“Sáng họp, chiều họp, thứ 7 họp, nhiều khi Chủ nhật cũng hẹn ra quán cà phê họp….Các phòng ban được chia ngân sách ‘đi nhậu’. Có các phòng ban nhậu 7/7, các sếp cũng đi nhậu thường xuyên (gọi là tiếp khách)” – ông Nguyễn Trung Dũng viết.
Khởi nghiệp ở tuổi 50, CEO Nguyễn Trung Dũng rất chăm chỉ nói về hành trình gây dựng nên thương hiệu gia vị Việt Dh foods. Một bài viết gần đây của ông trên trang Facebook cá nhân tiết lộ về “cú sốc” sau khi rời Ba Lan trở lại Việt Nam lập nghiệp đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Sau 30 năm du học và sinh sống tại Ba Lan, về Việt Nam, ông Dũng gặp khá nhiều khó khăn thời điểm đi “làm thuê” trước khi tự tạo dựng công ty riêng: “Tôi đến nhận nhiệm phụ Phó Tổng Giám Đốc tại 1 công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh mới cổ phần hóa được 6 năm. Bỏ qua vấn đề công ty đang khó khăn, 2 năm liên tiếp doanh số quanh quẩn tại chỗ, lương cán bộ công nhân viên không cao…”.
Thế nhưng, đó chưa phải là vấn đề lớn nhất khiến CEO DhFoods trăn trở, mà môi trường làm việc, cách vận hành các hoạt động nội bộ cũng như trang phục phải mặc mới là thứ rất khác so với tưởng tượng của ông thời điểm đó. Ông liệt kê ra rất nhiều điểm khiến bản thân thấy “sốc”:
“- Quần áo phải chỉnh tề, áo bỏ trong quần. Tính tôi thích ăn mặc thoải mái nên vài lần các bạn trong HĐQT nhắc nhở.
– Họp: sáng họp, chiều họp, thứ 7 họp, nhiều khi Chủ nhật cũng hẹn ra quán cà phê họp (HĐQT và Ban TGĐ)…họp xong có người ghi biên bản rồi…lưu tài liệu họp. Tính tôi lại không thích họp nhiều. Có vấn đề gì thì hội ý nhanh để ra hướng giải quyết. Chỉ có các dự án lớn mới họp lâu, mà chủ yếu nghe các bạn phụ trách dự án báo cáo.
– Ngoài chuyện họp, quần áo chỉnh tề, thì chuyện nhậu nhẹt cũng là vấn nạn. Các phòng ban được chia ngân sách ‘đi nhậu. Có các phòng ban nhậu 7/7, các sếp cũng đi nhậu thường xuyên (gọi là tiếp khách).
– Rồi thói quan liêu trong công việc, có trường hợp 1 ca sản xuất ban đêm phát hiện lỗi, ban quản lý ca dừng sản xuất nguyên ca để tìm nguyên nhân ai có lỗi? Sau vụ đó tôi ra quy định là nếu gặp trường hợp lỗi thì khắc phục để quay lại sản xuất ngay.
– Rồi các quy định chấm công làm với tất cả, kể cả với ban Tổng Giám Đốc, và mình đã đề nghị hủy chấm công từ cấp trưởng phòng trở lên (và tất nhiên kèm tăng lương để các bạn nhận được nhiều hơn so với trước, ngay cả khi cộng giờ làm thêm)”.
Theo ông chủ Dh Foods, đó là những vấn nạn ở môi trường công sở “cần thay đổi”.
Ngay sau đó, ông đã tìm hướng giải quyết bằng cách đi thị trường dọc Bắc vào Nam để nghe góp ý từ các nhà phân phối. Những sự thay đổi trong quản lý, trong sản xuất và trong cách đối xử với khách hàng đã giúp doanh số công ty của ông tăng gần gấp đôi sau 2 năm.
Cũng chính chuyến công tác xuyên Việt đó đã khởi sinh ý tưởng lập nghiệp trong ông, khi nhận thấy Việt Nam có rất nhiều gia vị vùng miền chưa từng biết đến.
“Tôi luôn tin rằng các gia vị đặc sản vùng miền sẽ có chỗ đứng trên kệ siêu thị toàn quốc và trên kệ siêu thị nước ngoài nữa. Cho đến ngày hôm nay, sau 10 năm khởi nghiệp, giấc mơ đó đã dần dần trở thành hiện thực” – ông Dũng bày tỏ.
Bên dưới bài viết, có rất nhiều bình luận đồng tình với quan điểm của “ông trùm” gia vị Việt khi trải qua những điều tương tự tại môi trường làm việc: “Họp như là một đặc sản của công ty Việt Nam!“, “Nhậu thì không hiểu sao mọi người mê đến vậy, xã giao vô bổ, thỉnh thoảng thì còn được, đều như vắt tranh thì quá áp lực!”.
Vị CEO Dh Foods phản hồi rằng thực tế này đang dần thay đổi nhờ đội ngũ trẻ ngày càng góp mặt đông đảo vào lực lượng nhân sự của nhiều doanh nghiệp.
Theo Nhuận Hoa-Theo Nhịp sống thị trường