Hoàng Trường – từng làm Trưởng phòng Marketing đã giải mã những thắc mắc của người tiêu dùng lâu nay về thương hiệu được cho là “bí ẩn nhất Việt Nam”.
Nón Sơn là một trong những thương hiệu có tiếng của Việt Nam chuyên sản xuất mũ bảo hiểm, nón thời trang cao cấp. Thay vì bàn luận đến chất lượng sản phẩm, nhiều người lại đặt ra câu hỏi về khả năng kinh doanh thật sự của thương hiệu này. Không ít người nhận định Nón Sơn là một “ẩn số” khó đoán hay thương hiệu “bí ẩn nhất Việt Nam”.
Có khá nhiều lý do để tạo nên sự bí ẩn này. Đầu tiên phải kể đến việc hàng loạt cửa hàng bán nón được đặt ở vị trí đắc địa của nhiều tuyến phố lớn, nổi bật với màu hồng đặc trưng, thiết kế nhất quán nhưng… rất vắng khách. Các cửa hàng của Nón Sơn luôn treo biển “mua 1 tặng 1”, ngoài ra không có bất cứ hình thức khuyến mãi nào thay thế từ năm này qua năm khác cũng khiến người tiêu dùng đặt dấu chấm hỏi lớn.
Trước những thắc mắc của cộng đồng mạng, mới đây, một cựu nhân viên làm việc tại Nón Sơn đã giải đáp câu hỏi: “Nhìn có khách đâu, mà sao nhiều cửa hàng vậy”. Bài đăng nhanh chóng đã phủ sóng khắp mạng xã hội bởi đã giải mã phần nào sự bí ẩn của một thương hiệu gây tò mò bao lâu nay.
Đó là Hoàng Trường – cựu Trưởng phòng Marketing tại Nón Sơn. Anh đã chỉ ra 5 yếu tố giúp thương hiệu có thể duy trì vững bền qua năm tháng. Đồng thời, điều được đông đảo cư dân mạng quan tâm nhất là hình ảnh bên trong công ty cũng được cựu nhân viên này hé lộ. Bộ máy vận hành chuyên nghiệp với rất nhiều camera giám sát, điều này khiến dân tình vô cùng thích thú và bất ngờ bởi quy mô hoạt động của thương hiệu lâu năm.
Liên hệ với Hoàng Trường – chủ nhân bài đăng bày tỏ sự bất ngờ, có phần bối rối vì không nghĩ chia sẻ của mình lại “gây bão” đến vậy: “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ những người đang làm truyền thông, phát triển thương hiệu mới quan tâm đến vấn đề này. Bởi tôi cũng muốn những người trong ngành có thể tham khảo, bàn luận về chuyên môn chứ không nghĩ lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy từ cộng đồng mạng”.
“Bản thân tôi từng làm việc và cũng rất yêu thích thương hiệu. Tôi cũng biết còn rất nhiều người thắc mắc về thương hiệu nên cũng muốn chia sẻ những gì mình biết để khách hàng tin và yêu thương hiệu Việt Nam hơn. Hơn nữa ngày nay, mọi người đang chuộng các nhãn hàng nước ngoài trong khi thương hiệu lâu năm của mình cũng rất chất lượng. Do vậy, tôi cũng muốn giải đáp những gì có thể để người tiêu dùng hiểu rõ hơn”, anh Hoàng Trường nói về mục đích chia sẻ những thông tin về Nón Sơn trên MXH.
Trước đây dù rất nhiều thắc mắc, giả thuyết về Nón Sơn nhưng thương hiệu này chưa từng lên tiếng giải đáp. Phải đến bài đăng hiện tại của cựu nhân viên, nhiều người mới biết đến những hình ảnh bên trong công ty và cách thức hoạt động. Trả lời về điều này, anh Hoàng Trường cho hay:
“Những thông tin, hình ảnh mà tôi chia sẻ đều được công khai trên website của Nón Sơn chứ không bí ẩn, bí mật như mọi người vẫn nghĩ. Hơn nữa, tôi cũng chỉ phân tích dựa trên những nhận định, kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm làm thương hiệu của mình, nên không ảnh hưởng đến công ty cũ và ban giám đốc của Nón Sơn cũng đã thả tim rất nhiều vào chia sẻ của tôi.
Trong thời gian tới, tôi có thể sẽ chia sẻ thêm những vấn đề mà tôi hiểu rõ và biết đó là câu trả lời đúng ở hiện tại của Nón Sơn. Còn những câu hỏi ngoài luồng, không thuộc phạm trù của tôi chắc chắn tôi sẽ không đề cập đến”.
4 Anh Hoàng Trường cho biết những hình ảnh này đều được công khai, không bí mật như mọi người nghĩ
Hoàng Trường tên đầy đủ là Hoàng Xuân Trường từng giữ chức vụ Trưởng phòng Marketing tại Nón Sơn. Bên cạnh đó, anh cũng được biết đến với vai trò Giám đốc thương hiệu mỹ phẩm, kết hợp với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Hiện tại, anh đang chịu trách nhiệm quản lý và điều hành toàn bộ kinh doanh, marketing của một thương hiệu thời trang mặc nhà cao cấp và một chuỗi quán cafe kết hợp khu vui chơi cho trẻ em.
Bài đăng chia sẻ của Hoàng Trường:
Mặc dù làm Nón Sơn không lâu, nhưng cũng câu hỏi “Nhìn cửa hàng Nón Sơn có khách đâu, mà sao nhiều cửa hàng vậy” thì xin trả lời như sau:
- Thời điểm mình phụ trách với vai trò Trưởng phòng Marketing tại Nón Sơn, riêng website chính của hãng, 1 tháng đã có doanh số trung bình trên 2 tỷ, doanh số trung bình hàng năm của online là khoảng 24 tỷ (đặc biệt hơn, 90% lượng truy cập hoàn toàn thông qua tìm kiếm tự nhiên, chạy quảng cáo rất ít, đa phần khách hàng truy cập vào website vì đã quá quen thuộc với thương hiệu. Giá trị làm thương hiệu tại đây, khách hàng chủ động tìm đến thương hiệu).
- Cách làm khuyến mãi đơn giản, nhưng hiệu quả: Làm sao để giúp cho doanh số online tăng trưởng mà không quá ảnh hưởng đến cửa hàng. Đó là nếu bạn mua trên website, thì được phép mua 1 cái nón bảo hiểm với giá trung bình 350.000 VNĐ. Còn khi mua tại cửa hàng, thì sẽ mua 1 tặng 1 với giá 700.000 VNĐ. Xuyên năm chỉ chạy chương trình khuyến mãi này và rất hiệu quả.
- Lựa chọn mặt bằng với tiêu chí: Làm sao cho làm được bảng hiệu thật to, không cần cửa hàng quá lớn. Bao nhiêu năm nay, tiêu chí chọn mặt bằng ở các tỉnh hay ở các TP lớn là vậy, cửa hàng không cần lớn (có những cửa hàng chỉ 20m2) nhưng đặt được 1 cái POSM (PV: Point Of Sales Material – vật dụng hỗ trợ bán hàng, nhận diện thương hiệu) lớn ở mặt tiền. Mục đích ở đây là quảng cáo nhằm phát triển thương hiệu, chứ không bán hàng.
Nón Sơn có thể mới tới 200 cửa hàng, 70% là của hàng theo quy chuẩn như vậy. Lợi ích: Chỉ cần doanh số đủ chi trả mặt bằng và nhân viên (mặt bằng nhỏ nên chi phí thuê và sắp xếp rẻ, mỗi ca 1 nhân viên nên chi phí nhân sự thấp). Xem như không tốn tiền đặt biển bảng quảng cáo (có những vị trí nếu mà đưa cho công ty bán quảng cáo, có thể thu ít cũng 1-2 tỷ/ năm).
- Làm chủ công nghệ và sản xuất: Có nhiều người không biết rằng, Nón Sơn làm chủ dây chuyền sản xuất từ đầu vào đến đầu ra nên chi phí giá thành rẻ.
- Vận hành chuyên nghiệp: Có 1 trung tâm điều hành toàn bộ cửa hàng thông qua hệ thống camera với tiêu chí: Khách hàng vào cửa hàng là phải có đơn hàng, các thắc mắc của khách hàng… Nếu cửa hàng không xử lý được, bộ phận ở trung tâm điều hành sẽ gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để giải quyết thắc mắc của khách hàng.
Còn nhiều lắm nhưng không tiện chia sẻ, nhưng cho cùng, một thương hiệu muốn sống khoẻ, phải biết làm thương hiệu.
Ảnh: NVCC-Theo HẢI MY/ THIẾT KẾ: HUYỀN TRANG-Theo Trí thức trẻ