Theo ước tính mỗi ngày có gần 2 tỷ sản phẩm của Coca-Cola được tiêu thụ trên toàn cầu. Thậm chí, 94% dân số thế giới đều có thể nhận diện logo đỏ trắng của thương hiệu này. Để trở thành tượng đài trong ngành công nghiệp giải khát, thương hiệu này đã trải qua lịch sử hình thành nhiều bước ngoặt.
Từ thuốc chữa đau đầu đến thương hiệu hàng đầu
Asa Griggs Candler thường được biết đến là ông chủ đầu tiên của Coca-Cola. Song thực tế, người đàn ông này không phải là người phát minh ra loại nước uống này. ”Ông tổ” của Coca-Cola chính là dược sĩ John Styth Pemberton, chủ một phòng thí nghiệm và hiệu thuốc tư nhân.
Với mục đích sáng chế ra loại thuốc bình dân có thể chữa được đau đầu, mệt mỏi, Pemberton đã thử nghiệm và pha chế ra một loại siro có màu nâu như cà phê vào năm 1688. Thứ siro này khi pha cùng nước lạnh sẽ có một thức uống giúp người bệnh cảm thấy sảng khoái.
Theo đó, loại thức uống này được chiết xuất từ quả và lá của Kola – một loại cây chỉ có ở rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Sau đó, cái tên Coca-Cola đã được Frank M.Robinson, kế toán trưởng của Pemberton, đặt theo nguồn gốc sinh học nhưng thay chữ “K” bằng chữ “C” cho có vẻ dễ nhìn và quen thuộc hơn.
Khi sáng chế ra loại nước uống này, dược sĩ Pemberton rất tâm đắc. Ông mang tiếp thị khắp mọi nơi, thậm chí cả trong những quán bar. Tuy nhiên khách hàng khi đó chưa tiếp nhận loại đồ uống này vì chúng có màu nâu như một loại thuốc.
Trong một lần tình cờ, một nhân viên quán ”Jacos Pharmacy” đã nhầm lẫn pha siro Coca-Cola với nước soda thay vì nước lạnh thông thường theo công thức của Pemberton. Kể từ đây Coca-Cola mới thực sự là nước giải khát được nhiều người yêu thích.
Giá một ly Coca-Cola lúc ấy chỉ có 5 cent, rẻ hơn nhiều so với các loại nước giải khát lúc ấy vốn 7-8 cent. Loại thức uống này đã thu hút sự chú ý của một vài doanh nghiệp địa phương và một số doanh nhân tìm đến để hợp tác kinh doanh, trong đó có có Asa Griggs Candler.
Là một nhà kinh doanh, Candler đã nhìn ra sức mạnh kì diệu của món nước uống tiềm năng này. Trong khoảng thời gian từ 1888-1891, ông bán hết sản nghiệp để mua lại Coca-Cola. Kể từ 1/5/1889, Asa Griggs Candler hoàn toàn nắm trọn quyền sở hữu nhà máy, công thức cũng như thương hiệu này.
Năm 1892, Candler thành lập công ty Coca-Cola ở Georgia với số vốn khoảng 100.000 USD. Những ngày đầu kinh doanh, thay vì quảng cáo thuốc như trước đây vẫn làm, Candler chuyển sang tập trung giới thiệu Coca-Cola như loại nước giải khát được yêu thích.
Năm 1895, nước giải khát Coca-Cola đã có mặt ở tất cả bang của Mỹ. Candler đã thực hiện một chiến dịch giới thiệu sản phẩm lớn chưa từng có vào thời điểm bấy giờ. Ở bất kỳ đâu, Coca-Cola cũng có những đội tiếp thị bán khuyến mại với giá 5 cent – khá rẻ cho một chai nước giải khát vào thời điểm đó.
Đồng thời trên các phương tiện đại chúng và biển quảng cáo, Coca-Cola xuất hiện với tần suất nhiều chưa từng có. Bắt đầu từ số không, ông chủ Asa Candler đã biến Coca-Cola trở thành thứ nước giải khát đáng tự hào của người Mỹ. Nếu như trong năm đầu tiên, Candler chỉ bán được trên 30.000 lít Coca-Cola thì chưa đến 30 năm sau cả tập đoàn đã tiêu thụ được trên 70 triệu lít.
Công thức ”tuyệt mật” trở thành cách thu hút thực khách
Nhiều câu chuyện lưu truyền về việc Coca-Cola lưu giữ và bảo vệ công thức món đồ uống nổi tiếng của mình. Thậm chí công thức ”tuyệt mật” của thương hiệu từng là trung tâm trong nhiều chiến dịch quảng bá sản phẩm của hãng và được xây hẳn một bảo tàng để cất giấu.
Theo đó công thức gốc được viết ra giấy vào năm 1919. Sau đó nó được bảo vệ cẩn thận tại nhà băng ở Atlanta, cho tới khi Coca-cola quyết định khuếch trương “Công thức tuyệt mật” trong chiến dịch tiếp thị của mình. 86 năm sau, công thức này được trưng bày tại một bảo tàng.
Thực tế, công thức chế tạo Coca-Cola đã nhiều lần xuất hiện, thường là những tờ giấy cũ hoặc văn bản cổ. Tuy nhiên, hãng phủ định tất cả những công thức trên, khẳng định tất cả đều là giả, và chỉ có duy nhất một công thức thật.
Hãng cho rằng chỉ 2 người điều hành trong công ty biết về công thức này, mặc dù không ai biết tên cũng như vị trí của họ trong tập đoàn. Thậm chí trong một chiến dịch tiếp thị, Coca-Cola đề cập 2 người này không bao giờ bay trên cùng một chuyến bay.
Nơi cất giữ công thức là một căn hầm được bảo vệ bởi máy quét vân tay, những mật mã được mã hóa và một cánh cửa thép siêu dày. Đằng sau cánh cửa đó, sẽ có một chiếc hộp an toàn với nhiều lớp bảo vệ nữa. Và bên trong chiếc hộp này, lại là một hộp sắt được gọi với cái tên “bí mật thương mại được bảo vệ nhiều nhất thế giới”. Và mảnh giấy công thức Coca-cola được để trong đó.
Mark Pendergrast, tác giả của “For God, Country and Coca-Cola” (Tạm dịch: Cho chúa, quốc gia, và Coca-Cola), đây là một cách để tăng doanh số bán hàng thông qua những điều kỳ bí. “Bí mật tạo ra sự tò mò tự nhiên trong bản thân sản phẩm, còn những người uống Coca-Cola luôn muốn biết công thức đó”.
Với Coca-Cola, họ cũng chẳng hề lo sợ nếu công ty khác biết được công thức này. Người phát ngôn của tập đoàn này từng nói: “Tại sao mọi người phải ra ngoài để mua Yum-Yum, thức uống y hệt Coca-Cola nhưng đắt hơn, trong khi họ có thể mua hàng thật ở bất cứ đâu trên thế giới?”
Tổng hợp–Ảnh: Internet-Theo Trí thức trẻ