Bị chế giễu vì bỏ việc lương cao để lên núi làm việc không tưởng, 23 năm sau, ông cụ này khiến mọi người phải khâm phục vì thành quả của mình.
Tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, có một “thung lũng cổ tích” bằng đá rất nổi tiếng. Nơi đây đã trở thành điểm đến độc đáo được rất nhiều lượt khách ghé thăm mỗi năm tại đất nước tỷ dân. Điều đặc biệt là thung lũng mộng mơ này được tạo ra không phải cho mục đích kinh doanh kiếm lời, mà là để thỏa mãn mơ ước thời thơ ấu của một cụ ông đã ngoài 80 tuổi.
Theo Zhihu, chủ nhân của “xứ sở đá” này là ông Tống Bồi Luân, sinh năm 1940, nay đã 83 tuổi. Ông cụ này vốn quê quán ở Mi Đàm, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Khi lớn lên, ông làm nghệ sĩ điêu khắc và có cuộc sống ổn định ở Mỹ.
Vốn dĩ ông Tống có thể tận hưởng sự tiện nghi và quãng đời tươi đẹp nơi đô thị phồn hoa. Thế nhưng từ sâu thẳm, ông biết rằng đó không phải là đích đến cuộc đời mình. Vì vậy ngay cả khi đã gần 60 tuổi, ông Tống quyết định về Trung Quốc thực hiện ước mơ của mình.
Tại quê nhà Hoa Khê, thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, ông cụ đã vay thêm 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng) và đến một vùng rừng núi ở làng Lạc Bình để thuê đất, bắt đầu hành trình xây dựng miền đất hứa – Thung lũng Dạ Lang.
“Khi còn nhỏ, tôi đã nghe nhiều truyền thuyết và xem các buổi biểu diễn văn hóa dân gian truyền thống. Chúng đơn giản, huyền bí nhưng chứa đựng những ký ức mà tôi không thể nào quên. Để rồi khi lớn lên, dù có một cuộc sống tiện nghi nhưng tôi vẫn cảm thấy trong tâm hồn vẫn có một khoảng trống. Tôi nhận ra mình không quan tâm đến vật chất, không cần xe hơi hay đồng hồ sang trọng mà chỉ muốn làm một điều gì đó để lại dấu ấn trong văn hóa, cộng đồng”, ông Tống cho biết.
Khi thấy ông Tống về quê làm điều không tưởng, bạn bè xung quanh ai cũng tỏ ra khó hiểu. Hơn nữa, nhiều người hiện đại thậm chí không biết truyền thuyết thời cổ đại với những tòa lâu đài bằng đá.
Tuy nhiên, ông cụ Tống Bồi Luân vẫn muốn làm điều gì đó để nhiều người biết đến văn hóa này.
Theo hồi ức của Tống Bồi Luân, khi bắt đầu bắt tay hiện thực hóa điều này, gia đình ông chỉ có tổng cộng 350.000 NDT (hơn 1,1 tỷ đồng) tiền tiết kiệm. Mặc dù số tiền này được xem là khổng lồ vào những năm 1990, thế nhưng nó lại chỉ là một viên gạch nhỏ trong giấc mơ xây dựng Thung lũng Dạ Lang, hay còn gọi là Dạ Lang Cốc của ông.
Thế rồi, Tống Bồi Luân bèn chia 350.000 NDT này thành 4 phần. Vợ, con gái và ông mỗi người 100.000 NDT, khoảng 50.000 NDT còn lại được ông cụ dùng làm vốn lưu động. Ông dùng 100.000 NDT của mình để thuê một mảnh đất rộng 300m2 dưới một ngọn núi ở ngoại ô Quý Dương, Trung Quốc và bắt đầu miệt mài với công việc điêu khắc đá ngày qua ngày.
Tại đây, ông tận dụng những khối đá có sẵn ở núi và tự thiết kế nên Dạ lang Cốc trong mơ với sự giúp đỡ của những thợ xây trong vùng. Với óc thẩm mỹ của một nghệ sĩ, ông sắp xếp các viên đá một cách nghệ thuật với chiều cao, độ rộng khác nhau. Cách xây dựng nguyên bản này vừa giúp tiết kiệm tiền và vừa đem lại một kiến trúc rất ấn tượng và độc đáo.
Ông Tống kể rằng thời điểm mới bắt đầu, trong thung lũng không có điện, ngay cả máy khoan điện thông thường nhất cũng không thể sử dụng được, toàn bộ ánh sáng ban đêm đều dựa vào nến và đèn dầu. Ông Tống thì sống trong một hang động, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi số tiền tích góp đã dùng hết, ông phải vay mượn thêm tiền từ bạn bè và người thân để có thể vượt qua giai đoạn đó và hoàn thiện giấc mơ đời mình. Số nợ đó lên tới 3 triệu NDT ( gần 10 tỷ đồng).
Sau 23 năm miệt mài thiết kế và xây dựng, ông Tống đã biến núi rừng hoang vắng ngày xưa trở thành một xứ sở mộng mơ cổ tích. Câu chuyện của ông cũng được chính quyền địa phương Quý Dương, Trung Quốc để ý. Ngưỡng mộ với tài năng và tâm huyết của người nghệ nhân đã tạo ra nó, họ đã giúp sức để Thung Lũng Dạ Lang của ông cụ ngày càng nổi tiếng hơn, thậm chí còn được đánh giá là điểm du lịch quốc gia.
Ông Tống Bồi Luân cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền từ đứa con tinh thần của mình. Nếu bây giờ nó bị biến thành một điểm thu hút vì lợi nhuận, những yếu tố văn hóa và nghệ thuật sẽ có nguy cơ biến mất. Phí vé 20 NDT chủ yếu là để duy trì chi phí bảo tồn nơi đây.”
Có thể thấy bằng nhiệt huyết và đam mê của mình, ông cụ 83 tuổi này đã thực hiện hóa được điều mình hằng mong ước. Mặc kệ những lời phán xét, chế giễu, đến cuối cùng, ông không chỉ làm nên Dạ Lang Cốc của mình mà còn nhận được sự công nhận và đánh giá cao từ cộng đồng.
(Theo Zhihu)-Ánh Lê-Nhịp sống thị trường