Không phải tiền bạc hay năng lực, thứ tạo nên khoảng cách lớn nhất giữa người với người chính là tư duy, lối sống.
Trên đường đua cuộc đời, cùng một vạch xuất phát, có người đã về đến đích, người vẫn đang cố gắng chạy và một số người bị tụt dần lại phía sau. Cùng tốt nghiệp và ra trường với một tấm bằng giỏi, cùng làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều, có người chỉ 5, 10 năm sau đã mua nhà, mua xe, cũng có người thu nhập vẫn bấp bênh, không để dư được đồng nào. Tại sao lại như vậy? Điều tạo ra sự khác biệt lớn đó nằm ở 7 điều sau đây:
- Tự học và nâng cao năng lực
Con người muốn ngày càng tốt hơn thì phải không ngừng nâng cao kiến thức, khả năng của mình trong lĩnh vực bản thân đang làm việc. Quá trình này diễn ra lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, kỷ luật. Để trở thành một người ưu tú, không có ngoại lệ, bạn cần tập trung vào việc cải thiện chuyên môn của mình trong một thời gian dài. Nói một cách sinh động, bạn cần dành nhiều năm để trồng một khu rừng lớn, thay vì chỉ trồng một cái cây được 3 ngày rồi chán.
Trong 3 hoặc 5 năm làm việc, có người có thể lên làm sếp, quản lý, có người có thể chỉ làm công ăn lương mà sống, điều này phần lớn đều có liên quan đến việc bạn làm sau khi tan sở. Thời gian sau giờ làm việc cũng tạo nên sự khác biệt giữa người có mức lương 100 triệu/ tháng với người nhận lương 5 triệu/tháng.
Hãy dành thời gian sau khi tan sở vào việc trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và suy nghĩ về cách giao tiếp để bản thân trở nên có giá trị hơn ở nơi làm việc, thay vì dành thời gian chơi trò chơi điện tử, xem những video nhàm chán…
- Tập trung
Những mong muốn, giấc mơ nói chung luôn là điều xa vời với hoàn cảnh, năng lực thực tế. Chính vì lý do này, để đạt được mục tiêu của mình, bạn phải bền bỉ cố gắng không kể ngày đêm và có sự tập trung lâu dài.
Để đạt được bất kỳ mục tiêu nào dù nhỏ hay lớn đều cần sự tập trung. Bạn có thể hoàn thành 1 bản báo cáo trong 1 giờ và ghi nhớ 10 từ vựng trong 30 phút. Nhưng trên thực tế, rất khó để bạn tập trung hoàn thành những việc trên trong khoảng thời đó. Bởi khi viết một bài báo báo và gõ một dòng, bạn lại cầm điện thoại lên và xem một đoạn video ngắn. Việc xem những video ngắn, có thể giúp bạn thư giãn, thoải mái hơn nhiều so với việc làm báo cáo. Khi có thời gian, ai cũng muốn tận hưởng, nhưng chính điều này lại khiến thời gian của bạn bị bó hẹp lại và một ngày trôi qua, bạn không hoàn thành được công việc.
Giải pháp tốt nhất là hãy kiên trì, làm liên tục 1 việc trong 10 phút. Bạn không được phép phân tâm vào việc khác mà phải tuân thủ tập trung trong 10 phút vào công việc mà bạn phải làm. Duy trì thói quen này lâu dần, bạn sẽ phát hiện khả năng kiểm soát, tập trung làm việc của mình ngày càng tốt hơn.
- Kỷ luật tự giác
Để rèn được điều này, bạn cần: Thứ nhất, có kế hoạch rõ ràng, cụ thể cho tương lai 1-5 năm tới. Thứ hai, phân tách mục tiêu và xác định số lượng công việc cần hoàn thành trong một ngày. Thứ ba, kiên trì thực hiện. Thứ tư, xem lại công việc mỗi ngày, suy nghĩ về cách thực hiện và đạt được kết quả nhanh hơn và tốt hơn.
Kỷ luật tự giác là cách ít tốn kém nhất để chúng ta làm chủ được cuộc sống của mình. Nếu cảm thấy mục tiêu cuộc đời quá xa vời, bạn có thể đặt cho mình mục tiêu một tháng và hoàn thành mục tiêu một tháng trước.
Học cách phân tách mục tiêu của bạn, ít nhất là biết bạn hoàn thành bao nhiêu việc trong một ngày. Ví dụ: Nếu bạn muốn giảm 10kg trong ba tháng, bạn phải kiên trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, kiểm soát ba bữa ăn mỗi ngày và tránh xa đồ chiên rán, đồ ngọt. Để đạt được 100.000 người hâm mộ trên mạng xã hội, bạn ít nhất phải kiên trì tải lên 1 bài viết, video có chất lượng cao mỗi ngày và liên tục cập nhật nó trong nửa năm. Đây là những điều tối thiểu phải làm để đạt được mục tiêu.
Bạn không chỉ phải hành động liên tục mà còn cần trí tuệ, nếu những gì bạn đang làm bây giờ không mang lại kết quả như mong đợi, bạn phải kiểm tra xem mình có làm sai điều gì không. Chỉ bằng cách sửa đi sửa lại phương hướng, bạn mới có thể từng bước nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và hành động có hiệu quả.
- Khả năng quản lý cảm xúc
Đừng để 1% cảm xúc phá hỏng 99% nỗ lực của bạn. Cảm xúc tồi tệ có thể dễ dàng khiến mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Để thành công, trước hết, bạn cần trở thành một bậc thầy trong việc quản lý cảm xúc, bằng cách: Hiểu rằng cảm xúc là nguyên nhân bên trong, bản thân có thể kiểm soát được qua việc khám phá nội tâm; Đừng chỉ tập trung cảm xúc vào một điểm; Học cách bình tĩnh đối mặt với thực tế, tập trung vào các hành vi giải quyết vấn đề và đánh lạc hướng những cảm xúc lo lắng. Sự phát triển của mọi sự vật, sự việc đều theo logic, sẽ không thay đổi theo cảm xúc của bạn. Bởi vậy suy nghĩ và hành động theo lý trí, có logic là con đường dẫn lối đến thành công của bạn.
Trải nghiệm có thể khiến bạn thêm trưởng thành, năng lực kiềm chế cảm xúc ngày càng mạnh mẽ.
- Khả năng quản lý năng lượng, thời gian và sức khỏe
Thời gian sẽ luôn khiến bạn cảm thấy không đủ, và khả năng quản lý thời gian cũng như thể lực là đặc biệt quan trọng. Để tràn đầy năng lượng, hãy đi ngủ sớm và dậy sớm. Thời gian có hạn dường như bị bủa vây bởi những chuyện vặt vãnh, bởi vậy để có thể hoàn thành những việc đã lên kế hoạch trong ngày, bạn phải có đủ thể lực và thời gian thực hiện. Nếu bạn mải mê xem phim truyền hình hoặc chơi game thâu đêm hôm trước, bạn sẽ không có năng lượng để hoàn thành những việc đã lên kế hoạch vào ngày hôm sau. Nếu muốn đi ngủ sớm và dậy sớm, bạn phải nói lời tạm biệt những sở thích như: xem phim truyền hình, chơi game, thư giãn và tận hưởng…
Hãy kiên trì thực từng bước hướng tới mục tiêu mỗi ngày. Sự xuất sắc không phải ngày một ngày hai là có được, mà là sự tích lũy, kiên trì trong thời gian dài. Nếu bạn chỉ đặt mục tiêu và thực hiện nó một cách hời hợt thì khả năng bạn đạt được mục tiêu là không cao. Sự tập trung và làm việc hiệu quả là cách giúp bạn đạt kết quả tốt. Điều rất quan trọng là phải kiên trì, bền bỉ và có niềm tin để thay đổi bản thân ngay từ bây giờ.
- Sức mạnh tự phục hồi
Trên con đường phấn đấu để đạt được ước mơ, thất bại sẽ là điều không thể tránh khỏi. Thành công thường đến sau nhiều lần thất bại. Trong quá trình này, bạn có sức mạnh tự phục hồi và mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, vấp ngã. Khả năng tự phục hồi, kéo lại cảm xúc sẽ giúp bạn duy trì động lực hành động, làm việc liên tục để đạt được mục tiêu.
- Quản lý tiền bạc
Quản lý tài chính là quản lý cuộc sống. Việc quản lý tài chính hiệu quả bao gồm: Chủ động phát triển nguồn thu nhập thụ động; Biết phân bổ tài sản hợp lý; Tìm hiểu đầu tư cơ bản và quản lý dòng tiền…
Bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được tự do tài chính thực sự nếu cứ mãi sống bằng lương. Không ngừng phát triển nguồn thu nhập thụ động của bản thân là một mắt xích cần thiết để từng bước giải phóng bản thân, đồng thời cũng là một bước quan trọng để kéo xa khoảng cách của bạn và bạn bè, đồng nghiệp cùng trang lứa. Bạn cũng có thể kiếm tiền khi đang ngủ, và tự nhiên tình trạng tài chính của bạn sẽ dần cao, ổn định hơn những người khác.
Phân bổ tài sản hợp lý là cách bạn có thể chống lại rủi ro. Chúng ta có thể phân phối thu nhập hàng tháng theo tỷ lệ sau: Chi phí sinh hoạt hàng ngày: 20%; Chi phí cho sức khỏe: 15%; Quỹ dành cho việc học, giáo dục: 15%; Tiết kiệm: 20%; Đầu tư: 30%. Tức bạn sẽ có 5 tài khoản, mỗi tài khoản sử dụng với mục đích khác nhau để khi có bất kỳ rủi ro nào xảy đến, bạn đều có khả năng chống đỡ. Hãy để số tiền bạn tiêu ngày càng ít dần đi và lượng “tiền đẻ ra tiền” ngày càng tăng, bạn sẽ sớm đạt được tự do tài chính.
7 điều kể trên chính là chìa khóa để đưa bạn đến thành công. Chỉ cần chúng ta nỗ lực thực hiện tốt những điều này, thành quả đạt được chắc chắn sẽ không khiến ta thất vọng.
Theo Minh Nguyệt-Thể thao & văn hóa