Từng là con nghiện ma túy nặng tới độ xông vào bệnh viện cướp xi lanh để chích, nhưng ở tuổi 30, Bảo sống với mục đích lớn nhất là báo đáp cuộc đời.
Đầu tháng 9, Nguyễn Đào Bảo tham gia điều hành dịch vụ vận tải ở quận 7 với 3 chiếc xe cùng 6 tài xế là những người nghiện đã hoàn lương. Ba năm qua, Bảo từng khích lệ nhiều người trong số họ trên bước đường cai nghiện. Nay anh bước tiếp cùng họ đoạn đường tái hòa nhập cuộc sống.
“Cám dỗ của ma túy như xoáy nước. Cai được nghiện nhưng không có người đồng hành hòa nhập cộng đồng thì rất dễ quay lại chốn cũ”, vị giám đốc 30 tuổi chia sẻ.
Là con trai đầu một gia đình khá giả ở Đà Nẵng, tuổi thơ của Bảo được cha mẹ hết mực yêu chiều. Song sự thừa mứa tình yêu và vật chất lại là tác nhân đẩy “quý tử” này vào con đường sa ngã. Lớp 7 cậu đã hút thuốc, tụ tập đánh nhau. Để chứng tỏ mình là “dân chơi thứ thiệt”, cậu bập vào bồ đà, thuốc lắc và heroin từ năm 17 tuổi.
Bỏ học, Bảo làm nghề lái xe, nhưng thu nhập không đáp ứng nổi nhu cầu ngày một tăng. Bảo thụt két của nhà, vay mượn xã hội đen. Những khi lên cơn vật thuốc, cậu chửi bới ba mẹ và hai em. Bao nhiêu tiền bạc cũng hết, 3 chiếc xe máy, tivi, đầu đĩa… cũng lần lượt ra đi. Trong nhà còn duy nhất chiếc máy tính của em út, cũng bị đem đi cầm nốt.
“Heroin khiến tôi không còn là con người cũ nữa. Tôi xấc xược, bất chấp mọi thứ để thỏa mãn cơn nghiện”, Nguyễn Đào Bảo kể lại.
Năm 2013, trong một lần đi mua heroin, Bảo bị công an quận Hải Châu bắt đưa đi cai nghiện. Những ngày trong trại, cơ thể Bảo phục hồi rất nhanh nhưng quý tử vẫn nung nấu một ý định: “Ra khỏi trại phải chơi một trận cho đã”. Tại đây cậu quen được nhiều thành phần bất hảo khác, học được nhiều mánh khóe để lách luật, cũng như cách để sử dụng ma túy mà không bị bắt. Từ chỗ chỉ biết vài đầu mối bán ma túy, Bảo xây dựng được mối quan hệ nhiều gấp 5 lần trước để mua “hàng trắng”. Và đúng như đã định, buổi sáng ra trại, đến chiều Bảo đã lại chìm đắm trong những “cơn phê”.
“Thế giới” của Bảo là các toilet công cộng, bệnh viện hay ở nhà. Một hình ảnh đến giờ vẫn ám ảnh anh là khi nhà hàng xóm bị giải tỏa, kim tiêm mà Bảo từng sử dụng tràn ra từ kẽ tường giữa hai nhà, đầy một bao tải 50 kg, ai nhìn cũng khiếp đảm.
Bảo ngày càng nghiện nặng hơn. Trong nhà thường xuyên là cảnh đứa con “nghịch tử” lên cơn. Ba mẹ Bảo tuyệt vọng sau cả trăm lần khuyên răn con, mua xích về trói hay dội nước đá…cũng không tác dụng. Cũng vì anh mà ba mẹ suýt ly hôn do mẹ muốn bán nhà đi để trả nợ cho con, còn người cha thì không chấp nhận.
Bà Phạm Thị Hiệp, mẹ của Bảo kể lại những ngày tháng u tối của gia đình: “Những lúc tỉnh táo nó nói thương cha mẹ và hai em, không biết bao lần thề thốt sẽ bỏ. Nhưng khi lên cơn nghiện là nó quên sạch”.
Một đêm, trời mưa dầm rả rích. Người thanh niên 26 tuổi đi khắp thành phố mà không tìm được hiệu thuốc nào mở cửa để mua kim tiêm. Đường cùng, cậu xông vào bệnh viện, đe dọa nhân viên y tế để lấy xi lanh. Chích xong, Bảo ngồi vật ngoài góc đường, tối, bẩn và lạnh. Sau khung cửa sổ sáng trưng, Bảo nhìn thấy một người bố trẻ bồng con, trên đường có một đôi trai gái đèo nhau tình tứ. Cậu thèm thuồng sự bình yên của họ, thèm cả sự không phải né tránh, che đậy bản thân. Cậu ao ước được làm một con người đúng nghĩa như “thiên thần bụ bẫm” ngày mẹ sinh ra. “Tôi đã ở tột cùng của bi đát, thảm bại”, Bảo hồi tưởng.
Sau đó không lâu, dì của Bảo gọi cho cháu nói trong nhà thờ sắp có một buổi trò chuyện của một người nghiện 14 năm, 20 lần đi trại cai không thành nhưng nay đã hoàn toàn thoát được ma túy. Bảo tò mò đến nghe thử.
Người nói chuyện hôm đó là mục sư Lê Minh Phương. Chia sẻ với VnExpess, mục sư Phương cho biết, trước anh ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, từng gây ra “nỗi kinh hoàng” cho nhiều người, từng trộm cắp, đòi nợ thuê, cướp giật… vì bị ma túy khống chế. Nhưng nhờ được một người thầy dẫn dắt, ông đã thoát khỏi tệ nạn. Cả gia đình ông từ đó sống cống hiến cho xã hội nhiều hơn để cảm tạ.
“Tôi say sưa nghe câu chuyện của người đàn ông ấy. Lần đầu tiên tôi dám tin mình cũng có thể chiến thắng được con quỷ bên trong”, Bảo tâm sự. Cũng tại đây, Bảo gặp lại Lê Thân Như Phương – người bạn “cùng nghiện” năm xưa. Chính Phương đã đưa Bảo về ở trong quán của mình, nuôi ăn ở, ngày ngày chia sẻ câu chuyện thay đổi cuộc đời mình và đóng tiền cho Bảo đi cai nghiện.
Ngày ra trung tâm cai nghiện ở Hà Nội, Bảo được mẹ đưa đi. Người mẹ già khóc nức nở suốt quãng đường và không ngừng dặn dò con “Đừng sống cuộc đời như trước nữa. Đây là cơ hội cuối cùng rồi, con ơi!”.
“Tận bây giờ nhớ lại, lồng ngực tôi vẫn như bị ai đó bóp nghẹt. Cái cảnh mẹ dắt tay đứa con lớn tướng vào trung tâm, hệt như lúc bà dắt tôi vào lớp Một, với đầy hi vọng. Chỉ khác lần này hai mắt mẹ sưng húp”, giọng Bảo nghẹn đi.
Trung tâm có người đến từ nhiều vùng miền, ban đầu Bảo thấy khó chịu vì điều đó. Nhưng chính những người đó mang đến cho anh một sự bất ngờ. Họ từng là đại ca giang hồ khét tiếng nhưng lại là người chăm nom Bảo. Từng người thay phiên nhau giặt đồ, cho cậu ăn uống. Đêm cậu không ngủ được, họ cũng thức nằm cạnh cậu nói chuyện. Cả chục người đã ở cạnh Bảo trong 4 ngày đầu tiên. “Họ xoa bóp, động viên và yêu thương tôi như ba mẹ từng làm, nhưng ba mẹ không giúp được, còn họ giúp được vì họ hiểu tôi”, Bảo nói.
Khi cơn nghiện giãn ra, Bảo bắt đầu vận động thể thao và được học các bài giảng để khỏa lấp khoảng trống tâm hồn. “Họ truyền cho tôi về cuộc sống cần nhiều tình yêu hơn tiền bạc, kỹ năng ứng xử, lẽ sống cống hiến… Tôi bị cuốn vào những điều mới mẻ”, chàng trai chia sẻ thêm.
Mục sư Nam Quốc Trung, người sáng lập cơ sở cai nghiện này chia sẻ: “Nguyễn Đào Bảo thay đổi rất nhanh kể từ khi vào trại. Sau ba tháng, cậu ấy không còn văng tục chửi thề, không còn cơn nghiện và cũng đoạn tuyệt được thuốc lá. Khi đã cắt cơn nghiện, Bảo bắt đầu tập chăm sóc lại những người mới vào như mình”.
Sang năm 2017, anh được chọn đi theo ông Trung trong các buổi làm việc và ngày càng thuần dưỡng tâm tính. Dù được cho về nhà, Bảo xin ở lại trung tâm để có môi trường lành mạnh.
Trong một hoạt động hỗ trợ người nghiện, chàng trai Đà Nẵng đã quen biết với cô gái Đoàn Phan Quốc Thư, người phiên dịch cho mục sư Trung. Thư vốn là một “tiểu thư” ở Sài Gòn, du học ở Mỹ từ nhỏ nhưng cũng vướng vào ma túy đá nhiều năm. Nhờ trung tâm cai nghiện của mục sư Trung, cô đã đoạn tuyệt được cuộc sống cũ.
“Tấm lòng muốn hy sinh và tận hiến cho những người nghiện đã gắn kết hai chúng tôi. Suốt thời hẹn hò, không có cuộc nói chuyện nào của chúng tôi là không nói về khát khao được giúp đỡ những người lầm lỡ”, Thư, 27 tuổi, chia sẻ.
Tháng 7/2018, đôi trẻ quyết định rời trung tâm về Sài Gòn xây dựng hạnh phúc. Sau khi kết hôn, Thư làm việc cho một công ty nước ngoài, Bảo lái xe cho một trường quốc tế, đồng thời hai vợ chồng đến các trung tâm cai nghiện trong thành phố hỗ trợ lại những người còn chưa thoát được ma túy. Mục sư Lê Minh Phương, TP HCM, chia sẻ: “Tấm gương của Bảo đã khích lệ được rất nhiều người nghiện khác thay đổi”.
Nguyễn Đào Bảo cũng như vợ mình, đã đi qua con đường sa đọa, tủi nhục. Trong cuộc chiến giữa phần con và phần người ấy, cuối cùng phần người trong họ đã chiến thắng. “Chúng tôi chia sẻ câu chuyện của mình để các bạn trẻ tránh xa ma túy. Nhưng khi đã nghiện rồi cũng không có nghĩa là dấu chấm hết. Quay đầu không bao giờ là muộn”, vợ chồng Bảo – Thư, bộc bạch.
Phan Dương (VnExpress)