“Hãy nghĩ về những lựa chọn có thể khiến bạn đi xa nhất”, chàng Tiến sĩ trẻ nhắn nhủ.
Năm 2014, ở tuổi 18, Tô Minh Nhật (SN 1996) đạt được một trong những thành tích nho nhỏ đầu tiên để thêm vào profile của mình, đó là giành vòng nguyệt quế Đường Lên Đỉnh Olympia và dừng chân ở vòng thi tháng. Không lâu sau đó, chàng trai trẻ tiếp tục chinh phục thêm một cột mốc, đó là đỗ cùng lúc 2 trường là Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Y Dược TP.HCM với 28 điểm.
10 năm sau, ở 28 tuổi, profile của Tô Minh Nhật đã có thêm rất nhiều gạch đầu dòng khác “hoành tráng” hơn hẳn. Anh trở thành Tiến sĩ tại Viện Hàng không và Vũ trụ quốc gia Pháp về kỹ thuật hàng không vũ trụ. Anh còn đang làm việc ở vị trí Kỹ sư cơ khí hàng không, chuyên về chế tạo động cơ cho máy bay dân dụng tại Safran Aircraft Engines thuộc Tập đoàn Safran tại Paris (Pháp).
Đứng trước những thành tích của mình, chàng trai chia sẻ khiêm tốn: “Càng ra ngoài nhiều, mình càng cảm thấy bản thân biết ít. Mình chỉ mong trở thành một con ếch, nhảy ra khỏi miệng giếng để đến một cái giếng rộng lớn, được ngắm nhìn bầu trời rõ hơn”.
Đằng sau mỗi hành trình đi đến thành công của những người giỏi luôn có rất nhiều câu chuyện hay ho để kể. Và Tô Minh Nhật là minh chứng rõ ràng cho câu nói này.
Tô Minh Nhật (SN 1996)
– Cựu thí sinh chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia.
– Tốt nghiệp Thủ khoa Huy chương vàng chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp ) tại đại học Bách Khoa TPHCM.
– Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp.
Từ thủ khoa Bách khoa đến Tiến sĩ hàng không tại Pháp
Ít ai biết lý do Minh Nhật lựa chọn gắn bó với lĩnh vực hàng không, thực chất bắt nguồn từ một bộ phim nổi tiếng mà Nhật yêu thích.
Năm 2014, Minh Nhật khi đó 18 tuổi, đỗ cùng lúc 2 trường là Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Y Dược TP.HCM. Với sự hứng thú dành cho bộ phim Iron Man (Người Sắt), Nhật đã phát hiện ra đam mê với robot bay trên trời. Cơ duyên bất ngờ nhưng đủ khiến anh đi đến quyết định đăng ký theo học chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao, trường Đại học Bách khoa TP.HCM để tìm hiểu về những điều mình quan tâm.
Năm đầu đại học, chương trình học nặng về lý thuyết, khối lượng kiến thức dày, thi cử nhiều khiến Nhật hoang mang về lựa chọn của mình. Thậm chí, có thời điểm Nhật muốn dừng lại, thi lại đại học để tìm kiếm con đường khác.
Nhưng, mọi sự đến trong cuộc đời đều có lý do.
Đến cuối năm 2, sau khi chia chuyên ngành, Nhật chọn ngành Kỹ thuật hàng không. Được đào tạo chuyên sâu về ngành, niềm đam mê của Nhật dần quay trở lại. Một lần nữa anh có thêm niềm tin vào quyết định năm 18 tuổi.
Cuối năm 4, nhờ thành tích học tập xuất sắc nên Nhật trở thành một trong hai sinh viên được lựa chọn sang Pháp thực tập trong 6 tháng tại ngôi trường liên kết với Đại học Bách khoa TP.HCM là trường Cơ khí và Hàng không quốc gia Pháp. Tại đây, anh được làm việc trong việc nghiên cứu liên quan đến Cơ học chất lỏng. Lúc này, dù vốn tiếng Pháp chưa quá xuất sắc nhưng Nhật vẫn quyết định bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng ngôn ngữ này. Kết quả, anh chàng đạt được điểm tuyệt đối 20/20 và tốt nghiệp thủ khoa với GPA 8,19/10.
Nhận thấy tiềm năng của Nhật nên cuối kỳ thực tập, vị giáo sư hướng dẫn ngỏ ý nam sinh nên ở lại học lên chương trình Tiến sĩ. Nhưng, anh đã từ chối, quyết định trở về Việt Nam. Ở cột mốc đặc biệt này, anh làm việc tại một công ty chuyên về phần mềm tính toán mô phỏng của Thụy Sỹ. Môi trường làm việc cởi mở, giúp Nhật học hỏi được nhiều điều và dần hình thành sự yêu thích với nghề cơ học kết cấu và vật liệu.
Nhưng, chàng trai cảm thấy điều nhận về là chưa đủ.
“Lúc bấy giờ, các dự án của công ty chủ yếu là nhận yêu cầu từ các công ty nước ngoài (outsourcing) và mình đa phần chỉ được làm ‘phần ngọn’. Mình dần tò mò, hứng thú hơn với những kiến thức và công nghệ chuyên sâu. Vì vậy mình quyết tâm đi học tiếp để có thể một ngày nào đó được chạm đến ‘phần gốc’, phần cốt lõi của công nghệ”, Nhật nhớ lại.
Hành trình đi học của chàng trai trẻ lại tiếp tục bắt đầu.
Từ năm 2020, Nhật bắt đầu rải hồ sơ và tìm kiếm ngôi trường phù hợp. Lợi thế là thủ khoa đầu ra, nhận được thư giới thiệu của giảng viên chủ nhiệm bộ môn Hàng không và giáo sư hướng dẫn khi còn thực tập tại Pháp đã giúp Nhật nhận được nhiều cái gật đầu.
Cuối cùng chàng trai chọn theo học Tiến sĩ tại Viện hàng không và Vũ trụ quốc gia Pháp, ngôi trường danh giá số 1 quốc gia này về kỹ thuật hàng không. Với Nhật, lựa chọn Pháp không chỉ vì nhiều cơ duyên mà còn bởi mong muốn học hỏi chuyên sâu tại quốc gia dẫn đầu ngành.
“Mình đã theo học chương trình liên kết với Pháp khi còn học ở trường Bách khoa, cũng như đi thực tập 6 tháng trước đó tại quốc gia này. Được tiếp xúc với nền giáo dục Pháp, mình cảm thấy phù hợp và muốn trải nghiệm sâu hơn. Hơn nữa, nước Pháp là một cường quốc về Hàng không với nhiều công ty lớn như Airbus, Safran, Thales, Dassault Aviation,…
Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (ISAE-Supaero) là ngôi trường danh giá số 1 nước Pháp về ngành Hàng không vũ trụ, tọa lạc tại thành phố Toulouse – trung tâm Hàng không của Châu Âu. Đây là lĩnh vực mình đam mê và theo đuổi nên cũng khá dễ hiểu vì sao mình chọn Pháp nói chung và ngôi trường này nói riêng”, anh chàng chia sẻ.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nghiên cứu trong lĩnh vực Hàng không không dành cho số đông vì kiến thức chuyên sâu cần dành thời gian tìm hiểu và đôi khi hơi… khô khan.
Còn từ trải nghiệm cá nhân, Nhật lại cho rằng ngành Hàng không nói riêng và các ngành Kỹ thuật khác nói chung sẽ không khô khan nếu bạn hiểu được bản chất của vấn đề và hiện tượng. Với anh, Hàng không là một trong những ngành công nghệ cao bậc nhất của nhân loại, và nó là tổng hợp của rất nhiều ngành kỹ thuật khác.
“Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra mỗi ngày trong ngành này. Và sử dụng các kiến thức của mình để tìm ra câu trả lời cho những gì mình quan sát được là một cảm xúc rất tuyệt vời”, Nhật nói.
“Đừng ngại hỏi nếu bạn chưa thực sự hiểu”
Sang Pháp trao đổi ngắn ngủi trong 6 tháng, về Việt Nam rồi quay trở lại để theo học chương trình Tiến sĩ, Nhật có nhiều kỷ niệm đặc biệt với quốc gia này. Từ một chàng trai trẻ đặt chân đến Pháp với tinh thần đầy nhiệt huyết, ham học hỏi, sau 3 năm anh đã trở thành Tiến sĩ và bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Đất nước này đã chứng kiến hết quá trình trưởng thành, tỏa sáng và đạt được thành tựu của Nhật. Và đằng sau đó còn là những lần học hỏi, sai rồi sửa lại của chàng trai trẻ.
“Mình nhớ lúc mới sang Pháp, trình độ giao tiếp gần như là con số 0. Lúc trao đổi chuyên môn với thầy hướng dẫn, mình thường đáp lại ‘Yes/Oui’ (Vâng) dù mình thực sự không theo kịp những gì thầy nói. Thầy nghĩ mình đã hiểu nên sẽ tiếp tục với những kiến thức hoặc yêu cầu khác và mình hoàn toàn bị lạc trong cuộc trao đổi. Đây là một lỗi khá thường gặp của các bạn du học sinh, đặc biệt là trong thời gian đầu.
Bài học mình rút ra ở đây là đừng ngần ngại hỏi lại nếu bạn chưa thực sự hiểu. Thầy cô sẽ không ngần ngại truyền đạt lại cho bạn, vì ít nhất điều đó tốt hơn là một cuộc trao đổi vô ích. Điều này không chỉ áp dụng cho các bạn du học sinh mà còn hữu ích với các bạn trẻ trong nước, kể cả trong môi trường học đường hay đi làm”, Nhật hồi tưởng lại.
Trong suốt 3 năm theo đuổi chương trình Tiến sĩ tại Viện hàng không và Vũ trụ quốc gia Pháp, Nhật không chỉ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên ngành mà còn được học tập, nghiên cứu cùng các giáo sư đứng đầu ngành. Khi được hỏi về người truyền cảm hứng, Nhật nói không chỉ có 1, mà đến 6 vị giáo sư hướng dẫn đã giúp anh tiếp tục muốn theo đuổi con đường học vấn, khiến những ngày tháng tuổi trẻ của Nhật trở nên thú vị hơn.
Anh tâm sự: “Mỗi vị giáo sư có một chuyên môn khác nhau giúp mình học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng một cách đa ngành. Các thầy cô là những người rất giỏi trong việc truyền động lực thay vì tạo áp lực cho học trò. Ngoài ra, không chỉ về mặt chuyên môn, các thầy cô còn giúp đỡ mình rất nhiều trong cuộc sống, giúp mình thích nghi và hòa nhập nhanh hơn với nước Pháp. Các kinh nghiệm sống và kỹ năng mềm học hỏi từ họ đã giúp mình rất nhiều”.
Ngày nay, công nghệ mang đến cho mọi người những gì họ muốn nhanh và hiệu quả hơn bao giờ hết. Nhưng tin không vui là chúng khiến cuộc sống thay đổi chóng mặt dẫn đến trao cho người trẻ quá nhiều lựa chọn – đặc biệt khó khăn là khi họ không biết chọn lọc giữa vô vàn lựa chọn hay làm sao để kiên định với con đường ban đầu.
Là một người nghiên cứu về Hàng không – lĩnh vực đòi hỏi bỏ nhiều thời gian và công sức để nắm tường tận vấn đề, Nhật cho rằng “kiên định chưa hẳn đã tốt mà thay đổi cũng không hoàn toàn xấu”. Bởi thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, và một người nếu không kịp thay đổi thì có thể sẽ bị bỏ lại phía sau.
“Thật ra, mình nghĩ có nhiều lựa chọn cũng không hẳn là một điều quá tệ. Đây là một cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân nhằm có những quyết định đúng đắn cho tương lai. Quan trọng là mỗi cá nhân hãy cố gắng xây dựng cho mình những giá trị cốt lõi, ví dụ như khả năng tư duy, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý vấn đề,… để thích nghi tốt nhất với những môi trường mới đầy biến động. Nếu phải cho một lời khuyên thì mình sẽ nói, hãy nghĩ về những lựa chọn có thể khiến bạn đi xa nhất”, Nhật nhắn nhủ.
Hiện Nhật đã tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ gần 1 năm và đang làm Kỹ sư cơ khí hàng không, chuyên về động cơ máy bay tại một tập đoàn của Pháp. Nói về dự định tương lai, anh nói muốn tiếp tục học hỏi thêm, khám phá thêm các khía cạnh thú vị của lĩnh vực kỹ thuật chế tạo.
“Ngoài ra, mình luôn mong muốn có cơ hội được cống hiến cho đất nước. Trong tương lai ngắn hạn, mình muốn học hỏi nhiều nhất có thể các công nghệ tiên tiến của nước bạn, có thể là ở một bộ phận khác, một công ty hàng không khác, hoặc có thể là một đất nước khác”, Nhật bày tỏ.
Vân Anh – Ảnh: NVCC- Thiên An–Đời sống pháp luật