Câu chuyện của cậu bé hiếu học này đã truyền động lực cho nhiều người.
Bức ảnh “để đời” của cậu bé hiếu học
Cách đây 10 năm, một bức ảnh ghi lại cảnh cậu bé hiếu học đã gây sốt mạng xã hội Trung Quốc. Cụ thể vào ngày 31/8/2014, cậu bé tên Chu Duyệt Dương, lúc đó mới 12 tuổi đang ngồi ăn xin một mình bên đường với tấm bảng nhỏ cùng dòng chữ: “Xin giúp đỡ gia đình gặp khó khăn”. Trước mặt Chu Duyệt Dương có một chiếc hộp gấp nhỏ tự làm với vài tờ tiền giấy bên trong, cùng vài bạn nhỏ đang chăm chú nhìn cậu nhóc hiếu học. Xa xa đối diện là Học viện Đào tạo Nông nghiệp Quảng Châu đang chuẩn bị tổ chức lễ khai giảng.
Điều khiến bức ảnh gây sốt là vì dù trong hoàn cảnh khó khăn song Chu Duyệt Dương vẫn không từ bỏ niềm đam mê học tập với cuốn sách nhỏ đang chăm chú đọc trên tay.
Ngoài cuốn sách Chu Duyệt Dương đang đọc, bên cạnh đó còn có một cuốn sách giáo khoa tiếng Trung mới tinh mà cậu nhóc vừa được trường nhà phát. Dù trường sắp chính thức khai giảng nhưng Duyệt Dương vẫn tranh thủ ngày cuối cùng để đi ra ngoài mưu sinh.
Sau khi tấm hình của Chu Duyệt Dương trở nên nổi tiếng, gia cảnh đáng thương của cậu bé này đã được nhiều người đến tìm hiểu và chia sẻ rộng rãi.
Chu Duyệt Dương sinh ra trong gia đình nghèo có 2 anh em ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cả cha và mẹ cậu nhóc đều là người khuyết tật và kiếm sống bằng nghề ăn xin. May mắn là Chu Duyệt Dương và em trai đều lớn lên khoẻ mạnh và không mắc bệnh tật di truyền.
“Tôi chỉ mong có một đứa con khỏe mạnh, lớn lên có thể đi học và tìm được công việc ổn định. Đừng như chúng tôi, sống bằng cách ăn xin”, Lão Chu (cha của Chu Duyệt Dương) từng nói về ước mơ của đời mình.
Dù kinh tế khó khăn đến đâu, lão Chu vẫn kiên trì phải cho 2 con đến trường. Ngay từ khi còn nhỏ, Chu Duyệt Dương và em trai đều hiểu, con đường của mình trong tương lai sẽ khó khăn hơn những người khác. Tuy nhiên, Chu Duyệt Dương cũng biết rằng, gánh nặng thay đổi vận mệnh cả nhà đều dồn lên vai, do đó cậu tự nhủ không được sợ hãi và cần chăm chỉ học hành.
Khi còn nhỏ, dù cả nhà sống trong căn nhà chật chội nhưng trên tường chưa bao giờ thiếu giấy khen của cậu học trò Chu Duyệt Dương. Ở cấp Tiểu học và THCS, cậu luôn nằm trong top 10 của lớp. Tuy nhiên sang đến bậc THPT, điểm số của Chu Duyệt Dương kém ổn định hơn và ban đầu, cậu chỉ có thể quanh quẩn ở vị trí thứ 40 trong lớp. Để thay đổi tình hình, ngày ngày Chu Duyệt Dương đều dậy trước 6h sáng để học bài và đi ngủ sau 11 đêm. Dần dần, Duyệt Dương lấy lại vị thế ban đầu.
Trong những ngày ôn luyện đại học, để rèn luyện sức khỏe, Duyệt Dương đã mua “vật xa xỉ” duy nhất mà cậu từng có, đó là dây nhảy. “Nhảy dây rất đơn giản và thú vị, và nó còn không chiếm không gian”, Chu Duyệt Dương nói.
Cuộc sống nhiều thay đổi sau 10 năm
Năm 2020, cả nhà vỡ oà sai khi biết tin Chu Duyệt Dương thi đỗ vào Đại học mơ ước với số điểm 607. “Đại học Công nghệ Quảng Đông đã thoả mãn trí tưởng tượng của tôi về Đại học”, cậu bạn Chu Duyệt Dương tự hào chia sẻ.
Tuy nhiên với gia đình 4 người như nhà Chu Duyệt Dương, gánh nặng học phí ở bậc Đại học là không hề đơn giản. May mắn là nhà trường đã quyết định miễn phí cho cậu học trò, đồng thời còn gửi nam sinh khoản trợ cấp 500 NDT/tháng cũng hỗ trợ học tập và tiếp cận các chính sách hỗ trợ khác. “Nhà trường sẽ không bao giờ để một sinh viên bỏ học vì gia đình khó khăn”, đại diện trường Đại học Công nghệ Quảng Đông nhấn mạnh.
Thời điểm mới đỗ Đại học, khi nói về tương lai, Chu Duyệt Dương cho biết trước tiên cậu phải học cách tự lập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình thông qua việc vừa học vừa làm và nhiều phương thức khác. Bên cạnh đó, cậu cũng dự định sẽ thi tuyển sinh sau Đại học và tiếp tục học tập để trở thành người có ích cho xã hội, có thể đóng góp cho đất nước.
10 năm sau, cậu bé ăn xin, ngồi làm bài tập năm nào trước cổng trường đã dùng sự kiên trì của mình để có được tấm vé vào trường Đại học trọng điểm. Vào năm 2024, chàng trai dự kiến sẽ tốt nghiệp và cần suy tính thêm những bước đi trong tương lai.
Chu Duyệt Dương có được tấm vé vào Đại học, cũng là gia đình 4 người có thêm tia hy vọng. Còn nhớ trước khi rời nhà để trở thành tân sinh viên, lão Chu vỗ vai con trai và nói: “Con đã giành được phẩm giá cho gia đình chúng ta bằng nỗ lực của chính mình”.
Nguồn: Sohu-Theo Phụ nữ mới