Đó là thực tế oái oăm đang diễn ra xung quanh căn nhà 68 Tạ Uyên, quận 5, thành phố HCM gây ngỡ ngàng cho gia chủ và bức xúc cho công luận về bộ máy công quyền của chúng ta.
Nỗi oan mất nhà 40 năm và yêu cầu của Phó TTTT Trương Hòa Bình.
Căn nhà cấp bốn 87 mét vuông 68 Tạ Uyên nguyên thuộc quyền sở hữu của bà Lý Hoan được cho người khác thuê ở từ cả trước và sau giải phóng. Việc thuê mướn này bà Hoan có đăng ký và đóng thuế đầy đủ cho chính quyền cả trước và sau năm 1975.
Năm 1978, người thuê nhà xuất cảnh, và cũng cùng thời điểm này, bà Lý Hoan bị bệnh phải nhập viện điều trị, chỉ còn người con gái Lý Lệ Hùng 16 tuổi “chạy qua chạy lại”. Lợi dụng tình cảnh này, vì cố tình muốn chiếm đoạt căn nhà, nhân tiện có một người tên Lý Tôn Cẩm trên địa bàn vượt biên, UBND Quận 5 bèn “phù phép” cho người này làm chủ căn nhà 68 Tạ Uyên rồi ra quyết đinh tịch thu căn nhà 68 Tạ Uyên với lý do “chủ nhà Lý Tôn Cẩm và gia đình bỏ đi biệt tích”, mặc mọi khiếu nại, đơn từ xin lại nhà của bà Hoan.
Năm 1979 bà Lý Hoan mất tại bệnh viện Chợ Quán, TP.HCM và từ đó con gái bà, Lý Lệ Hùng theo đuổi vụ khiếu nại đòi nhà. Nhận thấy quyết định tịch thu nhà kể trên của Quận 5 là sai, và thậm chí biết rõ rằng, năm 1990, UBND quận 5 có văn bản xác nhận: “Bà Lý Hoan không thuộc diện cải tao nhà thuê ở Quận 5 và căn nhà 68 Tạ Uyên không có trong danh sách cải tạo tư sản thương nghiệp”. Bởi vậy, chẳng biết lấy lý do gì để bảo vệ cho việc tịch thu nhà 68 Tạ Uyên của bà Hùng, ông Nguyễn Hữu Tín, thời điểm trước khi vào tù là Phó chủ tịch UBND. TP.HCM đã bịa ra rằng bà Lý Hoan vượt biên, rồi ra quyết đinh bác khiếu nại đòi nhà của bà Hùng. Oái oăm hơn, sau đó, mặc dù xác nhận rằng bà Lý Hoan không vượt biên nhưng Bộ xây dựng cũng bác khiếu nại đòi nhà của bà Lý Lệ Hùng…
Chủ nhà vượt biên, UBND thành phố Hồ Chí Minh căn cứ Nghị quyết 23/2003/QH11 của Quốc Hội để bác khiếu nại đòi nhà của bà Hùng thì đúng rồi. Nhưng chủ nhà không vượt biên, căn nhà 68 Tạ Uyên cũng không nằm trong bất kỳ một dạng đối tượng bị quản lý nào, vậy cơ sở pháp lý nào để Bộ xây dưng bác khiếu nại đòi nhà của bà Hùng?
Nếu thật sự thượng tôn pháp luật, đây là một câu hỏi Bộ xây dựng không thể trả lời được. Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ vẫn là Nghị quyết 23/2003/QH11 với một lập luận mơ hồ rằng, căn nhà 68 Tạ Uyên của bà Lý Hoan đã bị quản lý nên “nhà nước không thừa nhận việc đòi lại”. Mặc dù, như văn bản trả lời của đích thân Bộ trưởng Phạm Hồng Hà gửi Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì nhà nước chỉ quản lý nhà của “chủ nhà Lý Tôn Cẩm và gia đình bỏ đi biệt tích” chứ không phải nhà của bà Lý Hoan. Việc “phù phép” của UBND quận 5 trước đây là lỗi của chính quyền nên không thể buộc mẹ con bà Lý Lệ Hùng gánh chịu.
Chính bởi những sai trái này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng mới bức xúc lên tiếng. Và mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu xử lý. Theo đó, Công văn số 6202/VPCP – V 1 ngày 12/7/2019 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh ghi rõ:
“Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có Phiếu chuyển đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kèm theo đơn của bà Lý Lệ Hùng, địa chỉ số: 310/39 đường Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thành phồ Hồ Chí Minh khiếu nại liên quan đến căn nhà số 68 Tạ Uyên, Q.5, thành phố Hồ Chí Minh (sao gửi đơn và tài liệu kèm theo). Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:
Chuyển Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đơn khiếu nại của bà Lý Lệ Hùng để xem xét, rà soát, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, thông báo kết quà giải quyết cho Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng biết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh biết, thực hiện.”
Và hiện tại, UBND TP. HCM đang triển khai thực hiện chỉ đạo này của Chính phủ.
Bộ xây dựng bảo “không có gì mới”.
Trong khi thành phố Hồ Chí Minh đang làm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thì ngày 17/9/2019, hơn 4 tháng sau khi có Công văn yêu cầu trả lời của Đoàn đại biểu Quốc hội Đắc Lắc (và hơn 2 tháng sau khi UBND TP. HCM nhận chỉ đạo của Chính Phủ), Bộ xây dựng có văn bản trả lời Đắc Lắc về khiếu nại của bà Lý Lệ Hùng. Theo đó, Bộ dẫn Nghị quyết 23/2003/QH11: “..Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan tới nhà đất”. Bộ xây dựng cũng lý giải thêm rằng, đơn của bà Hùng “không có tình tiết mới” nên không có cơ sở để xem xét trả lại nhà.
Vâng, không có gì mới, từ việc làm “phù phép” bậy bạ của UBND quận 5 đến sự bịa đặt vu khống bà Lý Hoan vượt biên của nguyên Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín và kể cả Nghị quyết 23/2003/QH11, tất cả đều quá cũ. Tuy nhiên, có những điều “rất mới” mà Bộ đã cố tình bỏ qua:
Thứ nhất, sự bậy bạ của UBND quận 5, TP. HCM đã xác thực rằng, nhà nước chưa bao giờ quản lý nhà 68 Tạ Uyên của bà Lý Hoan. Việc sử dụng trên thực tế căn nhà này hơn 40 năm nay là hành vi sai trái, cần phải bị xóa bỏ.
Thứ hai, nhà nước (chỉ) không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý…. Căn nhà 68 Tạ Uyên của bà Lý Hoan chưa bao giờ bị quản lý (Nhà nước chỉ quản lý nhà của gia đình ông Lý Tôn Cẩm) nên không thể có chuyện không thừa nhận việc đòi lại.
Thứ ba, trong hơn 40 năm qua, trong khi tất cả chúng ta trong chăn ấm, nệm êm thì có một gia đình, bởi sự bậy bạ của chính chính quyền chúng ta, bị tước đoạt mất nhà, phải lang thang thuê nhà từ năm này qua năm khác. Chúng ta đã vô cảm hơn 40 năm rồi, lẽ nào còn muốn tiếp tục? Một chính quyền do dân, vì dân là chỗ này đây, thưa Bộ trưởng Bộ xây dựng!
Với những điều “rất mới” kể trên, hy vọng Bộ xây dựng nhìn lại vì dân, vì sự thượng tôn pháp luật. Cũng rất mong UBND TP.HCM thấu rõ những điều này, thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Phan Đăng