Mọi cuộc phỏng vấn xin việc đều bắt đầu bằng một bản Mô tả Công việc (Job Description) – đề bài mà công ty đưa ra cho các ứng viên, trong đó liệt kê những yêu cầu và trách nhiệm cụ thể cho vị trí mà họ đang tìm kiếm.
Sau đó, người ứng tuyển bắt đầu chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, liệt kê những kinh nghiệm trước đây sao cho phù hợp nhất với công việc.
Nhưng trong một nền kinh tế tri thức như hiện nay, nơi chất xám là thứ tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất, thì điều người phỏng vấn thực sự muốn biết là gì? Họ muốn làm rõ liệu bạn có khả năng sử dụng hiệu quả tri thức của mình để giúp công ty đạt được mục tiêu hay không.
Dưới đây là ba thứ mà họ tìm kiếm:
Thứ nhất, bạn có ham học hỏi không?
Những kiến thức mà bạn đã biết trước khi ngồi xuống chiếc ghế phỏng vấn, dẫu tuyệt vời thế nào, thì cũng chỉ là hữu hạn. Bạn không thể biết hết tất cả những gì công việc yêu cầu. Thậm chí với những tri thức mà bạn đã biết, có thể nó cũng thay đổi hàng ngày. Khoa học công nghệ liên tục đổi mới, các đối thủ kinh doanh cũng liên tục cải tiến các sản phẩm và dịch vụ của họ.
Trong dài hạn, những người có nhiều khả năng thành công là những người luôn muốn học hỏi những kiến thức và thông tin mới xung quanh họ. Bạn học càng nhiều, thì càng dễ nhận ra những vấn đề tiềm ẩn trước khi nó phát triển thành nghiêm trọng.
Thế nên, hãy chứng tỏ cho người phỏng vấn thấy bạn khát khao truy cầu tri thức và những thứ mới mẻ như thế nào. Hãy hỏi họ nhiều câu hỏi. Kể cho họ nghe những gì bạn đã đọc, những lớp học bạn đã tham gia. Nếu có sở thích nào ngoài lề, bạn cũng đừng ngại nói cho họ biết. Vốn kiến thức phong phú thường là chỉ dấu cho khả năng sáng tạo ở ứng viên.
Thứ hai, bạn có biết vận dụng kiến thức của mình khi cần không?
Học thuộc những câu trả lời có sẵn trước khi phỏng vấn rồi chỉ biết máy móc đọc lại chúng không phải là một cách hay. Một người phỏng vấn tinh ý sẽ đánh giá được khả năng ứng biến với các vấn đề khác nhau của ứng viên và đọc vị được ứng viên học vẹt. Nếu bạn không chủ động thể hiện điều đó, thì họ cũng sẽ khơi nó ra dựa vào những gì bạn đã học và viết vào trong CV.
Vậy nên, cách tốt hơn là hãy chủ động trao đổi rộng thêm với người phỏng vấn về những điều bạn đã biết có liên quan tới công việc ứng tuyển, cũng như tới công ty mà bạn đang xin việc.
Thứ ba, khi phỏng vấn xin việc, bạn có dám thừa nhận là mình cần học hỏi thêm?
Một người lao động tri thức thành công là người biết những gì mình biết, và biết cả những gì mình cần tìm hiểu thêm. Bạn không thể bổ sung những thiếu sót trong kiến thức của mình nếu bạn không dám đối mặt và thừa nhận nó.
Trong khi phỏng vấn sẽ có những câu hỏi mà bạn không biết trả lời ra sao. Người ta sẽ dễ bị cám dỗ, đưa ra câu trả lời lấp liếm và hy vọng qua cửa. Nhưng khi đó, bạn đã đánh mất cơ hội nói với người phỏng vấn về kế hoạch học tập những thứ mới mẻ của mình sau khi gia nhập công ty. Và đừng quên, một người phỏng vấn tinh ý và kinh nghiệm sẽ ngay lập tức nhận ra sự lấp liếm của bạn.
Vì vậy, thay vì trả lời lung tung, hãy mạnh dạn trung thực trả lời là bạn không biết. Sau đó nói với người phỏng vấn cách bạn sẽ học hỏi về kiến thức mới đó ra sao. Hỏi họ xem công ty có kế hoạch đào tạo thêm cho nhân viên hay không.
Khi bạn đủ tự tin nói về những gì mình không biết, cùng lúc đó, bạn đã bước đầu xây dựng được lòng tin với người tuyển dụng. Họ sẽ hiểu rằng bạn là người sẽ không lấp liếm hay cố gắng che đậy những gì bên ngoài tầm hiểu biết của bạn. Thay vào đó, bạn sẽ học hỏi, và rồi áp dụng trở lại những gì đã học vào công việc được giao.
Rốt cuộc thì, vấn đề cuối cùng mà người phỏng vấn muốn biết là: bạn có đúng là người lao động trí thức chân chính mà họ đang tìm hay không.
Theo Getpocket/Art Markman – Hạ Chi tổng hợp