Trong lúc nói chuyện, tất cả mọi người trong phòng bổng đổ mồ hôi và ngồi sụp xuống, không có sức đứng lên nổi, ai nấy đều nói trong tâm khó chịu. Một lát sau Tôn Lộc Đường hỏi: “Bây giờ đã tốt lên chưa?” Mọi người đều nói tốt lên rồi.
Tôn Lộc Đường nói: “Đây là tác dụng của nhất khí, không biết có thể giải thích được không?”
Mọi người kinh hãi quá, luôn miệng nói: “Quả là Thần nhân, Thần nhân”. Không ai giải thích được đạo lý trong đó.
Công phu cao thâm không phải là thần thoại
Tôn Lộc Đường tên là Phúc Toàn, tự là Lộc Đường, hiệu là Hàm Trai. Ông là người huyện Hoàn, tỉnh Hà Bắc, sinh tháng 12 năm 1860, thời kỳ Hàm Phong. Từ nhỏ, ông đã là người thông minh tuyệt đỉnh, tính tình trầm tĩnh hào hiệp. Cha ông là quan thất phẩm Văn lâm lang, thích làm việc thiện nổi tiếng trong làng. Tôn Lộc Đường 7 tuổi vào học trường tư thục, theo quyền sư luyện quyền.
Tôn Lộc Đường là danh gia Hình ý quyền, Bát quái quyền, Thái cực quyền. Thái cực quyền do ông tự sáng tạo gọi là Tôn thị Thái cực quyền, ông được mọi người tôn xưng là “Hổ đầu thiếu bảo”, “Thiên hạ đệ nhất thủ”. Trong cả cuộc đời, ông đã có vô số lần thử sức với người khác, chưa một lần thất bại.
Tôn Lộc Đường động tác vô cùng nhanh nhẹn linh hoạt, mọi người gọi ông là “Tái hoạt hầu”. Khinh công của ông tuyệt thế. Khi Tôn Lộc Đường theo Quách Vân Thâm, Quách Vân Thâm thường cưỡi ngựa phi nhanh, Tôn Lộc Đường đề khí đằng không, tay kéo đuôi ngựa, chạy nhẹ nhàng tuyệt trần, ngày chạy hàng trăm dặm hoàn toàn không cảm thấy mệt mỏi. Khi ngựa buông cương phi nhanh, Tôn Lộc Đường liền hai chân tung lên, như chim én đáp xuống mái hiên, như chuồn chuồn đạp nước đứng trên lưng ngựa, Quách Vân Thâm dọc đường đi hoàn toàn không hề hay biết.
Một lần, Tôn Lộc Đường đi ra ngoài, phu xe sau khi kéo xe cho ông trở về thì không muốn lấy tiền xe, nói: “Lần này tôi đã mở rộng tầm mắt rồi, kéo tiên sinh lên dốc còn nhẹ hơn thường ngày kéo xe không. Ban đầu tôi cho rằng trong xe không có người, quay đầu lại nhìn thấy tiên sinh đang ở trong xe. Lần này tôi mới biết tiên sinh có công phu đằng vân giá vụ (cưỡi mây). Tôi đâu dám lấy tiền của ngài – lão Thần Tiên đây”.
Tôn Lộc Đường vẫn không để lộ ra, ông nói: “Đâu có chuyện đó, nhất định là sáng hôm nay ông đã ăn 2 bát cơm nên có sức mạnh đó thôi”.
Nội công của Tôn Lộc Đường vô cùng thâm hậu. Trong một lần tụ hội danh gia võ thuật ở Thượng Hải, có người đề nghị Tôn Lộc Đường biểu diễn tuyệt kỹ. Tôn Lộc Đường không muốn thể hiện trước mặt mọi người, thế là đi đến dưới bức tường trong nhà, một bên thân dựa sát vào bức tường. Phía ngoài chân và vai áp chặt vào bức tường, đồng thời ông giơ chân kia lên, giữ hơn chục giây, sau đó trở về chỗ ngồi. Động tác này xem ra đơn giản nhưng trên thế giới rất ít người có thể làm được. Tôn Lộc Đường giải thích, việc này phải thông qua nội công để thay đổi trọng tâm mới có thể đạt được.
Báo giới và dân gian thời kỳ Dân quốc thường đưa tin và lan truyền những Thần tích như Tôn Lộc Đường đi trên tuyết không có dấu vết, bay người vượt Tử Cấm Thành, thân thể lơ lửng trên không. Đương thời, khi giảng thuật công lý quyền pháp ở Thượng Hải, Tôn Lộc Đường giải thích về hiện tượng này như sau:
“Đây là tác dụng của thần khí, coi trọng tu tâm tính. Tâm tính chưa đạt đến thì chỉ uổng phí tinh thần”. “Người luyện kỹ thuật này không phải người muốn dùng kỹ thuật để thắng người. Người nhân nghĩa chí sỹ nuôi dưỡng khí hạo nhiên, chí đạt được như kỳ vọng thì lực đủ làm được, chỉ là như thế mà thôi”.
Càng là cao thủ càng sùng thượng võ đức
Là một tông sư võ học, Tôn Lộc Đường hiểu được rằng công phu cao thâm không phải là chuyện Thần thoại, nhưng nó tuyệt đối không phải chỉ thông qua khổ luyện gân cốt là có thể đắc được, càng không thể lấy ra tùy ý hiển thị, tranh đấu với người khác.
Tôn Lộc Đường đã từng răn dạy các con của ông rằng: “Luyện võ thuật thì trước tiên phải coi trọng võ đức. Võ đức chia làm 2 phương diện, thứ nhất là khẩu đức, thứ 2 là thủ đức”. “Cần phải lấy đức để cảm phục người, lấy đạo lý để thuyết phục người, không được lấy sức mạnh chế phục người, như thế mới khiến người ta tâm phục khẩu phục”.
Đệ tử đắc ý của tông sư Bát quái quyền Đổng Hải Xuyên là Trình Đình Hoa một lần gặp Tôn Lộc Đường, biết rằng công phu của mình không cao hơn ông nên muốn chủ động truyền Bát quái chưởng cho ông, muốn cùng ông kết bái huynh đệ. Tôn Lộc Đường tạ từ mãi, kiên trì bái Trình Đình Hoa làm thầy. Trình Đình Hoa đành nhận ông làm đồ đệ.
Danh gia võ vật Bảo Định là Bình Kính Nhất đã từng đề nghị thi vật với Tôn Lộc Đường. Hai người vừa chạm tay nhau, Bình Kính Nhất liền đã dùng lưng nhất bổng Tôn Lộc Đường lên. Mọi người reo hò vang dậy. Nhưng sau đó, Bình Kính Nhất sử dụng mọi chiêu thức, Tôn Lộc Đường vẫn nằm yên trên lưng, không làm sao quật xuống được. Bình Kính Nhất đành nhận thua.
Tôn Lộc Đường dùng võ để tụ hội bằng hữu, trong tất cả các cuộc thực chiến trong cuộc đời ông chưa từng thất bại, nhưng rất ít khi đả thương người. Cho dù người nước ngoài thô tục gây hấn, Tôn Lộc Đường vẫn luôn ra tay nương tình.
Tờ “Nhật báo thế giới” đương thời có đăng tải, vào khoảng năm Dân quốc thứ 8, 9, nhà võ thuật Judo trứ danh Nhật Bản là Hangaki (Phản Viên) đọ sức với Tôn Lộc Đường. Hai người nằm trên thảm, Hangaki dùng 2 chân kẹp chặt 2 chân Tôn Lộc Đường, hai tay ôm khóa cánh tay trái ông và nói: “Tôi chỉ cần siết hai tay một cái là cánh tay ông sẽ gãy”.
Tôn Lộc Đường cười nói: “Ý niệm của tôi có thể ngăn được ông”.
Hangaki chưa kịp hiểu là ý nghĩa gì liền bắt đầu dùng lực siết. Khi vừa mới dùng lực, hai cánh tay, toàn thân như đang chịu đòn nặng, bị đẩy lăn ra xa đến tận góc phòng cách Tôn Lộc Đường 2 trượng (6 mét).
Hangaki xấu hổ quá hóa giận, sau khi bò dậy, đột nhiên rút khẩu súng ngắn bên người ra nhắm vào Tôn Lộc Đường. Tôn Lộc Đường không mảy may động đậy. Hangaki nghĩ ắt sẽ bắn trúng. Nào ngờ khi tiếng súng tan, phía sau Hangaki nổi lên tiếng cười của Tôn Lộc Đường. Khán giả cười vang, Hangaki cúi đầu ủ rũ. Mấy ngày sau Hangaki nhờ người đến xin học võ nghệ Tôn Lộc Đường. Tôn Lộc Đường trước sau đều không đồng ý.
Năm 1930, Tôn Lộc Đường đã ở tuổi 70, có 5 võ sỹ Nhật Bản khiêu chiến ông. Tôn Lộc Đường nói: “Đọ chiêu thức thì dễ đả thương người. 5 người các anh đứng lên người tôi, đếm đến 3, nếu tôi không đứng dậy được thì tính là tôi thua”.
Các võ sỹ Nhật Bản nghe nói Tôn Lộc Đường có nội công nên không dám coi thường. 5 người đè chặt Tôn Lộc Đường, ở bên có người đếm: “1, 2”. Số 3 chưa nói ra miệng thì bỗng nhiên 5 người bị bật ra xa hơn một trượng (3 mét). Tôn Lộc Đường đứng dậy bước lên trước, hỏi họ ngã có sao không.
Võ thuật chân chính chính là một loại tu hành
Người hiện đại lý giải rằng trong đấu võ thì đánh bại đối phương, thậm chí đánh đối phương thật thảm hại mới là chân công phu. Thực ra hoàn toàn ngược lại.
Võ thuật truyền thống chân chính chính là một loại tu hành, được dưỡng dục sinh ra từ văn hóa truyền thống. Chữ Võ (武) gồm chữ Chỉ (止 – dừng, ngăn) và chữ Qua (戈 – giáo mác, can qua), nghĩa là Võ là để ngăn chặn can qua, ngăn chặn chiến tranh. Sự phi thường của những cao thủ chân chính luôn luôn được thể hiện ở đạo hạnh đối nhân xử thế trong đời sống hàng ngày.
Thời trẻ, khi Tôn Lộc Đường đi vân du, đến thăm Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, ông đã gặp rất nhiều Đạo sỹ dị nhân, đã truyền thụ cho ông phép tu tâm dưỡng khí. Sau này ở Tứ Xuyên, ông theo một vị cao tăng chuyên nghiên cứu Kinh Dịch mấy tháng. Tôn Lộc Đường văn võ song toàn, không chỉ mở võ quán, dạy võ thuật, ông còn có các trước tác võ học như “Hình ý quyền học”, “Bát quái quyền học”, “Thái cực quyền học”, “Quyền ý thuật chân”, “Bát quái kiếm học”… Thư pháp, học vấn và tu dưỡng của ông cũng rất cao, được Từ Thế Xương xuất thân hàn lâm rất ngưỡng mộ.
Từ Thế Xương đã từng đứng ra đảm bảo tiến cử Tôn Lộc Đường làm tri huyện, tri châu. Tôn Lộc Đường nói: “Chí bình sinh không ở quan lộ mà là nâng cao văn hóa võ học”. Do đó, Từ Thế Xương càng kính trọng ông hơn. Mỗi dịp năm mới, hai người đều viết bức chữ tặng cho nhau, thể hiện người quân tử kết giao thanh đạm như nước. Từ Thế Xương hiệu là Thao Trai nên ông đề nghị Tôn Lộc Đường lấy tên hiệu là Hàm Trai, Tôn Lộc Đường vui vẻ tiếp nhận.
Một số võ sư kungfu cao ở Bắc Bình sống rất khó khăn. Tôn Lộc Đường đã giới thiệu công việc cho họ, tiếp tế cuộc sống cho họ. Hễ có võ sư đến nhà ông, Tôn Lộc Đường đều tiếp đãi bằng 2 chay 2 mặn, 4 món 1 canh, khi từ biệt còn tặng một số tiền lộ phí.
Ở thôn Lâm quê nhà Hà Bắc có một thiếu phụ có chồng đi xa mấy năm không trở về nên muốn cải giá. Tôn Lộc Đường nói với thiếu phụ rằng, chồng cô có nhờ ông đem tiền trở về, đồng thời lấy ra 10 đồng bạc Tây đưa cho thiếu phụ. Ông an ủi cô rằng, chồng cô sẽ sớm trở về. Cuối năm đó, quả nhiên người chồng trở về. Bấy giờ, thiếu phụ mới biết chồng mình hoàn toàn không quen biết Tôn Lộc Đường, và càng không có chuyện nhờ Tôn Lộc Đường đem tiền về cho nhà.
Năm 1933, vùng Hoa Bắc xảy ra lũ lụt. Tôn Lộc Đường đã dốc toàn bộ gia tài cứu tế người dân. Tất cả tiền của ông đều gửi ở ngân hàng Trung Quốc nơi em trai Lôi Sư Mặc làm việc, tổng cộng 6 vạn đồng tiền Tây. Tôn Lộc Đường không quản lý chuyện tiền bạc, cũng không biết có bao nhiêu. Lôi Sư Mặc chia số tiền gửi thành 2 phần 5 vạn và 1 vạn. Sổ tiết kiệm 5 vạn giao cho sư mẫu bảo rằng sau này dưỡng lão, còn sổ tiết kiệm 1 vạn đồng Tây giao cho Tôn Lộc Đường. Tôn Lộc Đường rút toàn bộ số tiền đó ra cứu tế.
Tôn Lộc Đường cả đời không nạp thiếp, đối xử với con cái rất cởi mở, chưa bao giờ ép buộc con học võ. Con trai thứ 3 thích tiếng Anh, Tôn Lộc Đường liền để anh thi vào trường chuyên Anh. Sau khi tốt nghiệp, anh ba dạy học ở trường trung học số 4 Thái Thương, dạy ngoại ngữ và võ thuật. Cô con gái thứ 5 từ nhỏ đã thích viết chữ vẽ tranh, Tôn Lộc Đường đã đưa cô đến danh gia Phương Mạn Vân học vẽ. Những năm tuổi già, Tôn Lộc Đường thường gửi ý vịnh chí vào trong thư họa, thích vẽ tranh hoa lan, hoa mai.
Cùng với việc phủ định và phê phán văn hóa truyền thống của “Phong trào văn hóa mới Ngũ Tứ”, người đương thời càng ngày càng không tập trung công sức vào động tác võ thuật. Rất nhiều người ý thức được rằng, võ thuật chân chính phải dựa vào nguồn dinh dưỡng văn hóa truyền thống mới sinh tồn được. Tôn Lộc Đường tuy có nhiều trước tác võ thuật nhưng cũng không khỏi nuối tiếc cảm khái than rằng: “Tôi tuy nói tường tận hết rồi nhưng vẫn lo người hiểu được trong trăm người chỉ có 1, 2. Tôi sợ thuật này sẽ thất truyền”. Thực tế, võ học truyền thống sau thời Tôn Lộc Đường đã suy bại rõ rệt.
Nhất đại tông sư từ võ nhập đạo
Thầy Đạo học của danh nhân giới võ thuật thời Dân quốc Đỗ Tâm Võ là tiên sinh Triệu Bích Trần cho rằng, Tôn Lộc Đường là người tu hành cận đại từ võ nhập Đạo. Người tu hành cận đại vẫn còn không ít, nhưng từ võ nhập Đạo, tu luyện có thành tựu thì chỉ lác đác mấy người. Tôn Lộc Đường về Đạo học, khinh công, võ công thì người cận đại không ai sánh được.
Theo hồi ức của người nhà Tôn Lộc Đường, khoảng trước sau năm Dân quốc thứ 15 (tức năm 1926), một người họ Quan thường đến nhà Tôn Lộc Đường. Hai người tu luyện Đạo công trong phòng, người bên ngoài không được quấy nhiễu. Hơn một năm sau, một hôm người nhà chú Quan đến tìm chú, Tôn Lộc Đường nói: “Không phải tìm nữa, các người không tìm được đâu, ông ấy đã đi rồi”. Trước khi Tôn Lộc Đường qua đời, người nhà khóc lóc, Tôn Lộc Đường nghiêm giọng nói: “Nếu không phải vì các người thì ta đã đi từ lâu rồi, đâu phải kéo dài đến hôm nay mới đi. Các người còn khóc lóc cái gì”.
Cháu của Tôn Lộc Đường là Tôn Bảo An nhớ lại, mỗi khi ở phố có hòa thượng, Đạo sỹ hóa duyên, Tôn Lộc Đường ở trong nhà đã biết trước rồi, liền bảo bọn trẻ đem bánh bao ra phố đợi. Bọn trẻ vừa ra đến phố thì hòa thượng, Đạo sỹ hóa duyên cũng vừa đến, không sớm, không muộn hơn. Mãi cho đến nay, ai cũng không biết Tôn Lộc Đường tại sao biết trước như vậy.
Năm 1933, Tôn Lộc Đường nói với người nhà ngày mình sẽ cưỡi hạc đi. Tôn phu nhân thất kinh vội vàng bảo con gái dẫn Tôn tiên sinh đến bệnh viện nước Đức (nay là bệnh viện Bắc Kinh) để kiểm tra toàn diện sức khỏe. Tôn Lộc Đường cười rằng: “Tôi không bệnh tật gì, đi bệnh viện làm gì. Chỉ là đến lúc đó có Tiên, Phật tiếp dẫn, tôi muốn ngao du thôi”. Người nhà không tin.
Sau khi kiểm tra sức khỏe, bác sỹ người Đức Steve nói: “Tôn tiên sinh không có bất kỳ dấu hiệu vấn đề sức khỏe nào, thân thể còn tốt hơn thanh niên”.
Trở về nhà rồi, Tôn phu nhân vẫn không yên tâm, lại mời danh y Khổng Bá Hoa đến nhà kiểm tra sức khỏe Tôn Lộc Đường. Kết quả là: “Tôn tiên sinh 6 mạch điều hòa, không một tì vết gì. Mạch tượng tốt như thế này, đây là lần đầu tiên tôi gặp”.
Mùa thu năm đó, Tôn Lộc Đường trở về quê nhà Hà Bắc. Hai tuần không ăn, hàng ngày chỉ luyện quyền luyện chữ.
Giờ mão sáng ngày 16 tháng 12 năm 1933, Tôn Lộc Đường nói với người nhà rằng: “Tiên Phật đến tiếp dẫn rồi”. 6 giờ 5 phút, Tôn Lộc Đường quay mặt về hướng đông nam, lưng quay hướng tây bắc, ngồi ngay ngắn trong nhà, căn dặn người nhà không được khóc lóc đau buồn rồi nói: “Ta coi sống chết như trò chơi thôi”. Nói rồi liền ra đi.
Sau khi Tôn Lộc Đường rời thế gian, nội các chính phủ Dân quốc và mấy chục đoàn thể võ thuật như Viện võ thuật trung ương, Viện võ thuật Giang Tô, Viện võ thuật Chiết Giang, Viện võ thuật Thượng Hải đã cử hành lễ tế tiên sinh ở rừng Công Đức Lâm ở Thượng Hải.
Danh gia Hình ý, Bát quái Trương Triệu Đông những năm cuối đời đã đánh giá Tôn Lộc Đường rằng: “Với tri thức cả đời ta, người võ công có thể xứng danh Thần minh chí Thánh, đạt đỉnh cao tột bậc thì chỉ có một mình Tôn Lộc Đường mà thôi”.
Danh gia võ thuật Lý Cảnh Lâm thì đánh giá: “Nhìn khắp vòm trời, người có thể tập hợp thành tựu lớn quyền thuật, một mình tạo đỉnh cao tột bậc thì duy chỉ có một mình Tôn Lộc Đường tiên sinh mà thôi”.
Tác giả: Tông Gia Tú (ĐKN)