“Tham tửu bất cố nhân, tham sắc bất cố thân thể, tham tài bất cố thân quyến”, câu nói này của cổ nhân tuy ngắn gọn, nhưng lại bao hàm rất nhiều đạo lý làm người.
Con người làm chuyện gì cũng nên có chừng mực, không nên đi sang cực đoan, như vậy mới là người hiểu lý lẽ, cũng là thể hiện của việc có trách nhiệm với bản thân, với người khác.
Bởi vì trên thế giới này có rất nhiều thứ cám dỗ, nếu không biết tự kiềm chế bản thân, nhất mực truy cầu hưởng thụ vật chất để lấp đầy dục vọng, sẽ chỉ khiến bản thân ngày càng bị vùi lấp sâu hơn, tương lai sẽ không thể tự thoát ra được.
Trên đời này, những thứ có sức cám dỗ đến con người nhất chính là rượu, sắc và tài. Nếu một người quá ham mê một hay hai trong ba loại cám dỗ trên, ngày càng đắm chìm sâu vào đó, sẽ mang đến rất nhiều ảnh hưởng xấu cho tương lai. Còn nếu phạm phải cả ba loại dục vọng trên, thì coi như tương lai đã gần như đi đến đường cùng rồi.
Câu nói “Tham tửu bất cố nhân, tham sắc bất cố thân, tham tài bất cố thân quyến” của cổ nhân đã chỉ rõ ra ba loại dục vọng cám dỗ con người, lưu lại để cảnh báo cho hậu nhân.
Tham rượu bất cố nhân
Với người xưa, uống một lượng rượu vừa phải không phải là chuyện xấu, có thể giúp bổ gân và tốt cho máu, khi trời lạnh còn có tác dụng làm ấm người. Với người ngày nay, rượu ban đầu chỉ là dùng để xã giao, rất nhiều hợp đồng với khách hàng thành công được là nhờ sau khi uống một vài chén với đối tác. Tuy nhiên, thói quen này càng ngày càng trở nên tha hóa, người ta không còn chỉ dừng lại ở mức 1,2 chén nữa mà đã phát triển đến mức “rượu chè trác táng”, “chén chú chén anh”…, uống đến mức bị đầu độc trong rượu, không có rượu không làm được việc gì.
Mọi người đều biết rằng nếu uống rượu quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện rượu, thậm chí còn bị ngộ độc, mất cả mạng sống. Tồi tệ nhất là những thói xấu xuất hiện sau khi uống rượu say, vì khi đó ý thức của con người đã bị rượu làm cho mê mờ, sẽ làm ra những ngôn hành cử chỉ không đúng đắn, thậm chí khi cảm xúc bị “ma rượu” khống chế còn làm ra những việc tổn hại đến người khác, “hại mình hại người”.
Do đó, nếu một người không thể kiểm soát bản thân, dễ làm ra những chuyện gây hại cho người khác sau khi uống rượu thì chúng ta tuyệt đối không nên kết giao với kiểu người này.
Tham sắc bất cố thân thể
Con người thường yêu thích những thứ đẹp đẽ. Đối với những người khác giới với nhau cũng vậy, phụ nữ và đàn ông đẹp thường thu hút ánh nhìn của nhiều người. Nhưng nếu một người không thể chống cự được sự cám dỗ của sắc, làm ra những hành vi cử chỉ không đúng đắn, thì sẽ rất khó tránh khỏi hậu họa về sau.
Với những người đắm chìm vào sắc dục, thường không cách nào chống lại được những cám dỗ đến từ những người khác giới, do vậy rất dễ phạm sai lầm. Lâu dần, không chỉ làm tổn hại đến thân thể của bản thân, khiến tinh huyết hao tổn, tinh lực suy kiệt, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình, với người khác; đặc biệt là với những người đã lập gia đình, thì chuyện này lại càng mạng đến hậu quả đáng tiếc hơn.
Trong xã hội hiện nay không thiếu những ví dụ về mặt phụ diện này. Trong đó, có rất nhiều là những người nổi tiếng, “minh tinh màn bạc”, “quan chức cấp cao”…, vì không thể ước thúc bản thân, mà có quan hệ bất chính với người khác giới, phá hoại nhân luân, hạnh phúc gia đình của người khác. Những loại hành vi đồi bại như vậy sau khi được ‘đưa ra ánh sáng’, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công danh, tạo thành vết nhơ vĩnh viễn không thể xoá trên con đường sự nghiệp của họ.
Tham tài bất cố thân nhân
Khổng Tử có câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (ý nói: Người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý). Tiền được xem là một thứ tương đối quan trọng để duy trì cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nhiều người coi đó như là “mục đích sống”. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy vẫn còn rất nhiều thứ quan trọng hơn tiền rất nhiều, một trong những thứ đó chính là tình thân.
Khi một người đắm chìm trong tiền tài, thì rất dễ bị lòng tham lam vô đáy lôi kéo đi, dù chỉ là một chút lợi nhỏ cũng không ngại tranh giành với người thân, hận thù đến già cũng không nhìn mặt nhau.
Tiền tài còn có thể từ từ kiếm được, nhưng nếu vì nó mà mất đi người thân thì đó sẽ là một điều hối tiếc suốt đời. Có những người anh em trong gia đình còn tranh giành tài sản trước mặt cha mẹ mà đánh nhau đến mức “sứt đầu mẻ trán”. Loại hành vi này không những sẽ làm tổn thương cha mẹ, mà mối quan hệ sau này giữa anh em, họ hàng cũng sẽ rạn nứt mà không có cách nào hàn gắn. Vì tiền mà hy sinh cả tình thân, liệu điều đó có đáng hay không?
Câu nói “Tham tửu bất cố nhân, tham sắc bất cố thân thể, tham tài bất cố thân quyến” tuy ngắn gọn nhưng lại bao hàm rất nhiều đạo lý làm người trong đó. Con người nếu có thể không bị cám dỗ bởi ba loại dục vọng trên mới có được một tương lai tươi sáng.
Thu Hà