Tại Trung Quốc, Vũ Hán trước đây là thành phố của hoa đào, là động lực tăng trưởng kinh tế của miền trung, là nơi khởi phát của cuộc cách mạng dẫn đến kết thúc của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này cách đây 1 thế kỷ.
Nhưng giờ đây, đô thị với khoảng 11 triệu dân thuộc tỉnh Hồ Bắc này trở thành tâm điểm của đại dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra, một sự kỳ thị mà người dân Vũ Hán ngày càng nhận ra họ không thể rũ bỏ.
Khi số người chết vì virus mới tính đến ngày 2/2 lên đến 305 và hơn 14.300 ca nhiễm trên khắp Trung Quốc, chính quyền các địa phương khắp nước này đã kích hoạt chế độ phản ứng khẩn cấp về y tế công cộng ở mức độ cao nhất, tăng cường kiểm tra những người từ Vũ Hán.
Nỗi sợ hãi về tình trạng virus lây lan làm gia tăng tư tưởng phẫn nộ và phân biệt đối xử với những người từ Vũ Hán. Một số người bị ruồng bỏ trên chính đất nước mình, bị các khách sạn, láng giềng quay lưng, và ở nhiều nơi họ phải chịu những biện pháp kiểm dịch gây tranh cãi.
Giới chức Vũ Hán ước tính khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố này để về đón Tết âm lịch trước khi chính quyền huỷ mọi chuyến bay, tàu và xe buýt ra bên ngoài để cô lập thành phố từ ngày 23/1.
Nhiều người trong số đó là lao động di cư hoặc sinh viên đại học trở về đoàn tụ với gia đình. Những người khác là du khách muốn tận hưởng kỳ nghỉ dài.
Trung Quốc chỉ thông báo virus corona có thể lây từ người sang người từ ngày 20/1, sau khi số bệnh nhân mắc bệnh được xác nhận tăng vọt. Trước đó, chính quyền vẫn nói dịch bệnh “có thể ngăn ngừa và kiểm soát”.
“Nhiều người bạn tôi rời khỏi Vũ Hán mà không nhận ra tình hình nghiêm trọng như thế nào”, April Pin, một người dân Vũ Hán, viết trong bức thư ngỏ để bày tỏ mong muốn mọi người hãy hiểu cho những người rời khỏi thành phố này vì không nắm được thông tin đầy đủ.
Là một trong hàng triệu người từng ở Vũ Hán, Pin nói với CNN rằng cô viết bức thư này vì “có quá nhiều bình luận trên mạng tấn công người Vũ Hán”.
Người không được chào đón
Sau khi Vũ Hán bị phong toả, người dân thành phố này đang ở những nơi khác trên khắp Trung Quốc sớm nhận ra họ không được chào đón ở các khách sạn và nhà nghỉ. Họ cũng không thể trở về Vũ Hán do lệnh hán chế đi lại.
Họ mắc kẹt trên chính đất nước mình.
Trên mạng xã hội, rất nhiều du khách Vũ Hán cầu xin giúp đỡ để có nơi tá túc.
Một người dụng mạng xã hội Weibo tuần trước viết rằng cô bị một nhà nghỉ ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, tống cổ ra ngoài vì họ không nhận khách từ tỉnh Hồ Bắc.
“Tôi chỉ cầu xin giúp đỡ vì tôi gần như tuyệt vọng rồi”, cô gái tên Ludougao viết. Cô rời khỏi Vũ Hán hôm 20/1, ba ngày trước khi thành phố bị đóng cửa.
Cô ra ga tàu, nhưng chỉ để thấy rằng không đoàn tàu nào dừng lại ở Vũ Hán nữa. Cô gọi điện cho cảnh sát, nhưng chỉ nhận được khuyến cáo nên đến “trung tâm cứu trợ” dành cho những người vô gia cư. Cô gọi điện đến đường dây nóng của Chủ tịch Vũ Hán, nhưng không ai trả lời. Cô đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ, nhưng không có chỗ nào nhận cô. Cô liên hệ với 10 khách sạn và nhà nghỉ, nhưng đều bị khước từ.
“Tôi không hiểu nổi. Ngay cả khi tất cả người Vũ Hán đều là ‘xác sống’ thì để khống chế dịch, chúng tôi đáng lẽ phải được ở trong nhà chứ? Giờ tôi bị đuổi ra ngoài đường và không có nơi nào để đi”, người phụ nữ viết.
Bài viết của cô gây sốt trên mạng, nhưng sau đó bị xoá mất. Nó đã thu hút sự chú ý của “cảnh sát internet” Trung Quốc, nên trường hợp của cô đã được báo với chính quyền. Cuối cùng cô được một khách sạn tiếp nhận vào tối hôm đó, theo bài viết mà cô đăng sau đó.
Khi được CNN liên hệ, Ludougao nói rằng cô không muốn bình luận thêm và chính phủ đã liên hệ với cô. Rất nhiều người đang chịu chung số phận với Ludougao.
Ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, nơi có khí hậu ấm áp và nhiều cảnh đẹp tự nhiên, nhiều du khách từ Hồ Bắc đang mắc kẹt ở đây đã phải liên hệ với chính quyền xin giúp đỡ. Sở văn hoá du lịch của tỉnh cuối tuần trước phải ra chỉ thị yêu cầu chính quyền địa phương dành ít nhất 1 khách sạn để họ tá túc.
Những tỉnh thành khác ở Trung Quốc, như tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, đều đã có biện pháp tương tự. Sở văn hoá và du lịch Vũ Hán công bố danh sách các điểm mà du khách Vũ Hán có thể nghỉ lại. Nhưng chưa rõ có bao nhiều du khách từ Vũ Hán biết thông tin này.
Khi ngày càng nhiều hãng hàng không quốc tế huỷ chuyến bay đến Vũ Hán, nhiều du khách từ thành phố này đang mắc kẹt bên ngoài Trung Quốc. Tính đến ngày 27/1, vẫn còn hơn 4.000 du khách Vũ Hán đang ở nước ngoài, theo số liệu của Sở văn hoá và du lịch Vũ Hán.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê bao để đưa họ trở về.
Theo bộ này, 2 chuyến bay thuê bao do chính phủ Trung Quốc sắp xếp đã hạ cánh ở sân bay Vũ Hán tối 31/1, đưa các du khách Hồ Bắc từ Đông Nam Á về quê.
Nhà bị chặn
Ngoài du khách, các chính quyền địa phương cũng đang cảnh giác cao độ với những người vừa về quê nhà họ ở Vũ Hán để ăn Tết.
Ở một số tỉnh thành như Thượng Hải và Quảng Châu, các uỷ ban cấp phường được giao nhiệm vụ đến tận nhà những người mới về từ Vũ Hán rồi báo cáo thông tin cho chính quyền, báo chí Trung Quốc cho biết.
Eric Chen, 33 tuổi, là người Kinh Châu, Hồ Bắc, hiện đang sống và làm việc ở Chiết Giang. Chen kể rằng một số người cảnh giác với người Vũ Hán đến mức một hàng xóm của anh đã gọi điện báo cảnh sát khi phát hiện chiếc xe ô-tô mang biểu số Vũ Hán trong khu dân cư của họ.
“Hoá ra chủ chiếc xe đó gần đây chưa từng đến Vũ Hán. Anh ấy có biển số xe Vũ Hán vì khó đăng ký biển số xe ở Hàng Châu”, Chen nói với CNN.
Ở một số vùng nông thôn, nhiều làng cử dân ra canh cổng, chặn đường bất kỳ ai đến từ Vũ Hán. Vài bức ảnh chưa được thẩm định trên mạng xã hội cho thấy người ta huy động cả xe tải, máy kéo, đá tảng và cây đổ để ngăn người ngoài vào làng.
Tình trạng chặn đường diễn ra phổ biến đến mức Bộ Giao thông Trung Quốc hôm 29/1 ra thông báo yêu cầu không được chặn đường trái phép.
Ở một số nơi, những người trở về từ Vũ Hán bị cách ly theo cách gây tranh cãi. Những video được đưa lên mạng cho thấy một số ngôi nhà của người về từ Vũ Hán bị dây cuốn quanh, hoặc thậm chí bị chặn bằng tấm gỗ hoặc kim loại.
Tình trạng kỳ thị và hắt hủi người Vũ Hán đã được phản ánh trên tờ Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một bài xã luận đăng trên ứng dụng di động hôm 27/1, Nhân dân nhật báo thừa nhận tình trạng kỳ thị trên mạng đối với người Vũ Hán và cả người dân Hồ Bắc nói chung, cũng như các biện pháp kiểm soát của chính quyền địa phương khiến họ không thể vào khách sạn hay trở về nhà.
“Đa phần trong số 5 triệu người (rời khỏi Vũ Hán) không cố tình chạy trốn, hoặc không có nghĩa rằng họ đều mang theo virus”, bài viết nói.
“Bất kể họ đã đi đâu, chúng ta không nên định kiến với họ hoặc đối xử với họ bằng trái tim lạnh…Đối mặt với dịch bệnh, họ đều là nạn nhân và họ mong mỏi hơn bất kỳ ai dịch bệnh sớm kết thúc. Họ khao khát an toàn, sự bảo vệ và chăm sóc. Vào thời điểm này, điều họ cần là sự thấu hiểu chứ không phải ngộ nhận”, Nhân dân nhật báo viết.