Những năm cuối thời nhà Minh, thiên tai dị tượng khắp nơi, giặc cướp hoành hành, dân chúng chịu đủ cái khổ của thiên tai nhân họa. Sử sách có chép lại cảnh tượng vùng Tứ Xuyên, nơi được mệnh danh là “Thiên Phủ Chi Quốc” (đất nước thiên đường), sau khi bị giặc cướp tràn vào như sau: “Xương trắng chất thành gò cao, đồng ruộng hoang vu, ngàn dặm không trông thấy khói bếp, chung quanh vắng vẻ không có lấy một bóng người”.
Nhân gian là cõi mê, mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do, không có thảm họa trên đời nào là ngẫu nhiên cả.
Kỷ Hiểu Lam, một học giả nổi tiếng thời nhà Thanh, trong cuốn “Kỷ Văn Đạt Công Bút Ký Trích Yếu” có ghi chép một đoạn đối thoại sâu sắc có thể nhìn ra nhân quả trước sau của thảm họa.
Khi ông cố của tôi (Kỷ Hiểu Lam) là Nhuận Sinh Công còn ở Tương Dương, ông đã gặp một vị tăng nhân, nghe nói người này nguyên là thuộc hạ của Huệ Đăng Tướng, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân cuối thời nhà Minh. Vị tăng nhân này khi nói đến những vụ trộm cướp hồi đó, ông đều có thể kể một cách hết sức chi tiết và cụ thể, những người nghe xong chỉ biết lắc đầu thở dài, than rằng: “Đây là số kiếp do ông Trời sắp đặt, không ai có thể tránh khỏi”.
Tuy nhiên, vị tăng nhân lại không đồng ý, ông nói rằng: “Theo kiến giải của bần tăng, kiếp số này hoàn toàn là do chính bản thân con người gây ra, ông Trời tuyệt sẽ không vô duyên vô cớ giáng tai họa cho con người. Những thảm cảnh như giết chóc, gian dâm, cướp bóc xảy ra vào những năm cuối của triều Minh, ngay cả sự kiện Hoàng Sào tạo phản, máu chảy ba nghìn dặm vào những năm cuối nhà Đường cũng không bằng được!
Nếu phải truy cứu căn nguyên của nhân quả nghiệp báo, từ sau những năm giữa thời nhà Minh, quan lại người nào người nấy đều tham lam bạo ngược, giới thân sĩ hoành hành bá đạo. Thói đời của xã hội cũng trở nên gian trá xấu xa, kẻ lừa người dối, đạo đức hư nát. Vì thế, giảng từ tầng thấp là bởi trong lòng dân chúng đã gieo xuống một sự oán hận vô tận, còn giảng từ tầng cao thì cũng kích khởi thịnh nộ của chư Thần. Oán khí tính lũy hơn trăm năm, một khi bùng nổ thì thử hỏi ai có thể ngăn cản được đây”.
Vị tăng nhân tiếp tục nói: “Ngay chính những gì mà bần tăng mắt thấy tai nghe, những người chịu tổn thương thê thảm nhất trong thời buổi loạn lạc thường đều là những người cùng hung cực ác trong thời bình. Liệu đây có thể nói là ‘kiếp số’ được không?”
Bần tăng nhớ rằng ngày trước khi còn trong đám giặc cướp, có một lần, bọn cướp bắt được một con cháu nhà quan lại, bọn cướp bắt ông ta quỳ trước cửa trại, rồi chúng ôm ấp thê thiếp của con cháu nhà quan đó uống rượu mua vui, rồi hỏi ông ta: ‘Nhà ngươi dám tức giận không?’. Ông ta dập đầu nói: ‘Không dám’. Bọn cướp lại hỏi: ‘Nhà ngươi có bằng lòng hầu hạ chúng ta không?’. Ông ta vội vàng trả lời: ‘Bằng lòng’. Bọn cướp bèn cởi dây trói cho ông ta, để ông ta đứng bên cạnh rót rượu hầu hạ.
Cảnh tượng này khiến nhiều người bên cạnh phải thở dài ngao ngán. Khi đó, có một cụ già bị bắt đã nói: ‘Hôm nay lão già đây mới biết nhân quả báo ứng chính là rạch ròi đến như vậy!’. Thì ra, gia đình đời đời làm quan này, bắt đầu từ đời ông nội con cháu nhà quan lại kia, chính là thường xuyên đùa cợt, giở trò đồi bại với vợ của nô bộc. Nếu nô bộc có chút bất mãn nhất định sẽ bị đánh đập tàn nhẫn, rồi trói vào thân cây, để anh ta nhìn cảnh vợ mình ngủ trong vòng tay người chủ, mà đó là một phần tội ác của tổ tiên ông ta, còn những tội khác thì nói sao cho xuể”.
Khi nhà sư nói những lời này, vừa khéo có một thân phú hào (thân sĩ cường hào) cũng đang ngồi đó, nghe xong trong tâm rất bất mãn, rồi nói: “Trên cõi đời này, cá lớn nuốt cá bé, mãnh thú ăn thịt chim non, cớ sao chư Thần không nổi giận? Duy chỉ có con người một khi làm việc ác lại nổi giận đây?”
Vị tăng nhân đó nghe xong, liền quay đầu lại nghiêm nghị nói rằng: “Chim cá là súc vật, lẽ nào con người cũng muốn được giống súc vật hay sao?”.
Vị thân hào đó nghe vậy liền cứng họng, tức giận bỏ đi.
Ngày hôm sau, ông ta tập hợp một nhóm môn khách trong nhà, đến tu viện nơi nhà sư nương nhờ kiếm chuyện, muốn làm bẽ mặt nhà sư. Nhưng không ngờ rằng, vị tăng nhân đó từ sớm đã thu dọn đồ đạc rời đi, chỉ thấy trên tường có viết 20 chữ, răng: “Nhà ngươi không cần nói, ta cũng không cần nói, dưới lầu không có người, trên lầu có vầng trăng”.
Đây có thể là chế giễu những việc làm xấu của vị thân hào ngấm ngầm mưu đồ việc xấu đó. Sau đó, vị thân hào này cũng lâm vào cảnh tan cửa nát nhà, tuyệt tử tuyệt tôn. “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, tuy chỉ là câu cửa miệng, nhưng đã nói rõ thiên lý thiện ác hữu báo. Gieo nhân ngọt nhất định sẽ được quả ngọt, gieo nhân đắng nhất định sẽ gặt quả đắng, chỉ là thời gian sớm muộn mà thôi. Suy cho cùng, chính sự băng hoại về đạo đức con người đã mang đến thiên tai.
Theo Secret China-Gia Viên biên dịch