Marco Polo (1254 – 1324) là một thương nhân và nhà thám hiểm lừng danh gốc vùng Venezia (Vương quốc Venice), ngày nay là lãnh thổ của nước Ý.
Máu phiêu lưu từ nhỏ
Cha của Marco tên là Niccolo – một thương nhân có quan hệ buôn bán mật thiết với nhiều quốc gia châu Á. Trong lúc cha vắng nhà, Marco vẫn được hưởng sự giáo dục chu đáo, và ông học thêm các môn về thương mại như ngoại tệ, định giá hàng hóa, kể cả chỉ huy tàu chở hàng…
Xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu ở Venice (Italia) nên Marco thừa hưởng cả dòng máu kinh doanh lẫn óc phiên lưu của người cha. Marco lớn lên thiếu sự chăm nom của cha, vì người cha thường cùng em trai đi buôn dài ngày sang phương Đông, nhưng bù lại bà mẹ rất yêu thương săn sóc cậu, cho phép cậu tự do lục tìm trong thư viện sách gia đình.
Từ khi biết đọc, Marco dần thích đọc những chuyện du ký. Thêm vào đó những câu chuyện kể của mẹ về cha cậu và những bài học địa lý ở trường càng hun đúc máu phiêu lưu trong người cậu bé.
Năm Marco 15 tuổi (1269), mẹ cậu qua đời, ít lâu sau cha và chú cậu trở về nhà với những câu chuyện lý thú như huyền thoại về đất nước Trung Hoa xa xôi.
Lúc này, Marco Polo đã trở thành một chàng trai râu tóc rậm, 2 mắt nằm sát lông mày, mắt xanh như mắt mèo thể hiện một sự tinh ranh, dũng cảm và mũi không cao mà có chóp dài nhọn – minh chứng cho một người có tính nhạy cảm, thính nhạy với sự thay đổi.
Hai năm sau, thực hiện lời hứa với vua nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, người cha và chú đã cho phép Marco Polo đi theo sang xứ sở tơ lụa ở Trung Hoa. Chàng thanh niên Marco 17 tuổi và cha chú mình đã vượt qua Con đường Tơ lụa thời đó như những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc.
Trong hành trình của mình, họ băng qua cao nguyên Anatolia và Armenia, sau đó là Kurdistan, đi xuống thung lũng sông Tigris, theo dòng chảy, qua Mosul và Baghdad, đến Basra.
Sau một năm dài gián đoạn vì một vài sự cố bất ngờ trên hành trình, cả ba đi qua vùng đất của Tangiers (dân tộc Tây Tạng ở phía Đông Bắc cao nguyên) và đến cung điện mùa Hè ở Thượng Đô (thuộc Nội Mông ngày nay) nơi ở mùa Hè của Khả hãn Hốt Tất Liệt (1214 – 1294), nơi họ gặp được cháu trai của Thành Cát Tư Hãn và là người sáng lập ra nhà Nguyên (1280 – 1368).
Sau hành trình kéo dài hơn 3 năm. Tới Thượng Đô, đích thân Khả hãn Hốt Tất Liệt mở tiệc đón tiếp nhà Polo rất long trọng và tỏ ý rất thích Marco Polo. Hốt Tất Liệt mời Marco ở lại làm thị tòng cho mình, chàng trai châu Âu đã làm vua nhà Nguyên rất hài lòng.
Marco nhanh chóng vừa thông thạo, nhuần nhuyễn các lễ nghi phức tạp triều đình, lại am hiểu phong tục Trung Quốc, am hiểu văn hóa phương Đông; nói, viết được một số ngôn ngữ châu Á.
Marco được vua Hốt Tất Liệt tin tưởng trao cho một chức quan, cử làm khâm sai, đi thị sát nhiều địa phương của nhà Nguyên và làm sứ giả lưu động đến một số nước châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Đông Nam Á.
Cả nhà Marco ở lại phục vụ vương triều Nguyên hơn 20 năm, rất nhớ quê hương muốn xin về nhưng Hốt Tất Liệt không cho. Năm 1292, nhân được vua Nguyên giao cho tháp tùng công chúa đi lấy chồng tận Ba Tư, sau khi đến Ba Tư cả nhà Marco liền tiện dịp trở về Italia.
Thế giới bao la và huyền ảo của châu Á
Những câu chuyện của Marco Polo là một bức tranh tuyệt vời đa sắc về châu Á thế kỷ XIII. Nhưng tại quê hương mình, Marco nổi tiếng, được mang danh hiệu “vua nói khoác” và “Marco triệu” (do Marco hay dùng con số triệu để nói về số vàng bạc, tặng vật mình được vua nhà Nguyên ban thưởng, về sự giàu có, đẹp đẽ, đa dạng của triều đình nhà Nguyên, phong tục tập quán Trung Hoa, của cải, số lượng danh thắng Trung Hoa).
Những câu chuyện của Marco Polo là một bức tranh tuyệt vời đa sắc về châu Á thế kỷ XIII. Nhưng tại quê hương mình, Marco nổi tiếng, được mang danh hiệu “vua nói khoác” và “Marco triệu” (do Marco hay dùng con số triệu để nói về số vàng bạc, tặng vật mình được vua nhà Nguyên ban thưởng, về sự giàu có, đẹp đẽ, đa dạng của triều đình nhà Nguyên, phong tục tập quán Trung Hoa, của cải, số lượng danh thắng Trung Hoa).
Khi trở về bằng đường biển, Marco Polo đã bị bắt trong trận thủy chiến xảy ra giữa 2 vương quốc Venice và Genova. Cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân dẫn đến việc ông bị bắt giam.
Có một số giả thuyết cho rằng, việc ông tham gia trận hải chiến vào ngày 7/9/1298, khi gần bờ biển Dalmatian, hạm đội của người Genova đã đè bẹp quân Venice, bắt giữ nhiều tù binh và ông là một trong số đó.
Bị giam trong tù, ông đã kể lại các chuyến du hành của mình cho người bạn cùng bị giam là Rustichello da Pisa, và sau đó hai người đã tập hợp các truyện kể, thêm thắt những giai thoại, sự kiện ở Trung Quốc phù hợp kiểu sách du ký vào cuốn “Marco Polo du ký”.
Tháng 8/1299, Marco được ra khỏi tù và trở về nhà, tiếp tục công việc kinh doanh cùng gia đình. Tuy nhiên, những câu chuyện ông kể về Trung Hoa, Con đường Tơ lụa… đều bị cho là “bịa đặt”, “hoang đường”.
Trong hơn 20 năm chu du ở châu Á và không ngừng ghi chép, tập hợp thông tin, Marco nghiên cứu đa dạng những nhân vật từ vị Đại Hãn quyền lực nhất đến người thợ thủ công thấp cổ bé họng, từ những thể chế chính trị đến các tín ngưỡng tôn giáo, không chỉ khảo sát kỹ các thành phố, đền đài; các ngành thủ công, mà còn miêu tả phong cảnh, cây cối, những tài nguyên thiên nhiên cho đến đất đai, khoáng sản…
Tầm quan sát, thấu hiểu của Marco bao quát tất cả: Từ lục địa mênh mông, nơi mà các chủng tộc, các niềm tin và các ngôn ngữ đan xen vào nhau; từ mọi xứ sở có khí hậu, địa hình, phong tục phong phú, nơi sản sinh những hoa quả mà châu Âu chưa ai biết và những thứ gia vị như đinh hương, hạt tiêu, gừng, những thứ đã làm cho bao người ưa thám hiểm các vùng đất lạ phải mơ ước thèm thuồng.
Và cả những lớp đất sâu đang chứa đựng những tài nguyên quý giá như vàng, bạc, đá quý, than đá, dầu lửa và amiant.
Khoảng năm 1300, Marco và người bạn Rustichello da Pisa đã bỏ công biên soạn những câu chuyện trên thành cuốn “Marco Polo du ký”, bán rất chạy.
Tác phẩm của Marco Polo là một trong những tác phẩm du ký vĩ đại nhất thời Trung cổ và là tác phẩm đầu tiên tiết lộ cho Tây Âu về thế giới bao la và huyền ảo của châu Á. Marco trở lại nghề kinh doanh, khi rảnh rỗi ông vẫn hào hứng kể chuyện về chuyến Đông du của mình cho con cháu và bè bạn nghe.
Marco Polo qua đời năm 70 tuổi, người nhà ông mang cuốn “Marco Polo du ký” đến cho ông xem, ông khẽ chạm tay vào cuốn sách và ánh mắt ông sáng lên những tia sáng lạ thường trước khi nhắm lại vĩnh viễn.
Theo Giáo dục & Thời đại