Gần đây, khi Trung Quốc, Mỹ, Nga và Châu Âu liên tiếp tung ra các loại vắc xin Covid-19 mới, một cuộc chiến chính trị ngầm về phân phối vắc xin cũng đang âm thầm diễn ra.
Trong số đó, Trung Đông, nằm ở ngã ba của lục địa Á-Âu, không ngạc nhiên khi trở thành “chiến trường của các nhà chiến lược quân sự”.
Trung Quốc nắm thời cơ
Diễn biến “ngoại giao vắc xin” sôi nổi nhất diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia lớn ở Trung Đông. Ngày 28/12, lô vắc xin Sinovac bất hoạt đầu tiên mua từ Trung Quốc đã đến lãnh thổ nước này. Trong các thử nghiệm lâm sàng trước đây, Sinovac đã đạt tỷ lệ hiệu quả là 91%.
Hiệu ứng đòn bẩy của “ngoại giao vắc xin” Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng xuất hiện. Ngày 26/12, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã thảo luận và biểu quyết thông qua về Hiệp ước dẫn độ Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần như cùng lúc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã gửi văn bản của hiệp ước tới Quốc hội nước này để xem xét. Diễn biến này đồng nghĩa với việc lực lượng đòi độc lập Tân Cương sẽ mất hoàn toàn quyền tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 9/12, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chính thức phê duyệt vắc xin Sinopharm cũng của Trung Quốc xuất hiện tại thị trường nước này. Theo Bộ Y tế và Dự phòng UAE, tỷ lệ hiệu quả của vắc xin này trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đạt 86%. Vào ngày 13/12, theo sau UAE, Bahrain đã trở thành quốc gia Trung Đông thứ hai chấp thuận đưa vắc xin Sinopharm ra thị trường.
Cùng lúc đó, chính phủ Ai Cập ngày 11/12 thông báo, Cairo đang đàm phán với Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) về việc sản xuất hàng loạt vắc xin thương hiệu Trung Quốc tại địa phương.
Được biết, một dây chuyền sản xuất vắc xin liên quan do Bộ Y tế Ai Cập cấp phép hiện đã sẵn sàng.
Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, “ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc có thể nhanh chóng mở ra cục diện mới ở Trung Đông và dẫn đầu, đương nhiên điều này không thể tách rời lợi thế về giá thành so với các đối thủ châu Âu và Mỹ, đặc biệt là hai loại vắc xin của Modena và Pfizer (Mỹ).
Theo đánh giá, vắc xin của Trung Quốc không chỉ đang giành lợi thế về độ an toàn lâu dài, mà so với vắc xin Mỹ, đòi hỏi điều kiện bảo quản và vận chuyển khắc nghiệt là -20℃ hoặc -70℃, vắc xin bất hoạt Trung Quốc có thể được bảo quản hiệu quả chỉ ở mức 2℃ đến 8℃ chắc chắn sẽ trở thành ưu tiên của nhiều nước chưa phát triển.
Đồng thời, một số nước phát triển đang tích trữ hai loại vắc xin trên với số lượng lớn, điều này cũng gây ra căng thẳng trong chuỗi cung ứng vắc xin tự sản xuất ở châu Âu và Mỹ, khiến hầu hết các nước đang phát triển phải chuyển sang lựa chọn thay thế.
Ngoài ra, cách bố trí địa chiến lược được lên kế hoạch tỉ mỉ và ổn định của Bắc Kinh ở Trung Đông trong những năm gần đây cũng đã đóng góp rất nhiều vào thắng lợi hiện tại của “ngoại giao vắc xin”: Ai Cập và UAE có quyền kiểm soát địa lý đối với châu Âu, châu Á và châu Phi và yêu cầu về lợi ích địa chính trị đã được lồng ghép sâu sắc vào khuôn khổ chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc.
Có nhiều điểm tương đồng giữa kế hoạch “Hành lang trung tâm” của Ankara và chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc. Vì lý do này, quan hệ hợp tác địa chiến lược giữa hai bên cũng đang dần tiến triển.
Âu-Mỹ có “tay trong”
Tuy nhiên, ngoài “thời cơ”, bàn cờ vắc xin ở Trung Đông vẫn chưa tới mức Bắc Kinh có thể “kê cao gối ngủ”. Vào ngày 10/12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út thông báo chấp thuận cho phép sử dụng và nhập khẩu vắc xin Pfizer từ Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là động thái nhằm lấy lòng tân chính quyền Joe Biden của Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, với mong muốn Nhà Trắng không gây áp lực đối với Riyadh trong tương lai. Điều này cũng phản ánh rằng, Ả Rập Xê Út chưa thể tìm được tiếng nói chung với Bắc Kinh trong chiến lược Vành đai và con đường.
Đồng thời, Israel, nước được cho rằng sẽ nhập vắc xin Trung Quốc, cuối cùng đã chọn vắc xin Pfizer do “đồng minh thân cận” là Mỹ sản xuất.
Có thể thấy, cuộc chơi chính trị hiện tại về vắc-xin ở Trung Đông đang ở thế giằng co. Dù Bắc Kinh có ưu thế nhưng châu Âu và Mỹ vẫn có những “tay trong” để lật ngược tình thế. Sắp tới, diễn biến mới về ngoại giao vắc xin có thể sẽ xuất hiện tại Trung Đông.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị