Ông Kudlow mô tả các cuộc đàm phán gần đây giữa hai nước Trung Quốc, Mỹ là “căng thẳng”.
Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cho biết Mỹ và Trung Quốc đã “đến gần” với một thỏa thuận thương mại nhưng chính quyền Mỹ sẵn sàng “bỏ đi” nếu không có được những điều khoản mình mong muốn.
“Tổng thống đã nói nhiều lần rằng nếu thỏa thuận không có lợi, nếu những điều khoản đảm bảo khả năng cản trở hành vi đánh cắp trong tương lai, nếu quy trình thực thi không có lợi, thì ông ấy nói rằng chúng tôi sẽ không tiếp tục. Chúng tôi sẽ bỏ đi”, Kudlow tuyên bố trên CNBC.
Hai cường quốc kinh tế thế giới hiện đang trong quá trình đàm phán để hoàn thiện cái được cho là thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong khi mức thuế 15% áp lên 165 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực từ 15/12 tới. Kudlow cho biết, hai bên đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại.
“Thỏa thuận rất gần. Có lẽ là còn gần hơn hồi giữa tháng 11”, ông Kudlow cho hay, “Thực tế là những cuộc đàm phán mang tính xây dựng, hầu như ngày nào cũng diễn ra. Chúng tôi thực sự đang ở rất gần… Không có hạn chót ngẫu nhiên nhưng thực ra ngày 15/12 vẫn là một mốc rất quan trọng để quyết định áp thuế hay không”.
Kudlow mô tả các cuộc đàm phán gần đây giữa hai nước Trung Quốc, Mỹ là “căng thẳng”.
“Tôi nói là căng thẳng bởi đây là một vấn đề rất quan trọng”, Kudlow nói, “Có rất nhiều thứ đang bị đe dọa ở đây khi anh đi qua các mục khác nhau… Chúng tôi không thể chấp nhận, chúng tôi không thể cho phép bất cứ nước nào, Trung Quốc hay bên nào đi nữa, đánh cắp những đột phá của mình trong công nghệ và quy trình xử lý tiên tiến liên quan tới 5G, dù muốn hay không”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ khẳng định các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đang diễn ra “rất tích cực”. Ông Trump cũng cho biết thêm rằng một khả năng nào đó có thể xảy ra liên quan tới các mức thuế dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng chưa đầy 10 ngày tới, nhưng cũng nói thêm rằng họ vẫn chưa bàn tới vấn đề này.
Trong khi đó, Wall Street Journal cho rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thống nhất về sản lượng hàng hóa nông nghiệp Trung Quốc sẽ mua.
Theo Trí Thức Trẻ