Kim Ung Yong – thần đồng nổi tiếng nhưng có cuộc đời vô cùng thầm lặng. Ông sở hữu chỉ số IQ 210, được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness là người thông minh nhất thế giới.
Nằm trong top những người sở hữu IQ cao nhất thế giới, Kim Ung Yong với chỉ số IQ 210 được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như thiên tài Hàn Quốc, người giữ kỷ lục thế giới Guinness với chỉ số IQ 210, nhà nghiên cứu nhí của NASA, diễn giả và giáo sư đại học… Tuy nhiên chính việc sở hữu trí thông minh vượt trội cùng mác “thần đồng” lại gián tiếp đẩy ông vào cuộc sống bi đát.
Thần đồng có IQ vượt cả Albert Einstein và Stephen Hawking, được NASA mời về làm việc khi mới 8 tuổi
Kim Ung Yong (SN 1962) tại Seoul, Hàn Quốc. Cả bố và mẹ của ông đều là giáo sư đại học. Ngay từ khi còn nhỏ, Kim Ung Yong đã bộc lộ trí tuệ vượt trội của mình. Chưa đầy 12 tháng tuổi, ông đã biết nói, 2 tuổi đọc được tiếng Hàn, Nhật, Đức và Anh. Lên 3 tuổi, Kim Ung Yong thông thạo Vật lý một cách siêu phàm. 4 tuổi, Kim Ung Yong có khả năng ghi nhớ được khoảng hơn 2.000 từ vựng tiếng Anh và tiếng Đức.
Khi mới lên 5 tuổi, Kim Ung Yong đã giải quyết được nhiều bài toán tích phân khác nhau trên đài truyền hình của Nhật Bản. Ngoài ra, ông còn biết làm thơ bằng tiếng Hàn và tiếng Trung, viết bài luận về thơ cho hai cuốn sách ngắn (ít nhất 20 trang). Cùng năm này, ông đạt được 210 điểm trong bài kiểm tra IQ cho trẻ 7 tuổi. Kim Ung Yong khi ấy thực sự là hiện tượng khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Vào năm 7 tuổi, Kim Ung Yong kết thúc khóa học 4 năm tại Đại học Hanyang và được Tổ chức hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mời sáng Mỹ để làm việc. Tại Mỹ, ông hoàn thành chương trình học đại học và thậm chí lấy được cả bằng tiến sĩ Vật lý của Đại học bang Colorado khi chỉ mới 9 tuổi.
Quyết định về nước sau một thập kỷ làm việc ở NASA, từ bỏ chốn phồn hoa để học lại tiểu học
Với trí thông minh vượt trội như vậy, một ngày của Kim Ung Yong từ lúc thức dậy chỉ toàn là công việc bao quanh mà không có nổi một người bạn đồng trang lứa nào.
Kim Ung Yong từng chia sẻ gần 10 năm học tập và nghiên cứu ở Mỹ là khoảng thời gian cô độc và đáng buồn nhất trong đời. “Thời điểm đó, tôi sống chẳng khác gì một cỗ máy. Tôi thức dậy, giải quyết những việc được giao hằng ngày, ăn, ngủ và cứ thế, thời gian trôi đi. Tôi thực sự không biết tôi đang làm gì. Tôi vô cùng đơn độc và không có lấy một người bạn”, ông nói.
Trong hàng nghìn bài phỏng vấn thần đồng Kim Ung Yong, chẳng có câu hỏi nào dạng như “Mong muốn của em là gì?” hay “Em muốn trở thành người thế nào?” được đặt ra. Có lẽ dư luận bấy giờ tin rằng một cậu bé thông minh nhất thế giới thì muốn trở thành ai hoặc muốn làm gì cũng được. Hoặc đúng hơn, chỉ có một lựa chọn duy nhất.
Vì thế, vào năm 1978, khi mới 16 tuổi, Kim Ung Yong đã quyết định trở về Hàn Quốc. Lúc này, truyền thông Hàn Quốc đổ dồn sự chú ý vào Kim Ung Yong, thậm chí gán mác “thiên tài thất bại” cho ông. Không ít người cho rằng ông chính là một trường hợp của việc giáo dục sai cách khi Kim Ung Yong trở về Hàn Quốc với một mong muốn duy nhất là được sống một cuộc sống bình thường như bao người.
Nói về điều này, Kim Ung Yong từng chia sẻ: “Tôi phát ốm và mệt mỏi khi lại trở thành tâm điểm. Tôi cảm thấy mình giống như một con khỉ trong vườn thú. Khi ấy chưa có Twitter hay phần mềm chat Yahoo nên báo giấy vẫn quyền lực hơn cả. Tôi đoán một số người thậm chí còn bắt đầu bảo tôi là tâm thần phân liệt. Tôi không muốn ai chú ý đến mình cả”.
Nhưng để có thể làm việc ở Hàn Quốc, Kim Ung Yong phải có bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học và đại học. Vậy là thần đồng năm nào phải theo học từ đầu như bao người bình thường khác. Đương nhiên, với một thiên tài từ nhỏ thì việc đó không chút khó khăn nào. Ông nhận bằng tốt nghiệp 3 cấp học chỉ sau 2 năm kể từ khi về nước. Sau đó, năm 19 tuổi, Kim Ung Yong đăng ký vào ngành kỹ thuật dân dụng ở Đại học Quốc gia Chungbuk. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành một nhân viên văn phòng bình thường.
Hoàn hảo là vô nghĩa nếu không hạnh phúc
Không trở thành một chính trị gia cấp cao hay một nhà kinh tế đại tài theo kỳ vọng của mọi người, Kim Ung Yong theo đuổi việc giảng dạy tại đại học đúng như mơ ước của mình. Theo ông, đây là quãng thời gian ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong suốt nhiều năm qua, ngoại trừ việc vẫn thường xuyên bị truyền thông soi mói.
“Rõ ràng, truyền thông đánh giá thấp việc tôi chọn một công việc bình thường”, Kim Ung Yong nói. Dù bị gọi là “thiên tài thất bại” nhưng ông khẳng định cuộc sống của ông rất hạnh phúc, theo chuẩn mực cá nhân ông thì đó là thành công.
Trả lời trên tờ The Korea Herald, “thần đồng” một thời tâm sự: “Mọi người đều kỳ vọng rằng tôi sẽ trở thành một quan chức cấp cao hay lãnh đạo công ty lớn. Thế nhưng, tôi không nghĩ rằng việc không làm được như những gì người khác kỳ vọng thì họ được quyền gọi tôi là thất bại”.
Năm 2014, Kim Ung Yong đã chính thức trở thành Giáo sư ở tuổi 52. Ông tham gia thỉnh giảng ở một số trường như Đại học Yonsei, Đại học Sunkyunkwan và Viện Khoa học và công nghệ hiện đại Hàn Quốc.
Chia sẻ về công việc mới, ông khẳng định đây chính là điều ông mơ ước mấy năm qua: “Tôi rất phấn khích khi dạy tại trường đại học, công việc từ lâu đã là giấc mơ của tôi. Tôi sẽ cống hiến hết mình để truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau”.
Từng được ghi danh là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới nhưng Kim Ung Yong nhận ra sự thành công về học vấn không phải là thước đo một con người. Ông cũng đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh, những người rất háo hức học cách nuôi dạy con mình trở thành thiên tài. Theo đó, điều tốt nhất bố mẹ có thể làm cho con cái, với tư cách là đấng sinh thành, là hỗ trợ và hướng dẫn chúng tự đạt được mục đích từng bước một.
Với những cống hiến của mình, Kim Ung Yong hy vọng có thể thay đổi các quan điểm giáo dục sai lầm tại Hàn Quốc. Ông cho rằng: “Xã hội không nên nhìn nhận con người dựa trên những tiêu chí chủ quan. Mỗi người đều có khả năng và ước mơ riêng đáng được tôn trọng”.
Tổng hợp-Theo Thể thao văn hoá