Không chỉ là một doanh nhân đến tận giây phút cuối cùng, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử còn là một người cha nghiêm khắc, một tay nuôi dạy 11 người con thành thương gia nức tiếng
Niềm đam mê kinh doanh đã ăn sâu vào máu
Sinh năm 1923, là người con trong một gia đình giàu có nhất vùng tại đất Chu Minh (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), nhờ sự hiếu học, thông minh, Cụ Đỗ Thế Sử chăm chỉ học hành, được trọng dụng ở nhiều chức vụ chủ chốt tại địa phương. Ở tuổi niên thiếu, Cụ đã giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia kháng chiến.
Cụ là người vận động mẹ của mình hiến ruộng đất cho chính quyền, sau đó lên đường tản cư kháng chiến. Khi giành chính quyền thời kỳ năm 1945, Cụ là Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây. Trong thời gian tham gia kháng chiến, dù bị Quốc dân Đảng bắt tù đày, cho tới những tháng ngày bị xử oan trong cải cách ruộng đất, Cụ vẫn một lòng trung kiên với Cách mạng.
Lâm vào hoàn cảnh vợ ốm đau, con đông, Cụ viết đơn xin thôi việc khi đang giữ chức Tổng biên tập báo Sơn Tây về mở một HTX nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách, tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình.
Tưởng chừng mọi bình yên cứ vậy trôi qua, nào ngờ, Cụ bà đột ngột ngã bệnh rồi qua đời, bỏ lại Cụ cùng 9 người con nhỏ dại.
Bỗng dưng thành cảnh “cha goá, con côi”, nhìn đàn con thơ, đứa lớn nhất mới học lớp 10, đứa bé nhất cũng chỉ chập chững lên 2. Làm sao để từng đứa nên người, thành đạt, ngoan ngoãn là điều Cụ trăn trở. Sau này, đã có người ngỏ ý nuôi con Cụ và hỗ trợ chúng ra nước ngoài học tập nhưng Cụ không đồng ý và nghĩ rằng, chúng cần Cụ ở bên cạnh để dạy dỗ, chỉ bảo.
Cụ vì con, ban ngày miệt mài lao động, tối về chong đèn dạy con học hành. Đêm xuống, Cụ giữ thói quen soi đèn đếm chân xem có đủ 9 đứa con hay không.
Cuộc sống chậm rãi trôi qua, rảnh việc, tất cả con cái đều phụ Cụ công việc của HTX, anh chị lớn xén giấy, em nhỏ gập, dán những chiếc bằng tốt nghiệp, Hộp huân huy chương,…
Thế nhưng với Cụ, dù lao động vẫn phải học giỏi xuất sắc, Cụ nghiêm khắc với từng đứa con – học chỉ có điểm A không có điểm B. May mắn thay, nhờ sự dạy bảo của Cụ, người con nào cũng ngoan ngoãn, học rất giỏi. Đó cũng là nền tảng thành công của tất cả sau này, các con Cụ đều là doanh nhân thành đạt, Giáo sư, Phó giáo sư – Tiến sĩ hàng đầu.
Sau này, để mãi là tấm gương đủ lớn cho con cháu noi theo, nương tựa, Cụ tiếp tục đi học, ngoài 80 tuổi Cụ học tiếng Anh, thông thạo xong, Cụ học thêm tiếng Trung. Ở tuổi 90, Cụ vẫn tinh anh, tự tin đối ngoại với đối tác nước ngoài, tính nhẩm nhanh nhạy không hề sai sót.
Và suốt hơn chục năm vật lộn nuôi con, đến khi người con út lên 17, học ngoại ngữ để ra nước ngoài thì Cụ tục huyền. Ngày quyết định bước thêm bước nữa, Cụ nhìn các con mà nói: “Bố đã đứng vậy suốt gần 14 năm qua và bố vẫn có thể đứng tiếp những năm còn lại nhưng bố phải lấy một người có thể làm mẹ về cho các con, còn nếu lấy vợ cho bố thì bố lấy từ lâu rồi”.
Sau đó, Cụ sinh thêm một người con, Cụ bà đã có một con riêng, thế là tổng cộng Cụ có 11 người con cả trai cả gái. Và dựa vào trí tuệ, quyết tâm, đức hay lam hay làm và sự giáo dục bảo ban các con đến nơi đến chốn, Cụ đã làm cha của 22 người con cả gái trai dâu rể thành đạt, hiếu thuận, 36 đứa cháu cả gái trai dâu rể giỏi giang và 25 đứa chắt chăm ngoan. Đó đều là những con số vô cùng ấn tượng và bất ngờ, nhất là khi gia đình ấy được chèo lái bởi một người đàn ông trong suốt một thời kỳ khó khăn, gian khổ của đất nước.
Có thể khẳng định rằng, gần một thế kỷ, Cụ Đỗ Thế Sử đã sống trọn vẹn với 3 chữ Đạo: Đạo quân tử, Đạo học và Đạo làm người. Đó cũng chính là 3 chữ vàng mà PGS TS Trương Gia Bình, hiện là Chủ tịch HĐQT của FPT đã tặng Cụ Đỗ Thế Sử trong ngày doanh nhân 90 tuổi nhận Kỷ niệm chương “Vì phát triển doanh nghiệp” do VCCI tổ chức.
Đại gia đình doanh nhân “hổ phụ sinh hổ tử”.
Không chỉ được biết đến như giai thoại “Gà trống nuôi con thành tài”, Cụ Đỗ Thế Sử còn ghi danh gia đình họ Đỗ bởi hình ảnh “Lão đại gia” và truyền thống đại gia đình doanh nhân “hổ phụ sinh hổ tử”.
Cụ Sử bén duyên kinh doanh năm 14 tuổi khi còn “chạy cờ” giúp mẹ, bán tơ cùng các cô các bác Hàng Đào, Hàng Ngang. Sau đó, niềm đam mê ấy cháy mãi cho đến ngày Cụ nhắm mắt. Một ông lão 73 tuổi vẫn thành lập công ty may mặc Gamexco, 90 tuổi Cụ vẫn tinh anh điều hành công ty hàng ngàn nhân lực.
Đối với Cụ Đỗ Thế Sử, 11 người con thành đạt chính là tài sản vô giá. Họ đều là những giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc và doanh nhân nổi tiếng. Con cả của ông là đại tá, kỹ sư Đỗ Thái Tùng. Con thứ 2 là giáo sư, thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường – cựu Phó giám đốc Bệnh viện 103, nay là Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. Con thứ 3 của ông Sử là ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong.
Những người con khác của ông cũng tài giỏi không kém. Con thứ 4 của ông là Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Người con thứ 5 là Đỗ Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt. Người con thứ 6 là Đỗ Anh Tú – phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong, Tổng Giám đốc Công ty Diana và người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên – Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ.
4 người con gái của ông cũng tham gia lãnh đạo trong nhiều công ty lớn. Bà Đỗ Xuân Mai điều hành công ty Green Global. Bà Đỗ Kim Dung là Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa. Tới nay, ông Sử có 36 cháu nội ngoại và 25 chắt. Các cháu của ông đều được học hành bài bản ở cả trong nước lẫn nước ngoài và làm việc cho nhiều công ty lớn.
Cụ luôn động viên các con, nền tảng của kinh doanh phải từ gen, khi các con Cụ đã sẵn điều đó từ trong máu, chỉ cần khơi lên, tất yếu sẽ thành công. Ngay như với Cụ, Cụ luôn cho rằng gen kinh doanh của mình được di truyền từ mẹ – một người phụ nữ thất học nhưng thông minh, không biết chữ nhưng tính nhanh như cắt.
Vì vậy, dù cho con tự chọn con đường đi để phát huy khả năng của mình, nhưng nhìn người nào có gen kinh doanh trội, Cụ hướng người đó. Như với ông Đỗ Minh Phú, trước đó là một người rất thông minh, được lựa chọn sang Nhật làm Tiến sĩ. Nhưng ngày đó, người con trai này của Cụ lại băn khoăn về hướng rẽ kinh doanh.
Cụ Sử chỉ bảo: “Làm khoa học cũng tốt nhưng nếu biết cách làm giàu cho mình và đất nước thì càng tốt. Nhà doanh nghiệp sẽ là một trong những trụ cột của đất nước…”. Thế là ông Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được DOJI hay TPBank như hiện nay.
Những người con khác của Cụ theo nghiệp kinh doanh cũng tương tự như vậy.
Ngoài ra, để xây dựng một gia đình huyền thoại, điều cốt lõi Cụ Sử để lại cho các con chính là chữ Tín – con chữ biểu hiện nhân cách người kinh doanh. Cụ vẫn dạy con rằng: “Dòng máu nhà mình là dòng máu kinh doanh và nó được lọc bằng chữ Tín”.
Với những điều Cụ Sử đã làm suốt hơn nửa Thế kỷ qua, có lẽ, nó không chỉ đơn thuần là “tề gia” như Cụ nghĩ, mà sự dạy dỗ, bảo ban của Cụ có ý nghĩa vô cùng lớn. Nhất là khi máu kinh doanh của gia đình đã tạo nên hàng loạt doanh nhân chân chính, góp phần quan trọng làm toàn diện kinh tế nước nhà và truyền tải nhiệt huyết cho bao con người đất Việt.
Doanh nhân Đỗ Thế Sử – doanh nhân kỳ cựu 90 tuổi vẫn điều hành công ty đã qua đời vào ngày 10/5/2019, hưởng thọ 97 tuổi.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” (năm 2012) cho Cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng – 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”
DĐDN