Hơn 100 năm trước đã có ý tưởng về công nghệ không dây, tìm ra dòng điện xoay, Nikola Tesla từng bị coi là nhà bác học điên vì đã đi trước thời đại quá xa. Kể cả Edison cũng không theo kịp Tesla.
Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ 4.0 với những phát minh tiên tiến như xe điện, tên lửa, Internet… – những thứ mà nhiều người vẫn cho là điều không tưởng, vượt qua trí thông minh của người thường trong thế kỷ XIX. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết rằng, ở thế kỷ XIX, ngoài nhà bác học lừng danh Thomas Edison thì còn có một nhà bác học tài giỏi, đi trước thời đại nhưng bị coi là “điên” lúc đó khi đề cập đến những phát minh tiến bộ đó.
Nhiều người đã lãng quên nhà bác học ấy nhưng ông chính là nguồn cảm hứng làm nên thành công của những chiếc xe ô tô tự lái, điện thoại thông minh, máy móc điều khiển từ xa, Internet và là cả sự thành công của SpaceX do Elon Musk sáng lập.
Đó chính là Thiên tài vĩ đại Nikola Tesla.
Kẻ “ngớ ngẩn và điên rồ” Nikola Tesla
Nikola Tesla sinh vào ngày 10/7/1856 trong một cơn giông bão. Mặc dù, sinh sống và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở biên giới phía Đông của Áo, Telsa vẫn luôn học hỏi và cố gắng không ngừng để đưa ý tưởng sáng tạo của mình vươn tầm thế giới. Trong những dòng hồi ký của Electrical Experimenter do Hugo Gernsback chắp bút, ông đã miêu tả Nikola Tesla là một người có “tầm nhìn xa trông rộng”, một người đã đóng góp một vai trò quan trọng trong nền văn hóa hiện đại.
Hugo Gernsback nói: “Nikola Telsa có một niềm đam mê với phát minh điện từ. Ông ấy đã đi xem các thí nghiệm của trường và đã có nhiều ý tưởng sáng tạo mới. Khi học tại Trường Bách khoa ở Graz, lần đầu tiên Telsa bắt gặp một máy phát điện Gramme và ngay lập tức bắt đầu lập trình cách để chiếc máy đó có thể thích nghi để hoạt động với dòng điện xoay chiều”.
Để có được thành công trong mỗi phát minh của mình, Nikola Tesla đã vận dụng trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của mình một cách tối đa. Trước khi tìm ra dòng điện xoay chiều bằng cách chế tạo động cơ cảm ứng, ông đã đọc hàng trăm cuốn sách về điện và tưởng tượng ra tất cả các lý thuyết và các hoạt động của nó.
Một minh chứng cho câu chuyện này là Công ty Western Union từng đưa Nikola Tesla làm việc trong một phòng thí nghiệm không xa văn phòng của Edison để thiết kế hệ thống điện xoay chiều. Khi thành công, Tesla đã chia sẻ hành trình tìm ra nguyên lý của dòng điện rằng: “Những động cơ mà tôi đã tìm ra dòng điện xoay chiều, chính xác là những gì tôi đã từng tưởng tượng. Tôi không cố gắng cải thiện thiết kế, mà chỉ tái tạo những bức tranh về dòng điện xoay chiều trong đầu tôi và nó hoạt động như tôi mong đợi”.
Chính vì vậy, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo đóng một phần quan trọng trong cuộc đời của ông. Telsa cũng dành rất nhiều thời gian để phân tích và nghiên cứu những phát minh của bản thân. Ông đã để lại cho thế giới hơn 300 phát minh cùng với nhiều tiên đoán về các phát minh vĩ đại sau này.
Ngoài việc là một nhà phát minh tài ba, Tesla còn là một người theo chủ nghĩa tương lai. Nhiều dự đoán của ông về công nghệ tương lai mô tả chính xác thế giới ngày nay dù trong thời đại mà ông sống lúc bấy giờ, công nghệ tiên tiến nhất chỉ gồm có radio và bóng đèn. Tuy nhiên, có những dự đoán về các phát minh tương lai mà thế giới phải cảm phục với bộ óc vĩ đại này.
Tesla từng dự đoán trong một cuộc phỏng vấn năm 1926 rằng: Các thiết bị không dây cuối cùng sẽ được đơn giản hóa với nhiều thiết bị phát – thu hoạt động mà không bị nhiễu cũng như mọi người có thể giao tiếp, gửi tài liệu… dễ dàng trên toàn thế giới.
Tesla nói: “Khi kỹ thuật không dây là hoàn toàn được áp dụng toàn bộ trái đất, nó sẽ được chuyển đổi thành một bộ não lớn”. Dự đoán của ông đã trở thành sự thật với việc phát minh ra Internet vào những năm 1980 và Wi-Fi vào những năm 1990. Một dự đoán khác về sự phát triển của loài người của ông là “Trí tuệ nhân tạo, robot và ô tô tự lái”.
Luôn đi trước thời đại, Tesla tin rằng sẽ có máy điều khiển từ xa trong tương lai và điều đó đã thành hiện thực vào năm 1989 với một chiếc thuyền điều khiển từ xa cũng như hiện tại, hãng xe tự động lái của Elon Musk đang nổi tiếng trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, vào thời đại đó, nhiều người cho rằng Nikola Tesla bị điên khi nghĩ ra những điều không tưởng như vậy. Ông đã thốt lên với những lời buồn bã: “Thế giới thiển cận và lầm lạc khi cười nhạo các ý tưởng của tôi. Biết bao nhiêu người gọi tôi là kẻ hay tưởng tượng. Nhưng hãy để cho thời gian trả lời tất cả”.
Đến năm 1912, Telsa bắt đầu có những dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và mắc chứng tự kỷ. Từ đó, ông đã sống ẩn mình tại một căn hộ nhỏ trong khách sạn của thành phố New York. Tuy nhiên, ông vẫn dành thời gian để đến công viên và làm bạn với chim bồ câu cũng như vào những đêm khó ngủ, ông thường có thói quen tiếp tục nghiên cứu các phương trình toán học, khoa học cho xã hội.
Khẳng định vị thế cho cái tên Tesla dưới thời Elon Musk
Hiện nay, Internet ra đời, công nghệ vô tuyến phát triển, công nghệ không dây đang đi đến thời đại 5G. Khi đó, loài người khi đó mới sửng sốt phát hiện ra rằng cách đó 100 năm đã có một con người nói về những điều này, và kẻ đó bị coi là người điên.
Vào ngày 1/7/2003, tại thung lũng Silicon, hai người đàn ông tên là Eberhard và Tarpenning cùng một người bạn thứ 3 là hàng xóm Ian Wright đã thành lập một công ty. Họ thống nhất đặt cho nó cái tên là Tesla Motors với mục đích vinh danh nhà khoa học bị lãng quên vừa tìm lại được chỗ đứng trong lịch sử: Nikola Tesla.
Cũng như Tesla, họ chỉ có trong tay những ý tưởng, bản phác thảo. Cho đến tháng 4/2004, triệu phú trẻ gốc Nam Phi với tầm nhìn không kém Tesla đã quyết định đầu từ vào Tesla Motors 6,35 triệu đô la và từng bước đưa con thuyền này vượt qua trở ngại của công nghệ, con người… và làm nên chiến thắng chưa từng có. Cùng với bước đột phá của Tesla, tỷ phú trẻ đó cũng trở thành người giàu nhất thế giới. Đó chính là Elon Musk.
Vào ngày 6/2/2018, hãng SpaceX của Elon Musk phóng thành công tên lửa Heavy Falcon cùng chiếc xe điện mang tên Tesla ra ngoài vũ trụ với ước mơ về cuộc sống trên sao Hỏa. Hẳn Nikola Tesla đã rất vui mừng khi hoài bão của mình đã được thế hệ sau thừa hưởng và phát triển. Một ý tưởng về việc ra ngoài vũ trụ được coi là “ngớ ngẩn và điên rồ” vào thế kỷ XIX, giờ đây đã trở thành một bước tiến lớn của nhân loại cũng như làm hiện thực hóa ý tưởng và đem tên tuổi của Nikola Tesla trở lại với thế kỷ XXI.
Nếu thế kỷ VI, Leonardo da Vinci được mệnh danh là thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại. Thì thế kỷ XIX, chúng ta đã được chứng kiến một thiên tài vượt xa cả thời đại mang tên Nikola Tesla. Cả một cuộc đời cống hiến cho các phát minh, Nikola Tesla đã mang lại nhiều thay đổi cho xã hội. Thậm chí, thế giới vẫn còn đang chứng kiến những phát minh tiên tiến, làm đổi thay thế giới hiện tại như những gì ông đã hy vọng và tiên đoán. Sau gần 80 năm ra đi trong tủi nhục, nghèo khó và lãng quên, giờ đây cái tên Tesla đã trở thành bất tử.
Tổng hợp-Thiên An-Theo Nhịp sống kinh tế