Những ‘sản phẩm’ do công ty này làm vẫn trường tồn cùng với thời gian cho đến ngày hôm nay.
Theo Amusing Planet, trên toàn thế giới có hơn 5.500 công ty đã hơn 200 năm tuổi đến từ rất nhiều nước. Trong đó Nhật Bản là quốc gia số lượng công ty hơn 200 tuổi nhiều nhất danh sách này, với 3.000 doanh nghiệp. Sau Nhật Bản là Đức với 837 công ty, Hà Lan sở hữu 222 công ty, tiếp đến là Pháp với 196. Chỉ riêng Nhật Bản có đến hơn 21.000 công ty đã hơn 100 năm tuổi. 8 doanh nghiệp hơn 1.000 năm tuổi.
Công ty lâu đời nhất Nhật Bản được thành lập bởi một người thợ mộc
Theo Toshio Goto – Giáo sư tại ĐH Kinh tế Nhật Bản, Kongo Gumi được xem là công ty lâu đời nhất Nhật Bản, chuyên sửa chữa và xây dựng các ngôi chùa Phật giáo. Công ty được thành lập năm 578 bởi một thợ mộc lành nghề – Shigemitsu Kongo được mời từ quốc gia khác đến để xây dựng ngôi chùa Shitenno-ji, theo lệnh Thái tử Shotoku.
Ngay khi đến quốc gia này, ông nhận thấy cơ hội làm ăn đầy triển vọng. Ở thời điểm đó, người Nhật Bản bắt đầu sùng bái đạo Phật. Thái tử Shotoku là người cổ vũ mạnh mẽ cho việc chấp nhận tôn giáo này phát triển trên khắp cả nước. Để làm điều này, ông muốn xây dựng hệ thống chùa chiền ở mọi nơi. Tuy nhiên, người Nhật lại chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Với trọng trách được Thái tử giao cho, Shigemitsu Kongo cùng những người thợ của mình đã hoàn thành ngôi chùa Shitenno-ji vào năm 593. Nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Sau thành công, Thái tử Nhật Bản đã trọng thưởng cho công ty này và tuyên bố sẽ để họ thầu thêm một số dự án.
Bắt đầu từ đây, việc xây dựng, bảo quản và sửa chữa những ngôi chùa bị tàn phá do hoả hoạn và chiến tranh trở thành nguồn thu chính của Kongo Gumi. Công ty này đã tham gia xây dựng nhiều công trình nổi tiếng như đền Horyuji năm 607, chùa Koyasan năm 816, Lâu đài Osaka năm 1583. Đặc biệt, Seigantoji ngày nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trong suốt lịch sử hoạt động của mình, Kongo Gumi đã vượt qua nhiều thay đổi chính trị xã hội đe dọa đến sự tồn tại của công ty. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, khi nguồn lực để xây dựng và bảo trì các công trình kiến trúc cổ dần cạn kiệt, công ty chuyển hướng sản xuất quan tài bằng gỗ để duy trì hoạt động.
Sau chiến tranh, Kongo Gumi lại tìm được công việc khôi phục những ngôi đền đã bị phá huỷ trong cuộc xung đột. Chỉ đến cuối thế kỷ 20, đầu những năm 2000, nhà lãnh đạo công ty mới dần cảm thấy khó khăn khi kinh phí bảo trì của các ngôi chùa ngày càng giảm. Thêm vào đó, họ đối diện với sự cạnh tranh của các cơ sở khác.
Sau hơn 14 thế kỷ tồn tại, vào năm 2006, Kongo Gumi đã được công ty xây dựng Takamatsu mua lại, chấm dứt 1.428 năm huy hoàng. Để vinh danh quãng thời gian hoạt động lâu dài của Kongo Gumi, tên của công ty vẫn được giữ nguyên như thuở ban đầu.
Lý do công ty tồn tại đến 14 thế kỷ?
Người ta cho rằng để Kongo Gumi tồn tại được lâu như vậy là nhờ nhiều yếu tố. Sự hiện diện của Shitenno-ji đóng vai trò lớn. Nhưng đó không phải là duy nhất. Hidekazu Sone – Giáo sư tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Shizuoka – người chuyên nghiên cứu các công ty lâu đời nhận định: “Có cả lý do liên quan đến kỹ năng và quản trị nữa”.
Về kỹ năng, Kongo Gumi có các nhóm thợ độc lập với kỹ năng riêng biệt. Các nhóm này đảm nhận một dự án, nhưng cũng cạnh tranh với nhau. Việc này giúp họ cải thiện và chia sẻ kỹ năng tốt hơn. “Duy trì cách thức này đã giúp năng lực cốt lõi của Kongo Gumi được cải thiện”, Sone nói.
Thành công của công ty còn nằm ở khả năng lãnh đạo của người đứng đầu và luôn linh hoạt với thời cuộc. Không giống như nhiều công ty gia đình, quyền lực tự động thuộc về con trai cả. Song người kế nhiệm Kongo Gumi đều được chọn lựa dựa trên năng lực chứ không phải quyền thừa kế. Nếu con trai cả bị đánh giá không có khả năng lãnh đạo công ty thì quyền lực sẽ thuộc về con trai thứ. Nếu con trai không phù hợp thì con rể sẽ được thay thế nếu đủ khả năng. Chủ tịch thứ 39 của công ty là con rể của gia tộc này. Khi thủ lĩnh Haruichi Kongo qua đời, vợ công, bà Yoshie đã đứng lên lãnh đạo công ty.
Bên cạnh tay nghề của những người thợ hay cách quản lý, công ty nhấn mạnh vào việc tạo mối quan hệ vững vàng với khách hàng. “Lắng nghe những gì khách hàng nói”, “Cư xử với khách hàng với sự tôn trọng” và “Đưa ra giá rẻ nhất với ước tính trung thực nhất”, thuộc những nguyên lý hoạt động của Kongo Gumi.
Giáo sư Richard Foster của ĐH Yale tin rằng rất nhiều công ty thất bại vì họ đặt lợi nhuận lên trên mọi thứ khác Nhiều công ty Nhật Bản đã tồn tại lâu đời nhớ quy mô nhỏ, chủ yếu do gia đình điều hành và vì họ tập trung vào niềm tin cốt lõi không chỉ gắn liền với việc kiếm lợi nhuận.
Theo Amusing Planet-Đinh Anh-Theo Nhịp sống thị trường