Người đàn ông thứ nhất thì nôn nóng muốn câu hỏi của mình được trả lời, người thứ hai thì nói không cần hỏi, nhưng cuối cùng ông lại nhận được một kết quả tuyệt vời.
Narada Muni là một thầy tu nổi tiếng trong đạo Hindu của Ấn Độ. Ông thường xuất hiện trong những câu chuyện cổ với tư cách người kể chuyện, mang đến những thông điệp ý nghĩa về tôn giáo và cuộc sống cho con người.
Câu chuyện dưới đây cũng là một trong số đó.
Một lần, Narada đang định đến Vaikuntha để gặp Thần Vishnu (vị thần tối cao, vô cùng quyền lực trong Ấn Độ giáo, còn được coi là Thượng đế với những người theo đạo Hindu). Trên đường, ông nhìn thấy một thầy tu già đang ngồi dưới một gốc cây.
Thấy vậy, Narada liền đi đến và nói: “Tôi đang trên đường tới gặp Thần Vishnu đây. Ông có muốn tôi hỏi hộ điều gì không?”.
Vị thầy tu kia liền đáp lại: “Khi gặp Ngài ấy, phiền ông hỏi xem tôi phải đợi chờ bao lâu? Tôi đã làm một Sanyasi (thầy tu hành khất) được 3 kiếp rồi. Khi nào tôi mới có thể tu hành đắc đạo và đến được cõi Niết bàn?”.
Narada nói ông chắc chắn sẽ hỏi hộ vị thầy tu.
Sau đó, Narada lại tiếp tục lên đường, thấy một vị thầy tu khác đang ngồi dưới một gốc cây, mắt ông ta nhắm lại, vừa chơi đàn vừa hát. Dường như ông ta đang chìm đắm trong thế giới riêng của mình và không hề quan tâm gì đến mọi thứ xung quanh.
Narada đến chỗ người đàn ông và hỏi, “Tôi đang đến chỗ của thần Vishnu đây, ông có điều gì muốn hỏi Ngài không?”.
Vị thầy tu vẫn tiếp tục ca hát. Narada phải chạm vào vai thì ông ta mới dừng lại rồi lặp lại câu hỏi.
Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên của Narada, vị thầy tu lại lắc đầu: “Không, tôi chẳng có gì muốn hỏi cả. Ngài đã mang lại cho tôi mọi điều mình mong muốn rồi. Đừng làm phiền Ngài thêm nữa. Thậm chí ông chẳng cần phải nhắc đến tên tôi với Ngài làm gì, vì tôi đã có đủ rồi. Nếu có thể thì ông chỉ cần bày tỏ lòng biết ơn của tôi thôi”.
Nói xong, ông ta lại tiếp tục chơi nhạc cụ và ca hát.
Narada tiếp tục hành trình tới Vaikuntha rồi trở về. Khi đi tới chỗ của vị thầy tu đầu tiên, Narada nói: “Tôi đã chuyển câu hỏi của ông tới cho thần Vishnu. Ngài nói ông cần phải trải qua một số kiếp nhiều như những chiếc lá trên cái cây này thì mới có thể đắc đạo tu hành và đến được cõi Niết bàn”.
Nghe được câu trả lời như vậy, người đàn ông thay đổi sắc mặt. Ông ta xé hết những quyển sách mình đang đọc, sau đó ném chúng đi và tức giận thốt lên: “Thật là bất công. Tôi đã khổ sở tu hành trong 3 kiếp. Không thể như thế được…!”
Sau đó, Narada tới gặp vị thầy tu thứ hai, người đã luôn ca hát say sưa dưới một gốc cây khác. “Ông đã không hỏi gì, nhưng tôi vẫn thay mặt ông hỏi thần Vishnu, xem bao giờ thì ông có thể tu hành đắc đạo, chạm tới cõi Niết bàn, và Ngài nói ông sẽ trải qua số kiếp bằng với số lá trên cái cây này thì sẽ có được điều đó”, Narada lên tiếng.
Nghe thấy vậy, vị thầy tu này nhảy cẫng lên vui sướng. Ánh mắt ông ta lấp lánh niềm vui rồi thốt lên: “Sớm đến như vậy ư? Ngài ấy quả thật đã đánh giá tôi cao quá. Hãy nhìn ra xung quanh mà xem. Nơi đây có biết bao nhiêu lá cây, thế mà Ngài chỉ đếm có mỗi lá trên cái cây này cho tôi thôi. Tuyệt quá. Làm sao để tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Ngài được đây?”.
Mải vui với niềm vui của mình, vị thầy tu tiếp tục nhảy múa, ca hát mà không nhận ra rằng, tự bao giờ xung quanh ông đã xuất hiện một vầng hào quang sáng chói, cho thấy vị thầy tu đã được giác ngộ và chạm tới cõi Niết bàn.
Lời bàn: Với những người có đủ sự kiên nhẫn và không ngừng cố gắng, Cõi Niết bàn chỉ cách họ một gang tay. Nhưng với những người khác, con đường có thể rất dài.
Trong cuộc sống bình thường cũng vậy, hạnh phúc là ngay tại đây, ngay lúc này, khi bạn biết mình đang làm gì, đang được tận hưởng từng giây, từng phút mình có. Hạnh phúc không thể là sự trông cậy vào những gì người khác có thể mang tới cho bạn.
Hãy luôn tự tìm cho mình niềm vui và những điều có ý nghĩa trong cuộc sống để làm, để tận hưởng. Hãy luôn dùng sự khiêm tốn, biết ơn của mình để đối đãi với cuộc đời là bạn sẽ thấy mình luôn vui vẻ và thanh thản, cũng có nghĩa là đã nhận được món quà hạnh phúc lớn nhất trong cuộc sống.
Theo Moral Stories 26 – Theo Thanh Hương – Trí thức trẻ