Bến xe Miền Tây 10 giờ tối. Xách túi đồ định bước ra đón taxi, tôi bất ngờ nhận một cái níu tay. Quay lại, tôi thấy một chú xe ôm đứng cong người nài nỉ:
– Đường giờ này mát mẻ lắm, con đi giúp chú cuốc xe đi. Ai thấy chú tật nguyền cũng ngại đi nên chú chạy ế lắm. Con yên tâm đi, chú chạy được. Chú chạy cẩn thận lắm.
– Dạ được rồi, con đi.
Và suốt quãng đường từ đó về Quận 4, tôi đã được nghe một chuyện đời đẹp đến nao lòng. Câu chuyện đã giúp tôi định nghĩa lại thế nào là hạnh phúc.
Chú năm nay 58, nhà ở quận Bình Tân, mỗi chiều năm giờ ra bến, chạy đến năm giờ sáng hôm sau. Ráo cũng như mưa, chục năm nay hiếm khi chú nghỉ ngày nào. Mỗi đêm thường kiếm được trên dưới hai trăm, đóng tiền bến hết chín trăm ngàn mỗi tháng.
Cô làm cho nhà ăn của công an phường, lương chỉ triệu mốt nhưng được cái hay dư đồ ăn, cô mang về, nhà khỏi đi chợ. Lương thấp quá, cô đòi đi kiếm chỗ làm thêm nhưng chú không cho. Chú nói để mình chú cực là được rồi. Kể tới đây, chú quay sang tôi cười tự hào:
– Đàn ông mình, cỡ nào cũng phải sống mà lo cho gia đình được, há con?
Tôi nhoẻn miệng cười theo, tự nhiên thấy ngưỡng mộ chú vô cùng. Đi được thêm chừng hai cây số, thấy vai chú run run, tôi hỏi thăm thì chú mới kể cái chân tật của chú, hễ trời lạnh lại nhức.
– Thôi chú dừng xe lại đi, con chở cho.
Chú vội vàng xua tay:
– Đâu có được, ai làm vậy được con? Chú không sao, ráng chạy chút nữa rồi về bóp dầu là hết ngay ấy mà.
Thấy chú không chịu, tôi đành làm bộ:
– Chú sợ con cướp xe hả? Xe chú cà tàng lắm rồi nha. Con sẽ đưa túi xách con cho chú đeo. Cái laptop của con còn mắc gấp rưỡi cái xe này rồi. Chú dừng lại đi.
Chú dừng lại để tôi lái xe. Tôi cũng chạy chậm như chú. Thanh thản lắm, như đang chở ba mình đi dạo vậy.
Ngồi sau lưng tôi chắc ấm được chút nên chú cũng trải lòng hơn. Chú khoe hồi trẻ cô đẹp lắm, con gái Cai Lậy mà. Cô lên Sài Gòn ở mướn cho nhà chủ mà chú làm bảo vệ. Ba má cô đâu có chịu cho cô quen chú. Họ chê chú mồ côi mồ cút, nghèo mà còn què quặt nữa. Họ sợ cô lấy chú sẽ phải chịu khổ. Nhưng cô hổng sợ, vẫn quyết theo chú.
– Chú biết cô thương chú lắm nên gắng sức để cô được sung sướng. Mà muốn vậy thôi chứ tới giờ cô cũng chưa được sướng ngày nào.
Tôi nhanh nhảu:
– Sướng chứ chú. Giàu nghèo có số cả rồi. Phụ nữ chỉ cần có người chồng thương mình là đủ. Cô lấy chú, con nghĩ cô sướng trong dạ lắm đó chớ.
Chú cao hứng hỏi lại liền:
– Thiệt hôn con?
– Hổng tin, bữa nào chú về hỏi cô đi.
Tự nhiên giọng chú bỗng trầm xuống:
– Ừm. Mà tết nhứt tới bên nách rồi con há. Chắc chú phải ráng cày thêm chút đỉnh, vài bữa mua cho cô cái áo kiểu đẹp đẹp mặc Tết với người ta…
Tự nhiên tôi thấy sống mũi cay cay, một đời lam lũ nào xá chi khi đã có một trời yêu thương. Cái yêu thương không phải đôi vợ chồng đủ đầy nào cũng có được. Rồi tôi hỏi chú về các con. Chú khoe có hai thằng con, thằng lớn hai mươi, thằng nhỏ mười ba, thằng nào cũng ngoan.
– Em lớn đang còn đi học hay đi làm rồi chú?
– Nó học giỏi lắm con, học năm ba Đại học Sư Phạm. Mà thằng đó đẹp trai à nha, nó giống cô. Nó có hiếu lắm, hổng bao giờ dám xài tiền.
– Con nghĩ hồi trẻ chú cũng đẹp trai mà. Nghe em nó được vậy, con cũng mừng cho cô chú.
– Ừ…thì…
Giọng chú bỗng ngập ngừng. Tôi nghe câu trả lời như vướng đâu đó trong cổ họng. Câu chuyện còn đang dang dở, hai chú cháu đã tới nơi. Xuống xe, chú bảo bớt hai chục ngàn, cho cái công tôi chở chú.
– Chú bớt phân nửa luôn đi. Bớt hai chục ngàn xá gì.
– Sao cũng được con ha.
Trả tiền xe xong, tôi dắm dúi một ít vô tay chú, dặn dò:
– Chú về mua cho cô cái áo, áo màu tím nghen chú. Con nghĩ cô sẽ thích. Mà phải mua thêm cho chú một cái nữa. Cô mặc áo đẹp mà áo chú cũ là hổng xứng đâu nha. À quên, hai thằng nhỏ, mỗi thằng một cái nữa nhe.
Chú cúi sát nhìn thứ tôi vừa đưa, tay run run. Chào nhau, chú lại níu lại. Tôi cười:
– Chú cảm ơn con rồi mà. Không cần nói thêm nữa đâu. Mai mốt có gặp nhau, chú chở rẻ cho con là được rồi.
Chú lắp bắp:
– Hổng có, hồi nãy chú hổng dám kể hết. Thằng con lớn của chú, là chú…nhớ nó quá nên tưởng tượng vậy thôi chứ năm ngoái nó bị tai nạn…mất rồi con ơi. Tới giờ mà chú còn chưa tin là nó hổng còn… Đêm nào cha con chú cũng nói chuyện… Nhưng con yên tâm, chú cũng sẽ lấy tiền này mà mua cái áo mới, để lên bàn thờ cho nó.
Bỗng dưng tôi không cầm được nước mắt nữa.
Cuộc đời, hóa ra chỉ đơn giản thế thôi, mà sao ta cứ phải đi một đoạn đường thật dài, thật phù phiếm lầm lạc, trải qua bao nhiêu lần mất mát và rời tay, mới có thể nhận ra điều ta cần nhất trong đời chỉ là hình hài dung dị đến thế.
Trần Phong (ST)