Theo Nikkei Asia, do khẩu vị ngày càng đa dạng, mỗi khu phố ở Việt Nam hiện giờ đều xuất hiện vô số quán cà phê. Những chuỗi cửa hàng bán những cốc cà phê có giá nửa ngày lương cùng tồn tại bên cạnh những người bán hàng rong trên vỉa hè.
Nikkei Asia đưa tin, báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết, sở thích chọn cà phê của những người trẻ là một phần lý do khiến việc tiêu thụ cà phê của châu Á đã tăng 1,5% trong 5 năm qua so với mức tăng 0,5% ở châu Âu và 1,2% ở Mỹ, biến khu vực này sớm trở thành trung tâm thế giới về cà phê.
“Châu Á vốn được biết đến là một nơi có truyền thống uống trà, việc tiêu thụ cà phê ngày càng tăng ở khu vực này chủ yếu là do sự gia tăng tầng lớp trung lưu có mong muốn trải nghiệm các xu hướng hợp thời”, Nikkei Asia cho biết.
Tuy nhiên, việc sử dụng cà phê không chỉ đề cập đến mức thu nhập khả dụng và chứng nghiện caffein của mỗi người. Đây cũng là một hiện tượng văn hóa du nhập từ phương Tây.
“Nhiều quốc gia ở châu Á, nguồn gốc của việc canh tác và xuất khẩu cà phê, cũng như văn hóa uống cà phê địa phương, đều đến từ văn hóa của phương Tây. Lối sống phương Tây, cùng với đô thị hóa, đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng đối với cà phê”, đối tác EY Japan, bà Nobuko Kobayashi trả lời phỏng vấn với Nikkei Asia.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng nhu cầu của người uống cà phê châu Á đối với loại cà phê được sản xuất trong nước. Theo đó, các nhà sản xuất cà phê bản địa sở hữu nhiều hơn trong chuỗi giá trị và bắt đầu cạnh tranh với các tên tuổi đến từ phương Tây như Starbucks hay Costa. Hiện nay, châu Á sản xuất 29% hạt cà phê trên thế giới, nhưng khu vực này (bao gồm cả châu Đại Dương) chỉ tiêu thụ 22% trong số đó.
Đồng sáng lập chuỗi cửa hàng cà phê Kopikalyan (Indonesia), ông Iman Kusumaputra chia sẻ, không một tên tuổi lớn nào như Starbucks của Mỹ, Costa Coffee của Anh, Gloria Jeans Coffee của Australia hay Arabica của Nhật Bản đến từ các nước sản xuất cà phê như Brazil, Việt Nam hay Indonesia.
“Và Kopikalyan là một phần của phong trào ở châu Á nhằm phá vỡ xu hướng này, vì các nhà pha chế và chủ cửa hàng cà phê đều nhắm đến việc tiêu thụ cà phê cho chính quốc gia trồng cà phê”, ông Iman Kusumaputra nói.
Việt Nam: Phục hưng “anh đào đỏ thắm”
Nikkei Asia nhận định, Việt Nam đã là một xứ sở cà phê theo đúng nghĩa, kể từ khi thực dân Pháp lần đầu tiên thu hoạch những quả anh đào đỏ thẫm (một biệt danh khác của quả cà phê) vào thế kỷ 19.
Cây cà phê đã trong văn hóa Việt Nam từ rất lâu, đến mức loại cây này đã được lồng ghép vào từ ngữ địa phương như “tiền cà phê”. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu văn hóa với cà phê. Cụ thể, cà phê sữa đá, xuất phát từ cà phê robusta đặc pha với sữa đặc, đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới.
Văn hóa cà phê của Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và đang càng ngày càng phát triển. Trong hơn một thế kỷ qua, các xe hàng rong với loại cà phê robusta chỉ có giá khoảng 1 USD đã trở thành đặc điểm chính của đất nước. Ngày nay, bên cạnh những quán cà phê vỉa hè, Việt Nam cũng đang phát triển các loại hình quán cà phê đa dạng hơn.
Ví dụ như UCC Coffee Roastery tại Thành phố Hồ Chí Minh, một quán cà phê được bày trí và hoạt động giống như một phòng thí nghiệm khoa học nhỏ, cùng với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội như Tik Tok, quán cà phê này trở nên thu hút những vị khách đến thưởng thức và chiêm ngưỡng quá trình để tạo ra một cốc cà phê hoàn hảo.
“Thông tin giờ đây đều được công khai, nên mọi người dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu nguồn gốc và đánh giá cà phê”, quản lý UCC Coffee Roastery tại TP.HCM, bà Phan Thị Kiều Nga nói với Nikkei.
“Vì vậy, kiến thức của mọi người về chất lượng cà phê ngày càng tăng. Khách hàng thường hỏi mình về nguồn cà phê cung cấp cho cửa hàng ở TP.HCM”, bà Nga nói thêm.
Theo một đại diện từ công ty K’Ho Coffee, hợp tác xã của các gia đình trồng cà phê arabica chất lượng cao trên núi Langbiang, Đà Lạt, Việt Nam, trước đây, cà phê chủ yếu được trồng và thu hoạch để phục vụ cho việc xuất khẩu.
Thế nhưng, hiện giờ, chính người Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực trong việc xây dựng chất lượng và danh tiếng của cà phê địa phương ngoài loại cà phê robusta.
“Người tiêu dùng trong nước rất thích cà phê và tạo ra giá trị rất cao cho nông dân. Giờ đây, những người nông dân cũng ‘để dành những ly cà phê ngon nhất cho mình để uống'”, vị đại diện K’Ho Coffee chia sẻ.
Theo Nikkei, do khẩu vị ngày càng đa dạng nên mỗi khu phố ở Việt Nam hiện giờ là một tập hợp các quán cà phê. Những chuỗi cửa hàng bán những cốc cà phê có giá nửa ngày lương cùng tồn tại bên cạnh những người bán hàng rong trên vỉa hè.
Trả lời phỏng vấn với Nikkei, anh Nguyễn Duy, người tìm ra xu hướng cà phê trên TikTok, cho biết điểm thu hút của các quán cà phê, trái ngược với việc pha tại nhà, là mọi người có thể ngồi trên đường, thưởng thức cà phê và nói chuyện với bạn bè và gia đình.
Indonesia: Đẩy mạnh tiêu thụ cà phê “cây nhà lá vườn”
Tại Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai châu Á, ngành công nghiệp cà phê cũng đang trên đà phát triển. Giám đốc Kopikalyan Tokyo – Chuỗi cửa hàng cà phê lớn ở Indonesia, ông Kenny Tjahyadi chia sẻ trước đây, cà phê arabica và cà phê cao cấp không được tiêu thụ trong nước và hầu hết các loại cà phê đều được xuất khẩu.
“Nhưng kể từ khi sự bùng nổ quán cà phê bắt đầu ở Indonesia, các loại cà phê cao cấp đang được phân phối và mọi người bắt đầu hiểu tiềm năng của cà phê Indonesia. Cà phê địa phương đang dần thay thế các loại cà phê được nhập khẩu như Starbucks”, ông Kenny Tjahyadi cho hay.
Ông Tjahyadi cho rằng, các thương hiệu cà phê trong nước đang được hưởng lợi khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến việc ủng hộ các sản phẩm địa phương, hơn là tiêu dùng các thương hiệu nước ngoài.
Hàn Quốc: Trung tâm văn hóa cà phê của châu Á
Tại Hàn Quốc, nơi có thị trường cà phê lớn thứ hai châu Á, các quán cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái xã hội.
Thị trường cà phê của Hàn Quốc đã tăng nhanh trong vài năm qua bất chấp đại dịch, nhờ vào những khách hàng đã sử dụng quán cà phê như ngôi nhà thứ hai, văn phòng hoặc thư viện.
Theo dữ liệu của cơ quan hải quan Hàn Quốc, giá trị nhập khẩu cà phê của nước này đạt 916 triệu USD vào năm 2021, tăng từ 738 triệu USD vào năm 2020 và 662 triệu USD vào năm 2019.
Viện nghiên cứu Hyundai, một tổ chức tư vấn tư nhân có trụ sở tại Seoul, cho biết trong một báo cáo năm 2019 rằng thị trường cà phê của nước này dự kiến sẽ tăng lên 9 nghìn tỷ won (7,5 tỷ USD) vào năm 2023.
Theo ông Herbert Yum, chuyên gia nghiên cứu của Euromonitor International, sự tăng trưởng của cà phê ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được hỗ trợ bởi sự phát triển liên tục của văn hóa cà phê trong khu vực. Ông dự đoán, cà phê sẽ ngày càng ăn sâu vào các nền văn hóa ở châu Á trong tương lai.
“Người tiêu dùng châu Á đang theo đuổi nhiều thứ hơn cho phong cách sống của họ, bao gồm cả việc uống cà phê chất lượng. Những người tiêu dùng này thường đến từ tầng lớp trung lưu và đã tiếp xúc với lối sống ở các nước phương Tây, chẳng hạn như gặp gỡ bạn bè tại quán cà phê qua mạng xã hội”, ông nói với Nikkei.
“Một khi họ có đủ tiềm lực tài chính, họ mới bắt đầu thực hiện các mục tiêu về lối sống của mình, bao gồm cả việc tăng lượng tiêu thụ cà phê, ông Herbert Yum cho hay.
Tham khảo: Nikkei Asia-Giang Anh (lược dịch)-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị