Tiềm năng phát triển của Việt Nam trong ngành bán dẫn đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty sản xuất thiết bị điện tử của Mỹ và Hàn Quốc.
Mạnh tay đầu tư
Nikkei Asia Review dẫn các nguồn tin cho biết, công ty Hana Micron đang có kế hoạch rót 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam cho tới năm 2025. Đây là đợt mới nhất trong làn sóng đầu tư bán dẫn vào khu vực giàu tiềm năng này. Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Ngành bán dẫn đang là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Nhà sản xuất thiết bị bộ nhớ và đóng gói chip của Hàn Quốc tiết lộ: “Chúng tôi đang chuyển thiết bị đến nhà máy thứ 2 ở tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị sản xuất và nhà máy có lịch trình bận rộn với các khách hàng”. Được biết, tỉnh Bắc Giang có 3 nhà cung cấp linh kiện cho Apple. Cùng với tỉnh Bắc Ninh, khu vực này được biết đến là nơi sản xuất phần lớn điện thoại Samsung trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp chip là trọng tâm trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9, khi văn phòng tổng thống Mỹ cho biết các công ty Mỹ Amkor và Marvell sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Vài ngày sau đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã đi thăm các cơ sở của các công ty công nghệ lớn như Nvidia và Synopsys ở Mỹ.
“Dự án ở Bắc Giang của Hana Micron đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và đi sẽ theo định hướng phát triển của chính phủ”, giám đốc nhân sự Hwang Chul Min nói với Nikkei. “Nó sẽ tạo cơ hội thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao và đặt nền móng cho sự phát triển của hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn”.
Một loạt các thông báo đầu tư gần đây đã tạo động lực cho cả các nhà sản xuất chip toàn cầu – vốn đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng do địa chính trị – và cả Việt Nam, nhằm thu hút các công ty sau nhiều năm nỗ lực bị đình trệ.
Khắc phục khó khăn
Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại. Samsung, một khách hàng của Hana Micron, đã từ chối yêu cầu của chính phủ về xây dựng một nhà máy sản xuất chip, với một nguồn tin nói với Nikkei rằng công ty “đã đầu tư quá nhiều”. Nhà sản xuất chip Intel cũng đang chọn Malaysia cho kế hoạch mở rộng quy mô lớn.
Việt Nam cũng cần phải nỗ lực theo kịp nhu cầu về nhân lực và cơ sở hạ tầng. Hana Micron sẽ tuyển dụng 4.000 người và hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc để tuyển dụng. Nhà sản xuất này cũng có một nhà máy ở Bắc Ninh, nơi các tin tuyển dụng được đăng tải để tìm kiếm người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tìm nguồn cung ứng và lập kế hoạch sản xuất cũng như công nhân dây chuyền.
“Hana Micron nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Bắc Giang trong việc cung cấp các điều kiện đảm bảo sản xuất liên tục như điện, nước”, website của tỉnh cho biết. Vào đầu tháng 6, tình trạng thiếu điện đã buộc tỉnh này phải lên kế hoạch cắt điện kéo dài hàng giờ.
Các thông tin cho biết thêm rằng nhà máy của Hana Micron sẽ có diện tích 6 ha, trong khi “một nhà máy bán dẫn khác do Đài Loan đầu tư” sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.
Trong số các nhà đầu tư khác, nhà sản xuất phần mềm chip Synopsys đã để mắt đến rủi ro tại Trung Quốc khi chuyển sang Việt Nam. Công ty Mỹ này đã tham gia lễ ra mắt trung tâm thiết kế chip tại Hà Nội vào tháng 9, một chuyên ngành mà các công ty Việt Nam như FPT và Viettel cũng đang theo đuổi.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần một cách tiếp cận thống nhất, mang tầm quốc gia đối với chất bán dẫn. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.
Tham khảo Nikkei Asia-Tất Đạt–Nhịp sống thị trường