Giới tinh hoa đã đón nhận những cơn mưa tiền khi cả thế giới đối mặt với dịch bệnh, và giờ đây, họ đang nếm trải sự trừng phạt.
Cuối tháng 5, Elon Musk dành chút thời gian nghỉ ngơi giữa lúc diễn ra cuộc chiến cố gắng rũ bỏ thương vụ mua Twitter. Ông đưa ra quan điểm về sức khoẻ kinh tế của đất nước, dự đoán rằng Mỹ đang rơi vào một cuộc suy thoái. Về phần mình, Musk không có gì lo lắng cả. “Đây thực sự là một điều tốt”, ông tweet. “Đã có một trận mưa tiền diễn ra quá lâu. Cần phải có một vài vụ phá sản”.
Nhưng Musk nổi tiếng là người hay… phán đoán sai. Tháng 3/2020, ông tuyên bố rằng các ca mắc Covid-19 sẽ về 0 nhưng thực tế chưa từng như vậy. Về mặt tài chính cá nhân, ông đã hào hứng đón nhận các loại tiền số vào năm 2021, ngay trước khi chúng sụp đổ.
Tuy nhiên, dự đoán của Musk về nền kinh tế lại có vẻ khá đúng. Trong khi không có suy thoái nhưng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đã phơi bày thực tại số lượng những doanh nhân – trong suốt 1 thập kỷ qua, nhờ tận dụng lãi suất thấp, bóng bóng công nghệ và tài chính để hưởng lợi.
Hiện tại, những cổ phiếu công nghệ đã bị nhấn chìm, vũ trụ ảo chỉ mới thành lập, tài sản tiền số cũng bốc hơi và nhiều cuộc điều tra tội phạm đang diễn ra. Bloomberg gọi đây là The Great Comeuppance – “Cuộc đại trừng phạt” – thứ mang tính lịch sử, bất ngờ với những tỷ phú vươn lên từ sự đau khổ của người khác.
Khoảng cuối năm 2021 nền kinh tế được định hình bởi lạm phát, lãi suất tăng và sự trở lại của cuộc sống bình thường hậu Covid. Nhiều người tin rằng một số đồng tiền số được tạo ra rồi sẽ vô giá trị và rằng có nhiều thứ trong cuộc sống hơn là những tương tác trong môi trường kỹ thuật số. Nền kinh tế chưa đến mức rơi vào suy thoái như dự đoán của Elon Musk nhưng cũng thực sự tồi tệ. Tuy nhiên, có một điều Musk chưa dự đoán được là, bối cảnh kinh tế như vậy sẽ mang đến thảm hoạ cho cá nhân ông.
Trong trường hợp của Musk, ông có một năm 2022 vô cùng tồi tệ. Trong năm qua, tài sản của ông đã giảm 49%, tương đương 133 tỷ USD – mức lớn nhất trong lịch sử. Việc này đến vào thời điểm thị trường chứng khoán giảm mạnh và nhu cầu với xe điện Tesla cũng ít dần, Musk lại đi vay thêm nợ và mua Twitter với mức giá trên thời. Mọi thứ cứ thế tồi tệ hơn kể từ đó, khi Twitter đứng trên bờ vực sụp đổ và Musk cảnh báo mạng xã hội này có thể phá sản. Giá cổ phiếu Tesla giảm 70% trong 12 tháng qua.
Musk không phải là ông trùm duy nhất chứng kiến thảm hoạ. Tài sản của Mark Zuckerberg cũng giảm 64%, tương đương 80 tỷ USD. Kỷ lục trước đó ghi nhận là Masayoshi Son từng mất 70 tỷ USD tài sản vào năm 2000 và bản thân vị tỷ phú Nhật Bản cũng có 1 năm 2022 vô cùng tồi tệ.
Sự sụt giảm của Musk, giống Zuckerberg, liên quan tới sự kết hợp giữa những vấn đề vĩ mô kém may mắn và một sự phát triển gần như không thể giải thích được của sự kiêu ngạo tự huỷ hoại bản thân. Chứng kiến triển vọng tang trưởng mù mờ của Facebook, Zuckerberg chuyển hướng sang một lĩnh vực tiêu tốn tiền bạc, liên quan tới phòng họp thực tế ảo với những ảnh avatar hoạt hình không chân.
Jeff Bezos đã trải qua tình cảnh tương tự khi tài sản giảm 43%, tương đương 85 tỷ USD khi Amazon đã mở rộng quá mạnh mẽ sang trợ lý ảo, robot giao hàng, xe tự lái… và cuối cùng họ phải sa thải người.
Rồi đến tiền số, có lẽ là danh mục đầu tư mong manh nhất vào đúng thời kỳ mong manh nhất. Changpeng Zhao – CEO Binance nói tài sản của ông đã giảm 87%, tương đương 83 tỷ USD dù là nhân vật “máu mặt” trong ngành công nghiệp và Binance là sản giao dịch tiền số lớn nhất thế giới.
Điều đó không có nghĩa là Zhao miễn nhiễm với những sự trừng phạt. Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra Binance về dấu hiệu rửa tiền và công ty kế toán mà Zhao thuê để xác nhận tài sản của công ty này gần đây cũng đã tạm ngưng những hoạt động liên quan tới tiền số và xoá tên Binance khỏi danh sách khách hang trên website. Zhao thì phủ nhận cáo buộc rửa tiền và nói rằng sàn giao dịch của mình vẫn ổn. “Vấn đề là ở các kế toán”, ông nói.
Những người từng hết sức ca ngợi tiền số thậm chí còn rơi vào cảnh tồi tệ hơn. Trong đó gồm Alex Mashinsky (nhà sáng lập Celsius – công ty cho vay tiền số đã phá sản), Do Kwon (nhà sáng lập Luna đang bị truy nã toàn cầu) và Sam Bankman-Fried (nhà sáng lập FTX gần đây đã bị dẫn độ về Mỹ để chờ xét xử).
Nhưng cần phải thừa nhận rằng, dù giới tinh hoa trong lĩnh vực công nghệ mất hàng tỷ USD, nhưng “Cuộc Đại trừng phạt” lần này vẫn nhẹ nhàng hơn với đa số mọi người so với khủng hoảng năm 2008. Sau khủng hoảng tài chính, thất nghiệp tăng, thị trường chứng khoán lao dốc và hàng triệu người Mỹ mất nhà. Năm 2022, nhiều người Mỹ đối mặt với giá tăng, người lao động trong lĩnh vực công nghệ thì bị sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, phần còn lại của nền kinh tế vẫn ổn với việc GDP tiếp tục tăng và thất nghiêp gần mức thấp nhất lịch sử.
Musk, Zuckerberg và những người khác đã phản ứng với những biến động của lãi suất bằng một thái độ gần như hoảng loạn. Điều đó cho thấy sự mong manh trong thành công của những người này. “Fed cần phải cắt giảm lãi suất ngay lập tức”, Musk nổi giận vào ngày 30/11, lặp lại chủ đề này nhiều lần trong những ngày sau đó. “Hãy cẩn thận với nợ trong điều kiện kinh tế vĩ mô hỗn loạn, đặc biệt là khi Fed tiếp tục tăng lãi suất”, ông đã tweet vào ngày 13/12 mà dường như quên mất khoản nợ chồng chất trên bảng cân đối kế toán của Twitter.
Trên thực tế, “The Great Comeuppance” không hoàn toàn, nhưng phần lớn là một hiện tượng tài chính. Chính những thế lực đã khiến Musk và các đồng nghiệp của ông lụi bại đã góp phần làm xói mòn quyền lực về văn hóa và đạo đức của các nhà đầu tư mạo hiểm đã tài trợ cho thành công của họ.
Marc Andreessen là người đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, đã đầu tư vào tiền số vài năm trước hiện đang bị chính quyền Mỹ điều tra. Sequoia Capital, một nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu khác trở nên khét tiếng vì đã trao 150 triệu USD cho Bankman-Fried mặc dù anh ta vừa chơi game vừa thuyết trình gọi vốn. Và Chamath Palihapitiya đã chứng kiến các giao dịch SPAC của anh ấy đã mất hơn một nửa giá trị vào năm ngoái. Giống như Musk, Palihapitiya đã đổ lỗi cho Fed về những rắc rối của mình và nói rằng không ai ép buộc các nhà đầu tư vào những cổ phiếu ngu ngốc đó.
Tất nhiên, có thể mọi chuyện như hiện tại sẽ chỉ là vấn đề thoáng qua. Musk vẫn sở hữu hơn 130 tỷ USD và cuối cùng rất có thể ông sẽ tìm ra cách thoát khỏi Twitter và ổn định Tesla. Phải thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta đã không mạo hiểm mua một công ty truyền thông xã hội đang thất bại hoặc đưa một công ty đại chúng trị giá hàng nghìn tỷ USD chuyển hướng sang vũ trụ ảo.
Nguồn: Bloomberg-Vân Đàm-Theo Nhịp sống thị trường