cũng có 3 quân bài chủ chốt là áp thuế bổ sung, đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ và ra lệnh cho doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc.
Công bằng mà nói, những quân bài nêu trên đều có sức sát thương. Trong đó, sức sát thương của 3 quân bài Trung Quốc sử dụng nhằm vào kinh tế Mỹ và thành quả sẽ được phản ánh qua số phiếu mà ông Trump nhận được tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Còn 3 quân bài Mỹ sử dụng tuy cũng nhằm vào kinh tế Trung Quốc, nhưng có đặc điểm là sức sát thương của quân bài sau lớn hơn quân bài trước và đáng chú ý nhất là quân bài cuối cùng.
Buộc các doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên Đạo luật Quyền hạn Kinh tế quốc tế khẩn cấp (IEPPA) năm 1997 với 2 tiền đề. Một là ông Trump cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chính thức xếp Trung Quốc vào diện “mối đe dọa với an ninh quốc gia”. Hai là Quốc hội Mỹ không hội đủ 2/3 số phiếu ủng hộ để phủ quyết việc kích hoạt IEPPA.
Điểm thuận lợi là Báo cáo An ninh quốc gia mới nhất của Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược còn Quốc hội Mỹ rất hiếm khi phủ quyết việc kích hoạt IEPPA.
Trong khi đó, việc Mỹ leo thang thuế quan càng khiến nhiều công ty muốn rời Trung Quốc để đến với các quốc gia không bị Mỹ trừng phạt thuế quan.
Trước khi ông Trump đưa ra quyết định thuế quan mới nhất vào ngày 23/8, theo Nikkei Asian Review, hơn 50 doanh nghiệp đang di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc để “lánh nạn”, bao gồm nhiều “ông lớn” của Mỹ như HP, Dell, Apple…
Đành rằng doanh nghiệp Mỹ muốn rời Trung Quốc không thể thực hiện được trong ngắn hạn vì cần thời gian để điều chỉnh chuỗi cung ứng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ “sếu đầu đàn” bay đi, “đàn sếu” sẽ tiếp nối. Ví dụ: Apple mới đây đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của tập đoàn này đánh giá tác động về chi phí khi chuyển từ 15-30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Nếu mệnh lệnh của ông Trump được thực thi, Apple phải chuyển 100% công suất khỏi Trung Quốc, điều đó có nghĩa Trung Quốc không chỉ mất nguồn thu ngân sách quan trọng, mà khoảng 5 triệu việc làm do hãng này tạo ra ở Trung Quốc cũng mất theo. Nhưng đó mới chỉ là một hãng, cho nên, khó có thể tưởng tượng được mức độ nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra hiệu ứng Domino.
theo Trí Thức Trẻ