Ông Tư lấy việc giúp người làm vui, ngày ngày lái xe điện đi bán quần áo 0 đồng cho những người còn khó khăn.
3 năm nay, đã thành thông lệ, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tư (tên thường gọi là Tư Ẩn) luôn cần mẫn chăm sóc cho gian quần áo từ thiện của mình. Họ đóng những bịch quần áo gửi về Trà Vinh, một số quần áo khác thì được sắp lên chiếc xe điện, để ông Tư chở đi khắp Sài Gòn, bán với giá 0 đồng.
Ông Tư bán quần áo 0 đồng, nhưng thực ra ông vẫn “có lương”. Ông hóm hỉnh giải thích với PV báo Vietnamnet: “Tôi để bảng bán quần áo giá 0 đồng chứ không phải miễn phí là vì muốn tôn trọng người nhận và để họ tự nhiên đứng chọn cái quần, cái áo ưng ý. Tôi chỉ cần họ trả bằng một nụ cười, cái gật đầu cảm ơn là được rồi”.
Làm từ thiện là niềm vui của ông mỗi ngày, ông Tư chia sẻ giờ ông tuổi cao, nằm ở nhà đi tới, đi lui cũng buồn lắm, nhưng chỉ cần nhìn thấy người lao động khó khăn mặc quần áo của ông, rồi họ cười nói, cảm ơn là ông cũng thấy vui, thấy khỏe ra.
Theo Tuổi Trẻ Online, mỗi ngày chia làm 2 buổi sáng – chiều, ông Tư lại chạy xe chở quần áo đến các con hẻm, các khu công nghiệp, nơi có đông người dân lao động, đặt xe quần áo ở đó và ai cần thì tự nhiên đến lấy.
15 năm trước, ông bị tai nạn gãy chân và phải cắt đi thanh quản, bởi vậy ông phải dùng máy phụ trợ giọng để giao tiếp với mọi người. Từ đó ông nghỉ hưu, ông thường phụ vợ nấu cơm, dọn nhà, chăm sóc vườn cây cảnh, có thời gian rảnh ông đến chùa xem có việc gì thì góp một phần sức mình.
4 năm trước, ông Tư 76 tuổi. Một lần đi chùa, ông nhìn thấy những đứa trẻ mặc quần áo rách tươm, nhàu nhĩ, mặt mũi lấm lem. Đồng cảm với các bé, ông lại nhớ đến cuộc sống khó khăn của mình ngày trước. Vậy là ông quyết định dùng tiền tiết kiệm mua quần áo cũ đi “bán” cho người nghèo với giá 0 đồng.
Thấy được cái tâm từ thiện của ông, một mạnh thường quân đã tặng ông chiếc xe ba gác điện, để ông tiện chở quần áo đi bán. Dần dần, chiếc xe và ông lão gầy guộc với chiếc mũ nồi đã trở nên quen thuộc với người dân lao động, người nghèo khó. Hơn nữa “tiếng lành đồn xa”, bây giờ ông không cần mua quần áo nữa, nhiều người có quần áo cũ lại mang đến cho ông, để ông mang phân phát, giúp đỡ người khác.
Không quản nắng nhọc là vậy, làm việc với cái tâm muốn giúp đỡ người khác nhưng thi thoảng cũng có vị khách khiến ông chạnh lòng. Một lần có cô gái trẻ đến lựa đồ. Khách thì đông, ông bận rộn chuẩn bị túi cho mọi người nên không kịp trả lời cô gái. Cô ấy thấy vậy gằn giọng: “Ông có bị câm không”. Nghe vậy, cụ ông chỉ biết mỉm cười nhưng lòng nặng trĩu. Cũng có người đến lựa quần áo thì chê bai, tỏ thái độ bất cần…
Thế mới biết làm người tốt cũng không dễ, làm người tốt cũng có thử thách để trở thành một người tốt. Trong những tình huống bất lợi cho bản thân, liệu người ta còn kiên trì với giá trị tốt đẹp mà mình đang theo đuổi? Nếu có thể thực sự kiên trì như vậy, dù gặp khó khăn, dù bị đối xử bất công trước tấm lòng chân thành của bản thân mà vẫn làm được một người tốt, đó mới là người tốt thực sự.
Ông lão 80 tuổi tâm sự, tâm nguyện của ông là được làm từ thiện đến khi hết sức lực mới thôi.
Liên hệ gia đình ông bà Tư
Địa chỉ: 126/15/5/4 Nguyễn Văn Tạo, ấp 2, Long Thới, Nhà Bè, Tp.HCM
Điện thoại: 0396 09 80 28 – 079 733 2855
PV – Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ Online