Cách đây không lâu, cư dân mạng truyền tai nhau một câu chuyện rất thú vị về cụ bà 76 tuổi (bà sinh năm 1944) một mình đi du lịch nước ngoài. Câu chuyện vui vui và truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.
Chủ nhân của tài khoản facebook (xin được giấu tên) kể lại: Tình cờ trong chuyến bay về từ Chiangmai bạn gặp một cụ bà nhà ở Phú Quốc. Thấy gia đình bạn nói tiếng Việt thì bà vui lắm nên đến bắt chuyện. Bà nói mấy ngày nay không được nói tiếng việt vì không gặp người Việt nào cả.
Sau khi nghe bà kể là đi du lịch một mình (bà bay từ Phú Quốc lên Sài Gòn bắt chuyến bay đi Chiangmai, tới Chiangmai bà bắt tàu hoả đi Bangkok chơi 2 ngày sau đó về lại Changmai chơi thêm 2 ngày và giờ về lại Sài Gòn), vợ chồng bạn mắt chữ o mồm chữ a vì quá nể cụ!
Bà nói hồi trẻ khổ quá không được đi đâu chơi vì phải lo cho con cho cháu, giờ già rồi phải quyết đi cho biết. Vậy nên, dù các con phản đối nhưng bà vẫn lén đi, tới nơi rồi mới gọi điện về nhà báo cho con biết tin.
Dù tiếng anh chỉ nói được vài từ thông dụng, lại chưa từng một lần tự ra nước ngoài nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản được quyết tâm của cụ. Từ việc lên mạng đặt vé máy bay, tìm kiếm chỗ đi chơi, đến dùng goole map chỉ đường, cụ đều một mình làm hết.
Cụ hào hứng chia sẻ: “Tuổi trẻ của bà, vì sợ cái này cái kia mà bỏ qua nhiều cơ hội lắm con. Giờ già rồi bà thích đi du lịch thôi, nên quyết tâm để dành tiền để đi; không do dự, sợ sệt cái gì hết. Với lại đi vậy thấy bà già, người ta cũng giúp bà với hướng dẫn bà từ viêc checkin sân bay cho tới làm thủ tục xuất nhập cảnh…”
Quả đúng tuổi tác chỉ là con số. Cụ đã già nhưng tâm hồn và tầm vóc thì không hề già chút nào!
***
Chúng ta có hàng trăm ngàn thứ để sợ. Từ những nỗi sợ cụ thể (như sợ độ cao, sợ tốc độ, sợ bóng tối…) cho đến những nỗi sợ vô hình (như sợ thất bại, sợ cô đơn,…). Dù không phải tất cả chúng đều không tốt nhưng bạn nhất định không được để bất cứ nỗi sợ hãi nào kiểm soát chính mình.
“Karate Kid” là một bộ phim kể về cậu bé người da đen theo mẹ sang Trung Quốc làm việc. Tại đây, cậu gặp vấn đề với một số cậu bé bản xứ và bị chúng bắt nạt. Ban đầu, cậu quyết tâm học võ chỉ để chiến thắng lũ bạn xấu kia. Thế nhưng, đến khi lên võ đài, sau khi qua những vòng đấu loại với nhiều thương tích và đặc biệt gần như không thể sử dụng một chân do bị thương từ vòng trước, cậu bé vẫn nói với mẹ: “Con vẫn muốn lên thi đấu vì con còn sợ. Con không muốn ngày hôm nay kết thúc mà con vẫn còn nỗi sợ này. Dù thắng hay thua, con vẫn phải làm để con không còn sợ nữa…”
Khi còn bé, chúng ta chưa biết gì để sợ. Nhưng khi lớn lên, áp lực càng nhiều, hiểu biết càng cao thì chúng ta lại càng sợ nhiều thứ:
Khi đi học, ta sợ điểm kém vì sẽ bị thầy cô khiển trách và bố mẹ đánh đòn.
Khi ra trường, ta sợ không kiếm được một công việc để có tiền nuôi bản thân.
Khi đi làm, ta sợ bị sa thải, sợ thất bại, sợ bị chê cười, mang tiếng.
Khi về già, ta sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ chết…
Nỗi sợ hãi vây quanh khiến chúng ta gần như không còn được sống là chính mình nữa. Không sợ thứ này thì sợ thứ khác, chẳng ai không có cái để mà sợ. Và rồi nỗi sợ hãi này sẽ đi đến đâu?
Thực ra thì sợ cũng có điểm tốt. Phải sợ thì mới biết là mình còn yếu, mới có động lực để học hỏi và phát triển, miễn đừng cứ sợ mãi mà bước thụt lùi. Sợ hãi không xấu, nhưng luôn sống trong sợ hãi mà không dám làm gì thì là xấu. Nỗi sợ nào cũng đều có thể vượt qua, chỉ cần bạn muốn và đủ quyết tâm.
Các bạn trẻ, chúng ta còn một chặng đường rất dài phía trước; và thực sự thì nếu thất bại, chúng ta cũng chẳng có gì để mất, ngoại trừ thời gian và một chút sức lực (những thứ mà người trẻ luôn có, thậm chí là thừa thãi). Vậy còn điều gì khiến bạn sợ hãi?
Trần Phong (TH)