Người Do Thái được mệnh danh là “doanh nhân số một thế giới”, họ thông minh và rất giỏi kiếm tiền. Không chỉ là nhóm người chăm chỉ và kiên trì nhất, người Do Thái còn khiến người người phải nể phục và học hỏi bởi những triết lý làm giàu vô cùng đơn giản mà sâu sắc.
Trong suy nghĩ của người Do Thái, họ luôn tin rằng một người dù bắt đầu bằng tay trắng, không tiền, không mối quan hệ tương lai cũng có thể quật khởi thành công nếu nắm được 2 điều đơn giản này:
1. Siêng năng học hỏi, trau dồi rồi mới thành tài
Trong danh sách những tỷ phú, triệu phú giàu nhất thế giới hàng năm, có rất nhiều người gốc Do Thái góp mặt. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “thần chứng khoán” Warren Buffett, “vua dầu lửa” Rockefeller…Một nhà kinh tế học người Mỹ đã từng nói đùa rằng “Tiền của thế giới này nằm trong túi người Mỹ, và tiền của người Mỹ lại nằm trong túi áo người Do Thái.”
Tuy nhiên, tài năng kinh doanh của người Do Thái không phải là bẩm sinh, mà là một cách sinh tồn được phát triển trong quá trình bị áp bước trong quá. Họ phấn đấu và phát triển để sống sót và cứu lấy dân tộc của chính minh. Vì vậy, dù là ở đâu, một việc người Do Thái luôn ưu tiên và làm mỗi ngày chính là học tập và trau dồi kiến thức. Dù ở địa vị nào trong xã hội, họ luôn đặt việc học lên hàng đầu.
Người Do Thái tin chắc rằng chỉ bằng cách học hỏi và mở rộng tầm nhìn, họ mới có thể trở nên mạnh mẽ và giàu có hơn. Và quả thực, tư duy này chưa bao giờ lỗi thời. Ngay cả Tuân Tử, nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa cuối thời Chiến Quốc cũng đã nói người thông minh cũng cần siêng năng và ham học hỏi thì mới có thể thành tài.
2. Tư duy độc lập quan trọng hơn của cải
Người Do Thái là dân tộc có khả năng sử dụng tư duy độc lập rất tốt để tạo ra của cải. Họ cho rằng kết quả của sự việc là quan trọng, nhưng quá trình tư duy mới là quý giá nhất và không ai có thể lấy đi được. Có một câu chuyện về cái ống khói của người Do Thái, khiến nhiều người phải đọc đi đọc lại mới vỡ ra bài học thâm thuý được gửi gắm trong đó:
Một vị giáo sĩ Do Thái đặt câu hỏi: “Hai người đàn ông cùng leo ra từ ống khói, một người vẻ ngoài sạch sẽ, còn người kia lại dính đầy bụi bẩn, mặt mũi nhem nhuốc. Ai sẽ là người đi rửa mặt?”
Người thanh niên trả lời: “Là người có vẻ ngoài nhem nhuốc!”
Vị giáo sĩ ngay lập tức phủ nhận: “Con lầm rồi. Người bị bẩn nhìn thấy người sạch sẽ và nghĩ: Mình cũng sạch sẽ. Nhưng người sạch sẽ nhìn người mặt mũi lấm lem và lại nghĩ rằng: Mình cũng bị bẩn. Cho nên câu trả lời là người có vẻ ngoài sạch sẽ đi rửa mặt.”
Lần thứ hai, giáo sĩ vẫn hỏi câu hỏi cũ: “Sau đó hai người lại rơi vào ống khói. Con nghĩ ai sẽ là người đi rửa sạch lần này?
Anh chàng trả lời: “Tất nhiên là người sạch sẽ rồi!”
Giáo sĩ lại tiếp tục lắc đầu: “Không đúng. Lần này là người bị bẩn đi tắm rửa, bởi vì người sạch sẽ khi đi tắm mới phát hiện mình không bị bẩn, cho nên người vẻ ngoài nhem nhuốc mới mới hiểu tại sao người sạch phải tắm rửa”
Lúc này, chàng trai lại xin thêm một cơ hội nữa, giáo sĩ vẫn lặp lại hỏi: “Lần thứ ba bọn họ lại rơi xuống ống khói, con cảm thấy lần này ai sẽ đi tắm?”
Cậu bèn trả lời: “Lần này chắc là người có vẻ ngoài lấm bẩn.”
Vị giáo sĩ chỉ đáp: “Lại sai rồi. Con đã bao giờ thấy hai người cùng chui ra từ một ống khói mà một người sạch còn một người lại bẩn chưa?
Câu chuyện tuy ngắn nhưng hàm chứa ý nghĩ rất phong phú, phản ánh đúng phương pháp giáo dục của người Do Thái. Khuyến khích đối phương suy nghĩ độc lập, để họ chủ động bày tỏ quan điểm của mình, không có sự chèn ép hay chỉ trích. Người Do Thái tin rằng nếu không có khả năng suy nghĩ độc lập, con người sẽ không có khả năng hành động và phán đoán độc lập chứ chưa nói đến tự thân thành đạt trong sự nghiệp.
Người Do Thái còn tin rằng khả năng suy nghĩ của con người là thứ duy nhất mà họ có thể kiểm soát hoàn toàn. Họ thẳng thắn khẳng định, chính kiến thức đã thôi thúc họ kiếm tiền, chính tư duy đã cho họ phương pháp kiếm tiền, và hành động đã cho họ cơ hội kiếm tiền.
( Theo Zhihu)-Theo Nhịp sống thị trường