Lâm Huê Hồ là một tỉ phú lừng danh khắp Sài Gòn – Chợ Lớn trước ngày giải phóng, một đại gia phế liệu, vua ngân hàng không ngai, trùm chủ nợ của các tỉ phú khét tiếng khác. Nhưng Lâm chưa bao giờ nắm trong tay một ngân hàng nào cả.
Xì thẩu là một từ xưa để chỉ những người Hoa thành công trong kinh doanh, Lâm Huê Hồ thời trước năm 1975 được biết đến là một trong những xì thẩu có tiếng tại Sài Gòn. Những năm 1970, Lâm nổi tiếng trong câu so sánh của người Sài Gòn: “Trần Thành, Lý Long Thân chỉ có tiếng nhưng Lâm Huê Hồ lại có miếng”.
CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH “ÔNG TRÙM” PHẾ LIỆU
Sinh năm 1923 tại Phúc Kiến, Trung Quốc, Lâm Huê Hồ sang Việt Nam và cư trú tại khu vực Chợ Lớn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi ấy với hai bàn tay trắng, Lâm chỉ mong kiếm đủ cái ăn. Đến khi lấy vợ, Lâm cũng không biết cha mẹ ở quê hương còn sống hay đã chết để báo tin. Vợ Lâm Huê Hồ, Huỳnh Hương cũng bất hạnh chẳng kém khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Hình ảnh của hai vợ chồng bần hàn, khắc khổ in sâu trong tâm trí của những người biết đến họ thời bấy giờ.
Được nhận vào làm công tại một cơ sở kinh doanh lúa gạo của một người đồng hương, hai vợ chồng bắt đầu kiếm sống và tằn tiện tích cóp. Vài năm sau, vợ chồng Lâm tích lũy được chút vốn có thể mở được một tiệm tạp hóa nhỏ. Nhờ kinh doanh phát đạt, đến năm 1958 vợ chồng Lâm Huê Hồ đã có trong tay chuỗi tạp hóa phủ khắp Chợ Lớn.
Dù cuộc sống đã khá lên nhiều, Lâm Huê Hồ vẫn tiếp tục nghề mua phế liệu, nhưng ông làm chủ chứ không làm vai gánh như hồi mới sang Việt Nam. Với kinh nghiệm sẵn có, Lâm tuyển mộ một đội nhân công giỏi chuyên phân loại, sàng lọc và tân trang phế liệu. Sau khi tân trang như mới nhưng lại có giá rẻ hơn, những món đồ Lâm bán ra rất thu hút dân lao động thu nhập thấp. Cái nghề tuy vất vả nhưng một vốn mười lời giúp Lâm kiếm được không ít.
Tháng 7 năm 1956, Lâm bắt đầu bỏ vốn đánh chuyến hàng phế liệu lớn đầu tiên. Lâm Huê Hồ được một người quen dắt mối đến trung úy Nguyễn Thúc Phụng, chỉ huy trưởng Hải đoàn 24, trú đóng tại Cát Lái, khi ấy đơn vị này cần thanh lý một khối lượng quân dụng khá lớn.
Thoạt đầu, thấy Lâm xuất hiện dáng dấp nghèo nàn, Phụng ra vẻ ngần ngừ. Nhanh nhẹn chìa ra món tiền lót tay hậu hĩnh, Lâm đã khiến viên trung úy đổi ý, bán cho Lâm 30 tấn sắt, 300 kg nhôm và 50 kg đồng phế liệu với giá 40.000 đồng, tương đương với giá một chiếc xe hơi loại tốt bấy giờ. Giao tiền tận tay ngay lúc nhận hàng, Lâm thuê liền ba xe tải loại 6 tấn đến chở về kho.
Đầu xuôi nhưng đuôi chẳng lọt, khi vừa ra đến xa lộ thuộc địa phận Thủ Đức, đoàn xe bị nhân viên thuế quan chặn lại và tịch thu toàn bộ vì không có giấy tờ hợp lệ. Sau hơn 10 ngày bị điều tra, Lâm đành chịu đóng phạt thêm 100.000 đồng mới tránh được ngồi tù vì tội mua bán bất hợp pháp hàng quân dụng.
Sau bài học xương máu, Lâm giao hết công việc điều hành kinh doanh tạp hóa cho vợ còn mình vẫn tiếp tục tìm đường chờ thời cơ dấn thân vào phế liệu quân dụng. Tuy vậy, trong suốt 4 năm tiếp theo, Lâm vẫn chỉ thu mua phế liệu dân dụng và dính hai lần đóng phạt vì tội gian thuế và nhập hàng trái phép. Lúc này Lâm đã được xếp vào hàng triệu phú Sài Gòn với tài khoản ngân hàng lên đến 2 triệu đồng, cùng nhiều tài sản khác gồm nhà và xe.
Tháng 8 năm 1961, Lâm trúng thầu khi hãng tàu kéo SATAV đăng báo thanh lý tàu Algol vì đã quá hạn sử dụng. Nhưng cuối cùng lại bị Giám đốc Nha An ninh quân đội Sài Gòn, gửi yêu cầu bác bỏ kết quả này, với lý do: Tránh hậu quả Lâm Huê Hồ tiếp tục làm ăn phi pháp và có thể sẽ buôn hàng quốc cấm trong tương lai.
Không chịu từ bỏ con cò béo, Lâm Huê Hồ xoay sở tìm người đứng tên khác để tái thầu và còn tìm cách tẩy trắng các tiền sự trong hồ sơ cá nhân. Sau cùng, Lâm không chỉ mua được con tàu nói trên, mà còn trúng thêm 6 con tàu phế liệu cũng của Hãng SATAV. Cho sửa và đem bán ngay với giá khá dễ chịu, nhưng món hời Lâm kiếm được vẫn rất khổng lồ.
Thừa thắng xông lên, ông chủ họ Lâm thường xuyên đi đêm với các nhân vật máu mặt ngành đường sắt qua những khoản lót tay không hề nhỏ, để độc quyền thu mua hầu như tất cả đầu máy, đường ray, tà vẹt, toa xe.
Cũng vào thời điểm này, xì thẩu Lâm lại tiếp tục có món hàng béo bở từ chủ trương tái vũ trang của quân đội Mỹ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng, khi thấy nguồn lợi từ ngành này quá lớn, ông vua vải sợi Lý Long Thân, và thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy đã nhảy vào chia phần.
Ý thức được thế lực ngầm lẫn công khai của hai đối thủ này, xì thẩu Lâm đã khôn khéo xuống nước chịu làm nhà cung cấp nguyên liệu cho cả hai phía để cầu thân.
Lo ngại về lâu về dài nhiều bất trắc có thể xảy ra, Lâm bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực cho vay vốn, một kiểu tín dụng đen, bởi chỉ hoạt động chui và không được cấp phép.
“VUA NGÂN HÀNG” KHÔNG SỞ HỮU MỘT NGÂN HÀNG NÀO
Trước năm 1975, thị trường ngân hàng tại Sài Gòn rất sôi động. Hơn một nửa các chi nhánh là của các ngân hàng nước ngoài. Các hoạt động tín dụng thời bấy giờ không chú trọng nhiều đến cho vay trả góp hoặc mua hàng trả góp. Mọi dịch vụ cho vay nặng lãi thường nằm trong tay những người Chà Và (Ấn Độ).
Hoạt động của giới cho vay này chủ yếu quanh khu vực chợ Bến Thành. Người có nhu cầu thường tìm đến để vay với một lãi suất cắt cổ, 12% mỗi tháng. Nhưng bởi quá ngán ngẩm thủ tục giấy tờ rườm rà và rắc rối ở các ngân hàng, người dân vẫn chấp nhận vay ở mức lãi suất đó.
Nắm bắt được thị trường tiềm năng này, xì thẩu Lâm đã mạnh dạn bước vào kinh doanh tiền tệ nhưng không mở ngân hàng, hoạt động chủ yếu là cho vay, lấy tín chấp làm chính mà không cần tín dụng. Trụ sở cho vay của Lâm đặt tại hai địa chỉ: 70 Trần Chánh Chiếu và 12 Trần Thanh Cần.
Mỗi nơi chỉ có vài nhân viên thư ký và tài phú trực tiếp làm việc với khách hàng. Tuy nhiên khách hàng của Lâm đều là người quen biết hoặc được người có uy tín giới thiệu, nếu không con nợ phải xác thực rõ ràng về địa chỉ, nơi cư trú. Kế đến, ghi vào một cuốn sổ tên họ, số tiền vay và cam kết hoàn trả đúng ngày. Sau đó Lâm Huê Hồ sẽ xét duyệt, người vay ký tên trước mặt ông ta là xong.
Nhiều “đại xì thẩu” tiếng tăm lừng lẫy, như Lý Long Thân, Trần Thành, La Thành Nghệ… đều từng là con nợ của Lâm. Nhưng chỉ riêng các khoản vay của hai nhân vật Lý Long Thân và Trần Thành có lớn đến mấy, Lâm Huê Hồ chỉ tính lãi từ 1 – 1,5%, thậm chí có lúc không lấy lãi. Khách đông, lượng tiền mặt của Lâm ở mỗi trụ sở lúc nào cũng duy trì ở mức 200 triệu.
Lượng tiền khổng lồ như vậy tất cả đều của Lâm Huê Hồ? Xì thẩu họ Lâm tuy giàu nhưng không sẵn tiền đến vậy. Thực tế là một số bà con người Hoa, có tiền nhàn rỗi, thấy được thế lực của Lâm Huê Hồ, đã mang tiền tới gửi với lãi suất chỉ 1%. Ông ta dùng khoản tiền đó cho vay xoay vòng với lãi suất gấp đôi để thu lợi.
Điều quan trọng là ông chủ họ Lâm rất đúng hẹn, không bao giờ trả lãi chậm cho số người này. Hơn thế nữa, Lâm Huê Hồ luôn vui vẻ đáp ứng ngay cả khi họ cần rút vốn nhanh. Không ít người đã tự vay tiền của chính mình, bằng cách ném tiền vào túi phải của Lâm và móc ra từ túi trái. Tất nhiên, có một ít “bạc lẻ” đã được rải ra, lót thành con đường tín dụng giữa hai túi áo của xì thẩu họ Lâm.
“ÔNG VUA KHÔNG NGAI” HẾT THỜI
Sau ngày 30/4/1975, các “ông vua không ngai” đều gấp rút tẩu tán tài sản và vượt biên, Lâm Huê Hồ cũng không ngoại lệ. Lúc này, xì thẩu Lâm còn cầm đầu một đường dây với quy mô lớn, thu tiền của nhiều nhà tỉ phú khác, mua vàng tẩu tán qua Hồng Kông. Hành vi này của Lâm đã tạo nên quốc nạn chảy máu vàng, gây xáo trộn thị trường, làm cho giá vàng vào thời điểm đó tăng nhanh đến chóng mặt.
Khi đánh hơi được rằng Cơ quan An ninh chính quyền mới sẽ sớm phát hiện ra việc làm phi pháp, gây tác hại nghiêm trọng cho đất nước và xã hội của mình, Lâm cùng đồng bọn quyết định vượt biên. Nhưng chậm chân nên ngày 10/9/1975, Lâm Huê Hồ cùng Mã Tuyên, Trần Thanh Hà, Trang Trịnh Nghi, vua xăng dầu Đào Tắc Kinh… và đám tay sai đang tụ tập tại nhà Lâm, chuẩn bị xuống tàu thì bị tóm gọn. Huyền thoại về “vua ngân hàng không có ngân hàng” sụp đổ và kết thúc.
Nguyễn Ánh-Theo Nhịp sống Việt