Đài Loan vừa khánh thành nhà máy đóng tàu giúp họ có thể đóng những chiếc tàu ngầm mới đầu tiên trong gần 40 năm trở lại đây. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không tránh khỏi cảm giác tức giận và lo ngại.
Hồi tháng Năm vừa rồi, Nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-wen đã công bố một mô hình chiếc tàu ngầm mini nguyên bản tự chế đầu tiên của Đài Loan trong lễ khánh thành nhà máy đóng tàu ở Kaohsiung, hãng tin CNA của Singapore đưa tin.
Phát biểu trong buổi lễ nói trên, bà Tsai cho biết, chính quyền Đài Loan quyết tâm phát triển các hệ thống vũ khí phòng thủ tự chế của riêng mình và đóng những chiếc tàu ngầm tự chế để nâng cao năng lực chiến đấu của Hải quân.
Quân đội Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan hiện đang có trong tay 4 chiếc tàu ngầm. Hai trong số này được mua từ Mỹ vào những năm 1970 trong khi hai chiếc còn lại được mua từ Hà Lan vào những năm 1980. Do áp lực từ Bắc Kinh, Hà Lan không bán thêm cho Đài Loan bất kỳ chiếc tàu ngầm nào kể từ đó, bà Tsai cho hay.
“Vì vậy, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự đóng những chiếc tàu ngầm của riêng mình”, Nhà lãnh đạo Đài Loan nhấn mạnh.
Với nhà máy mới, Đài Loan có thể đóng những chiếc tàu ngầm mới đầu tiên sau gần 40 năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng VLT Đài Loan không cho biết cụ thể khi nào Hải quân Đài Loan mới có thể có được những chiếc tàu ngầm mới.
“Chúng tôi đang bị tụt lại phía sau rất xa. Chúng tôi cần sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Mỹ, Nhật Bản và các nước khác”, Bộ trưởng Quốc phòng VLT Đài Loan Michael Tsai cho biết.
Đối mặt với “sự cấm vận” từ các tập đoàn đóng tàu ngầm lớn ở Châu Âu, chính quyền Đài Loan hồi đầu những năm 2000 đã đàm phán với chính quyền Mỹ để mua các tàu ngầm mới từ Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gây sức ép để buộc Washington không được cung cấp tàu ngầm cho Đài Loan. Vì thế, những nỗ lực của Đài Loan khi đó đã thất bại.
Hiện tại, Đài Loan đã có khả năng đóng tàu ngầm của riêng mình nhưng hòn đảo này cần được giúp đỡ về những công nghệ then chốt như hệ thống ngư lôi, các năng lực chiến đấu.
Nếu Đài Loan có đủ ngân sách cho dự án tham vọng nói trên và không có sự cố nào xảy ra gây cản trở cho nguồn công nghệ nước ngoài thì hòn đảo này có thể sẽ được đón nhận chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên sớm nhất vào năm 2026.
Thông tin trên gây lo ngại cho Trung Quốc bởi nó là một bước đi thêm nữa trong chiến dịch tăng cường sức mạnh quân sự mà chính quyền của bà Tsai đang cấp tập thực hiện.
Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan từng trở nên dịu nhẹ dưới thời Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou khi ông này lên cầm quyền năm 2008 với cương lĩnh củng cố, phát triển các mối quan hệ thương mại và du lịch với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền hồi năm 2016, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Bà Tsai công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ
Bắc Kinh luôn phản đối gay gắt và quyết liệt việc bất kỳ nước nào tăng cường quan hệ với Đài Loan và đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, bởi Bắc Kinh tin rằng điều đó vi phạm chính sách Một Trung Quốc.
Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, Mỹ vẫn có nhiều bước đi thể hiện sự ủng hộ của nước này dành cho VLT Đài Loan. Điều này đã gây thêm sóng gió cho quan hệ Mỹ-Trung.
theo VnMedia