Muốn tìm trắng đen, muốn tìm chính nghĩa trong loạn lạc nhiều khi là chuyện rất viễn vông. Nếu ai đó hỏi rằng: Làm quan cho giặc rồi khởi nghĩa, liệu có ai theo? Thật ra là vẫn có người theo.
Nhiều năm trước, một người bạn đọc được bài viết về việc trước khi khởi nghĩa Lê Lợi từng làm quan cho giặc Minh, dẫn chứng từ chính sử nhà Minh. Bạn nhắn tin hỏi và tôi đã trả lời rằng: “Không nên tin, làm quan cho giặc thì đến lúc phất cờ khởi nghĩa chẳng ai theo! Chắc là sử sách nhà Minh vì giữ thể diện hay do thông tin truyền qua truyền lại tam sao thất bản nên viết thế thôi.”
Mấy năm sau khi đọc về khởi nghĩa Lam Sơn, tôi mới biết rằng mình đã nhầm.
“Đại Việt sử ký toàn thư” bảo quân Minh từng nhiều lần dùng quan tước dụ dỗ Lê Lợi, nhưng Lê Lợi không màng, cũng không tham gia cuộc khởi nghĩa hậu Trần vì thấy vua hậu Trần không phải người làm nên đại sự. Từ đầu đến cuối Lê Lợi chỉ lẳng lặng ẩn cư nơi rừng núi, văn ôn võ luyện, chiêu nạp hiền tài để tự mình phất cờ khởi nghĩa.
“Minh thực lục” lại bảo trước đấy Lê Lợi từng tham gia khởi nghĩa hậu Trần của Trùng Quang đế, được phong Kim ngô tướng quân, sau quy hàng quân Minh, nhận chức tuần kiểm, vì bị đối xử khắc nghiệt nên “tạo phản”.
Thật giả ra sao? Nên tin nguồn nào? Nếu đọc sử Lê cẩn thận một chút, ta sẽ thấy sử nhà Minh chính xác hơn.
“Lam Sơn thực lục”, một trong những tư liệu cơ bản nhất về khởi nghĩa Lam Sơn, từng đề cập: “Nhà vua thường hậu lễ nhún lời, mang nhiều vàng bạc đút lót cho các tướng giặc là bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, mong thư bớt lòng hãm hại nhà vua, để nhà vua đợi thời lựa dịp.”
Một nguỵ quan có tiếng lúc bấy giờ là Lương Nhữ Hốt cũng báo lên quan tướng nhà Minh: “Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn (dân lang thang, phản loạn), đãi quân lính rất hậu, chí nó không nhỏ. Nếu thuồng luồng gặp được mây mưa, thì tất không phải là vật ở trong ao đâu. Nên sớm trừ đi, để sau sinh họa.”
Đến cả Toàn thư, tuy đã lướt qua mối quan hệ trước đấy giữa quân Minh và Lê Lợi, cũng chẳng biết vô tình hay cố ý, lại ghi nhận lời tâm sự rất chân thành của Lê Lợi sau khởi nghĩa:
“Trẫm xưa kia gặp buổi loạn lạc, nương mình ở Lam Sơn, vốn chỉ mong giữ được mạng mình thôi, chứ không có ý muốn lấy thiên hạ. Đến khi giặc tàn ngược quá quắt, dân không sống nổi, những ai có tri thức đều bị chúng giết hại, trẫm tuy mang hết của cải để thờ phụng chúng, mong khỏi tai họa, nhưng tim đen chúng muốn hại trẫm vẫn không bớt chút nào. Việc dấy nghĩa binh thật ra là bất đắc dĩ thôi.”
Nếu không có quan hệ tốt với quân Minh, thì một người từng được quân Minh dụ dỗ ban chức tước nhiều lần nhưng không thèm nhận, làm sao lại có thể yên bình “lẳng lặng” chiêu nạp được bao nhiêu quân lính, lương thực, ngựa voi, vũ khí để về sau khởi nghĩa?
Nếu không có địa vị gì, thì làm sao Lê Lợi có thể đút lót tới tận tướng cao nhất của quân Minh như Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ?
Lúc thanh thế nghĩa quân đã tăng cao, “Minh thực lục” cũng ghi lại chuyện hoạn quan Sơn Thọ tâu với vua Minh rằng mình và Lê Lợi rất hợp ý nhau, hứa rằng mình chắc chắn sẽ thuyết phục được Lê Lợi bỏ giáp quy hàng.
Ngay trong những bức thư Lê Lợi viết gửi quân Minh, nội dung thư cũng thể hiện quan hệ khá tốt giữa Lê Lợi và Sơn Thọ trước đây: “Kính thư gửi thái giám Sơn lão đại nhân. Trộm nghĩ, cái ơn ngày trước ngài đối với tôi hơn núi biển, mà tôi báo đáp không được mảy may, cảm đội ơn ấy, sâu lắm…”
Muốn tìm trắng đen, muốn tìm chính nghĩa trong loạn lạc nhiều khi là chuyện rất viễn vông. Nếu ai đó hỏi rằng: Làm quan cho giặc rồi khởi nghĩa, liệu có ai theo? Thật ra là vẫn có người theo.
“Minh thực lục” đã phải cảm thán rằng: Thổ quan người Việt hàng rồi phản, phản rồi hàng là chuyện chẳng hiếm lạ gì.
Như trường hợp của Phan Liêu, tri phủ Nghệ An, chức quan còn to hơn cái chức “tuần kiểm” của Lê Lợi cũng nhiều lần làm vậy. Ông từng phản hậu Trần chạy sang phía giặc Minh, cuối cùng vẫn cầm quân phản lại quân Minh. Lộ Văn Luật, từng làm tướng cho giặc, cuối cùng cũng vì tình thế mà phản lại. Hay một người như Lê Ngã, chủ đầu hàng giặc, sau nhân lúc loạn lạc bỏ đi, trá xưng là người hoàng tộc, chẳng bao lâu đã có mấy vạn quân, trở thành nỗi lo canh cánh của quân Minh.
Nhiều người đi theo ngọn cờ tụ nghĩa đôi khi chỉ vì họ cần một nơi để “tụ”, để làm những việc họ bức bối đã lâu, ấm ức đã lâu nhưng không dám làm gì khi đơn độc. Nếu nhìn xuôi, kẻ huy động được quân dân hẳn phải là kẻ được nhiều người tin phục. Vậy nhìn ngược, khát khao khởi nghĩa cũng phải âm ỉ trong lòng những quân dân này từ trước, chỉ chờ người đứng ra dẫn dắt, nên có người hô hào họ mới theo.
So với họ Phan và họ Lộ phía trên kia, tuy có danh là quan của nhà Minh, nhưng Lê Lợi cũng không xấu xa. Sử sách nhà Minh chưa từng ghi nhận hành động xấu nào của Lê Lợi đối với dân hay các nhóm quân khởi nghĩa khác lúc làm quan. Lại thêm như lời tâu của nguỵ quan Lương Nhữ Hốt phía trên, trước khi khởi nghĩa Lê Lợi rất tích cực chiêu hiền đãi sĩ, dung dưỡng những người từng chống lại quân Minh, vậy uy tín trong vùng hẳn là không tệ.
Loại chức quan của Lê Lợi cụ thể là gì, ảnh hưởng thế nào đến quá trình trước và sau khi bắt đầu khởi nghĩa, đó lại là một câu chuyện khác. Phức tạp hơn, liên quan đến một bức tranh rộng lớn hơn.
Khởi nghĩa Lam Sơn vì sao thành công hơn ba cuộc nổi dậy tiếng tăm diễn ra cùng lúc kể trên, đó càng là một câu chuyện khác.
Đọc sử, trước hết phải học cách chấp nhận sự phức tạp của con người và thời thế vậy.
Đồng Lạc