Một trong những điều mà sinh viên quốc tế nên biết khi đến Israel là: Đừng bao giờ sợ đặt câu hỏi, và có thể hỏi tới “tận cùng”.
Khi nhắc đến du học, người ta nghĩ ngay tới các quốc gia với nền giáo dục hàng đầu và lâu đời nhất thế giới như Anh, Mỹ hay Úc. Tuy nhiên, những cái tên quá quen thuộc này đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục đại học của các bạn trẻ khắp thế giới.
Giới trẻ năng động ngày nay có xu hướng muốn khám phá những điểm đến mới, nơi họ có thể tìm thấy những gì phù hợp với bản thân nhất. Theo đó, Israel sẽ là một “ứng cử viên” sáng giá.
2 NGƯỜI ISRAEL 3 Ý KIẾN
Những ai đã đọc cuốn “Jerome becomes a genius” (tựa đề tiếng Việt: Trí tuệ Do Thái) của tác giả Eran Katz điều biết rằng một trong những nguyên lý cơ bản của trí thông minh Do Thái là sự quan tâm dành cho giáo dục.
Ai cũng khát khao được hiểu biết, nhưng không phải xã hội nào cũng ưu tiên cho việc học. Người Do Thái có thể sống ở những nơi cơ sở vật chất tồi tàn, nhưng không thể sống trong sự ngu dốt. Do đó, đề cao giáo dục là một giá trị rất cao đối với người Do Thái.
Trường học ở Israel như là một xã hội thu nhỏ, nơi các cá thể phải tự thân vận động. Giáo viên ở đất nước này cho rằng, một lớp học quá trật tự là một lớp học không hiệu quả. Do đó, sinh viên được khuyến khích tranh luận, kể cả với giáo viên, mục đích là để tìm ra lẽ phải. Sẽ không có chuyện trù dập cá nhân.
Nếu ở nơi khác việc liên tục đặt câu hỏi, hay cái gì cũng hỏi, đôi khi có thể bị cho là “lấc cấc”, “trắng trợn”, thì ở Israel là ngược lại. Với người Israel, sự trầm lặng, im lặng có thể đồng nghĩa với nguy cơ bị tụt hậu, dù ở môi trường nào: nhà riêng hay giảng đường.
Ai mới đến Israel có thể sẽ bị “sốc” khi thấy người bản địa tự nhiên, thoải mái hỏi về thu nhập của người đối diện, khoe số tiền họ kiếm được hay căn nhà họ mới mua. Thậm chí, khi ra đường, nếu thấy bà mẹ nào đó cho con mình ăn mặc không phù hợp với thời tiết, họ cũng không ngại lên tiếng.
Người Israel có câu châm ngôn “2 người Israel, 3 ý kiến” để nói về cá tính thẳng thắn mà nhiều dân tộc khác có thể coi là thái quá, khiến nhiều người không dễ có thiện cảm với họ. Tuy nhiên, những ai không câu nệ sẽ thấy ở họ sự chân thành “hiếm có khó tìm”.
Ở đất nước này, mọi chuyện đều dễ dàng hơn khi sự lịch thiệp trở nên không quá quan trọng.
Theo Giáo sư Yaffa Zilbershats, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách trực thuộc Hội đồng Giáo dục Đại học Israel (CHE), một điều mà sinh viên quốc tế nên biết khi đến Israel là: Đừng bao giờ ngại đặt câu hỏi!
Các cơ sở giáo dục đại học ở Israel đều có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên quốc tế. Bất cứ câu hỏi nào được đặt ra đều sẽ nhận được phản hồi và hỗ trợ từ đội ngũ nhân viên nói tiếng Anh làm việc 24/24.
Do đó, đây có thể là một kênh hữu ích dành cho những người mới đến và cần thời gian thích ứng với văn hóa “đặt câu hỏi” bản địa.
SỰ ĐẶC BIỆT CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ISRAEL
Israel có 9 trường đại học tổng hợp, 31 trường chuyên ngành và 21 trường sư phạm, tất cả đều thuộc sự quản lý của CHE (Hội đồng Giáo dục Đại học Israel).
Trong số 61 cơ sở giáo dục đại học này ở Israel, có 50 cơ sở do chính phủ tài trợ, và 11 cơ sở tư nhân. Đây là yếu tố mang lại cơ cấu học phí cạnh tranh cao trên quy mô quốc tế cho Israel. Học phí sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ sở giáo dục và loại chương trình đào tạo, dao động trong khoảng 4.000-30.000 USD/năm.
Nhiều chương trình nghiên cứu tại các trường đại học của Israel được thiết kế với mức học phí thấp hoặc miễn phí. Đặc biệt, còn có cơ chế trả lương cho sinh viên khi tham gia nghiên cứu.
Sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ có nhiều cơ hội nhận học bổng. Học bổng cho bậc cử nhân tối thiểu là 4.000 USD/năm. Mức tối thiểu của học bổng cho bậc thạc sĩ là 5.500 USD/năm. Các chương trình đào tạo tiến sĩ thường sẽ được đài thọ 100% chi phí. Ngoài ra, có vô số cơ hội học bổng cho những sinh viên xuất sắc và những ứng viên đăng ký sớm.
Israel có vô số các khóa học ngắn hạn, dài hạn, cấp đại học và sau đại học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Do đó, sinh viên quốc tế có thể dễ dàng đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ cũng được chào đón. Ở đây, họ có cơ hội làm việc với các nhà nghiên cứu đầu ngành.
Ngoài các ngành học tiêu biểu và nổi bật của “quốc gia khởi nghiệp” như Nông nghiệp, Thủy văn & Thủy lợi, Công nghệ Sinh học & Khoa học Địa chất và Môi trường, An ninh mạng, các cơ sở giáo dục đại học ở Israel còn có các khóa học thuộc một số lĩnh vực nghe “lạ tai” như Nghiên cứu, Quản lý và Giải quyết Xung đột.
Bên cạnh đó, ngành Khảo cổ học ở Israel cũng phát triển rất mạnh. Sinh viên theo học ngành này có cơ hội “chạm tay” vào những tàn tích từ hàng nghìn năm trước.
Người Israel nổi tiếng với lối suy nghĩ đổi mới, phá cách. Đất nước Israel được biết đến là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Và ý thức đổi mới và tinh thần khởi nghiệp của họ đều bắt nguồn từ nền giáo dục.
Với mong muốn thổi luồng gió mới vào các phương pháp dạy và học thông thường để bắt kịp sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số, CHE đã khởi động sáng kiến New Campus Vision.
Với các yếu tố khác nhau, sáng kiến này giúp tạo ra một cách tiếp cận phù hợp với các xu hướng phát triển của thế kỷ 21: Học tập số. Đặc biệt, sáng kiến này còn hướng tới tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp với những bộ óc liên ngành hàng đầu.
Theo đó, các trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được thành lập ngay tại các cơ sở giáo dục trên toàn đất nước Israel. Những trung tâm này đóng vai trò như các vườn ươm nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, tạo mối liên hệ giữa thực tế sản xuất và học thuật, và cung cấp nền tảng cho sinh viên phát triển, phát huy và hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp đột phá của mình.
Đáng chú ý, ở Israel, các sinh viên từ năm thứ hai trở đi được khuyến khích tự lập dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp… Tất cả điều đó giúp sinh viên không còn lạ lẫm với thế giới doanh nhân, startup sau này. Như vậy, bất kỳ sinh viên nào ở Israel đều hoàn toàn có thể “kiếm bộn tiền” ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
*Xem thêm bài:” Vì sao người Do Thái luôn thành công?”
Theo Trí Thức Trẻ