Cụ ông Tằng Khoa sống ở huyện Hoàng Bì, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc là người con rể hiếu thảo. 34 năm nay, ông đã chăm sóc mẹ vợ bị liệt mà không hề phàn nàn oán thán. Ông là một tấm gương sáng khiến bà con trong làng đều khen ngợi, khâm phục.
Ông Tằng Khoa năm nay 71 tuổi, vóc dáng không cao, ăn mặc giản dị. Ông cười nói với phóng viên, đã nhiều năm như vậy, tôi mỗi ngày bận bịu từ sáng đến tối, làm nhiều một chút thì thân thể khỏe mạnh hơn. Mặc dù căn nhà của ông đã cũ kỹ nhưng được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp. Khi phóng viên tới, ông trầm ngâm kể lại câu chuyện của mẹ vợ mình “Mẹ vợ tôi (năm nay) 102 tuổi rồi, bà ấy sống thọ như vậy cũng là phúc phận của chúng tôi”.
Vợ ông tên Tạ Ngọc Anh. Còn người mẹ hiện tại là mẹ kế của bà (mẹ ruột bà đã mất khi bà Ngọc Anh mới lên 5 tuổi). Khi còn trẻ, nhà ông Tằng Khoa cũng nghèo khó, mãi không tìm được người con gái nguyện ý lấy ông. Sau này nhờ họ hàng mai mối, ông lấy được bà Ngọc Anh và đến ở rể tại nhà vợ.
Là con rể, ông Tằng Khoa cố gắng chăm sóc thật tốt bố và mẹ vợ. Bố vợ ông mất năm 2007. Năm mẹ vợ ông 68 tuổi, bà bị ốm liệt giường, mất thị lực. Kể từ đó, ông đã hết lòng phụng dưỡng bà. Tháng 3 năm nay, mẹ vợ bị ngã từ trên giường xuống, ông Tằng Khoa hết sức lo lắng, gọi điện thoại cho bác sĩ trong thôn rồi vội vã về nhà. Vì quá lo, nên ông quên mất thẻ bảo hiểm và còn tranh cãi với bác sĩ thôn. Ông Chu Quốc Sinh, giám đốc trung tâm y tế địa phương nói, đó là lần đầu tiên ông thấy ông Tằng Khoa nổi giận.
Ông Tằng Khoa đều nhớ thói quen sinh hoạt của mẹ vợ: Thức ăn phải nấu mềm nhừ một chút, thích ăn thịt mỡ, ăn dưa chuột thì phải gọt vỏ, bởi vì mẹ vợ ngày ngủ nhiều, đêm ngủ ít, nên ông Tằng Khoa thường đặt một ít đồ ăn ở đầu giường cho bà.
Không chỉ hiếu thảo với mẹ vợ mà đối với vợ mình, ông Tằng Khoa cũng cố gắng chăm sóc chu đáo. Bà Ngọc Anh nói: “Tôi kết hôn với ông ấy đã 45 năm. Từ trước tới giờ tôi không phải làm những việc nặng nhọc. (Những việc này) đều do ông ấy gánh vác”.
“Khi chúng tôi còn trẻ, điều kiện sống quá kém, cuộc sống chẳng dễ dàng gì, vợ chồng muốn chung sống thì phải đồng tâm đồng lòng”, bà tâm sự thêm.
Sau khi kết hôn, họ cũng chưa từng sinh con. Bởi vì không có tiền nên ông bà cũng không đến bệnh viện khám. Có nhiều người thân và bạn bè khuyên nhủ ông Tằng Khoa bỏ vợ và lấy người khác, bởi chuyện con cái rất quan trọng. Nhưng ông cho rằng có thể cùng chung sống với vợ là duyên phận, bây giờ bỏ bà ấy cũng không chắc có được cuộc sống tốt hơn. Sau này hai ông bà đã nhận nuôi một bé gái.
Vợ ông lo liệu việc nhà, nuôi gà nuôi ngỗng, làm ruộng trồng rau. Ông làm công nhân đi công trường kiếm tiền lo liệu cuộc sống. Lúc rảnh rỗi ông cũng phụ giúp các việc trong nhà như nấu cơm, giặt giũ, bế con… nhưng đối việc chăm sóc mẹ vợ, ông không hề bê trễ. Bằng cách này, cuộc sống của vợ chồng ông ngày ngày trôi qua, đơn giản và bình yên.
Ông Tằng Khoa còn làm thêm công việc quét dọn trong làng. Tuy chỉ được trả 600 tệ (khoảng 2 triệu) một tháng nhưng ông vẫn làm rất chăm chỉ và tận tâm. Dù thấy người khác xả rác lung tung, ông cũng không quát mắng mà chỉ lặng lẽ đi dọn. Ông dùng chính mình làm tấm gương để nhắc nhở mọi người “Mọi người đều có lúc vô ý, tôi làm việc này thì phải dùng hành động để kêu gọi bà con cùng giữ cho ngôi làng sạch sẽ và gọn gàng”, ông tâm sự.
Đối với nhiều người, chăm sóc người già là việc không dễ dàng, nhưng ông Tằng Khoa đã chăm sóc chu đáo cho mẹ vợ suốt 34 năm, điều này thật đáng khâm phục. Nhiều người trong làng đều lấy tấm gương của ông Tằng Khoa để giáo dục con cháu.
Ông Tằng Khoa không có nhiều tiền của, không có danh vọng hay sự nổi tiếng, tuy nhiên câu chuyện của ông lại chạm đến trái tim rất nhiều người. Ông cho mọi người thấy người có tu dưỡng thật sự không phụ thuộc vào những điều hào nhoáng bên ngoài mà là một trái tim vị tha biết nghĩ cho người khác, một tâm hồn nhân hậu và bao dung.
Theo Ezgoe/ Ảnh chụp màn hình: Ezgoe-Ngọc Mai (biên dịch)