Giai đoạn ăn nên làm ra, Hùng Vương từng nổi trội là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường. Tại thời điểm năm 2019, Hùng Vương đã lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng.
CTCP Hùng Vương mới công bố văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc thoái vốn tại một số công ty thành viên để thu tiền thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay của công ty. Trong đó, CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất, ở mức 1.045 tỷ đồng. Hiện Hùng Vương đang nắm giữ 50,38% vốn của doanh nghiệp này.
Trong lần cuối cùng công bố BCTC hợp nhất vào năm 2019, Hùng Vương đang có 9 công ty con. Cũng tại thời điểm cuối năm 2019, doanh nghiệp này có số nợ phải trả hơn 7.134 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) là hơn 3.000 tỷ đồng. Lúc đó, số lỗ lũy kế của Thủy sản Hùng Vương đã lên tới 1.743 tỷ đồng.
Trước khi gặp những biến cố lớn như hiện tại, Hùng Vương đã từng là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành thủy sản được niêm yết trên sàng chứng khoán Việt Nam. Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất tại Khu Công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vào năm 2003. Ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu.
Tháng 1/2007, Hùng Vương chính thức trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ đồng và nâng lên 250 tỷ để hợp nhất các công ty con và đầu tư kho lạnh tại KCN Tân Tạo, TP. HCM với công suất 12.000 tấn kho.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, đến 2009, vốn điều lệ của Hùng Vương đã tăng lên gần 600 tỷ đồng, là nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra có mô hình sản xuất chế biến khép kín hàng đầu Việt Nam về quy mô hoạt động, kim ngạch xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Cũng trong năm 2009, công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu HVG.
Từ năm 2009, công ty đã sở hữu 7 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu sang 27 nước EU và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc,… Hùng Vương còn sở hữu hệ thống kho lạnh lớn nhất Việt Nam (thời điểm đó) với sức chứa 42.000 tấn tại KCN Tân Tạo, cùng hơn 150 ha diện tích nuôi trồng đảm bảo 50% nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của Hùng Vương.
Chính nhờ những điều kiện sẵn có, Hùng Vương đã trở thành một “ông lớn của ngành thủy sản. Doanh thu của Hùng Vương từ 2013 đã vượt 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng dao động trên 200 tỷ đồng/năm.
Cũng theo số liệu Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2013 là 1.761 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Hùng Vương đạt 205 triệu USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch, và gấp 1,2 lần kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp xếp 2 trong ngành là “nữ hoàng cá tra” hiện tại là Vĩnh Hoàn (VHC).
Giai đoạn ăn nên làm ra, Hùng Vương từng nổi trội là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường. Hùng Vương thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để hoàn thiện quy trình hoạt động theo chuỗi cung ứng khép kín, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản, nhắm đến mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực này.
Tính đến 31/12/2016, quy mô tập đoàn Hùng Vương đã lên đến 27 công ty con và liên kết. Đồng thời, tổng vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của Hùng Vương cũng lên tới hơn 8.600 tỷ đồng, trên tổng nguồn vốn 16.603 tỷ đồng, chưa tính tới nghĩa vụ phải trả người bán,…
Chính việc dùng đòn bảy tài chính quá lớn, đầu tư sa đà đã khiến chi phí tài chính của HVG bị phình to và mất kiểm soát khi hoạt động kinh doanh chính không thuận lợi. Hùng Vương bắt đầu gặp khó khăn từ tháng 6/2016. Áp lực chi phí tài chính tăng cao khiến từ mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ vài trăm tỷ đồng một năm, Hùng Vương chỉ còn lãi vỏn vẹn chưa đầy 10 tỷ vào năm 2016 mặc dù năm ấy doanh thu đạt mức kỷ lục 17.884 tỷ đồng.
Trong báo cáo thường niên 2019, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương – ông Dương Ngọc Minh đã thừa nhận về việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn gây nên khó khăn chồng chất, bên cạnh đó “trách” ngân hàng đã không đồng hành trong việc đầu tư thực hiện các dự án.
Một chuỗi những năm từ 2017 trở đi, HVG rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, bị ngân hàng từ chối giãn nợ, HVG giai đoạn 2018-2019 liên tục bán đứt những công ty con, liên kết nhằm duy trì hoạt động.
Đầu năm 2020, thông tin về việc Thaco thông qua công ty con sẽ “giải cứu” Hùng Vương khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, vào ngày 9/1/2020, CTCP Hùng Vương cùng Công ty Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (THADI-công ty con của Thaco) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn tại Thủy sản Hùng Vương và góp 65% vốn vào liên doanh sản xuất heo giống với công ty này. Liên doanh này có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công cuộc giải cứu này chỉ kéo dài 1,5 năm khi đến ngày 2/7/2021, Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và Chủ tịch HĐTV là ông Trần Bá Dương đồng loạt bán sạch hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG tại Thuỷ sản Hùng Vương.
Động thái thoái vốn khỏi Hùng Vương của ông chủ Thaco như một lời thông báo không chính thức về kết quả bất thành của cuộc giải cứu. Đến ngày 15/12/2023, cổ phiếu HVG của Hùng Vương chính thức bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM do công ty chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.
Trọng Hiếu–An ninh Tiền tệ