Trước khi nổi tiếng với biệt danh “Cô tiên Sài Gòn”, cuộc sống của cô gái 9X có phần êm đềm, bình lặng.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương (27 tuổi, TP.HCM) là một mạnh thường quân trẻ tuổi, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh thành lân cận. Sinh ra trong một gia đình khá giả, cô gái trẻ có cuộc sống nhung lụa từ bé đúng nghĩa nhưng luôn dành sự quan tâm, ưu ái đến những hoàn cảnh kém may mắn.
Cô gái 9X đã làm quen với công việc từ thiện từ rất sớm. Trục Phương không hề ngại khó, ngại mệt, luôn sẵn sàng dành thời gian, công sức và tiền bạc của bản thân để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã được cư dân mạng ưu ái đặt cho biệt danh thân thương “Cô tiên Sài Gòn”.
“Bông hoa từ thiện” chia sẻ thêm, khi chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa có sức ảnh hưởng thì cô thường tự bỏ tiền túi ra để làm từ thiện. Song ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều MTQ đã tìm đến Trúc Phương để đóng góp hiện kim nhằm cải thiện phần nào cuộc sống của những số phận kém may mắn.
“Ban đầu, mình thường tự bỏ tiền túi ra để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tuy mỗi trường hợp chỉ có vài triệu đồng thôi nhưng nhìn họ hạnh phúc mình cũng thấy vui lây. Sau này khi mình đã có được sự tín nhiệm nhất định thì nguồn tài chính để mình làm từ thiện đến từ sự giúp đỡ của các MTQ và mình chỉ là người gieo duyên giúp họ thôi”, Trúc Phương bộc bạch.
“Cô tiên Sài Gòn” đam mê từ thiện từ năm 14 tuổi
Bắt đầu từ năm 14 tuổi, Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã tiếp xúc với những hoạt động từ thiện đầu tiên thông qua các hội nhóm vì cộng đồng. Khi ấy, cô nàng được giao phó những công việc đơn giản như phát gạo, phát cơm, phát thuốc tại các điểm khám chữa bệnh miễn phí.
Thời điểm đó, Trúc Phương chưa có nhiều nguồn lực để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhưng tận sâu trong tâm khảm cô nàng ý thức được sau này khi lớn lên, bản thân phải làm gì đó để giúp đỡ cộng đồng.
Năm 2010, khi vừa tròn 16 tuổi, Trúc Phương phải tạm gác lại ước mơ làm từ thiện của mình và lên đường sang Úc du học. Sau 9 năm sinh sống, học tập tại nước ngoài, tháng 7/2019, cô nàng chính thức về nước và bắt đầu hành trình giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.
Bước ngoặt lớn nhất trong hành trình giúp đời, giúp người của Trúc Phương chính thức diễn ra vào tháng 8/2020 sau khi cô nàng hỗ trợ 2 trường hợp: tặng chú Hải chạy xe ôm ở quận Tân Bình.
Bên cạnh đó, cô cũng tặng chiếc xe máy mới cùng điện thoại mới để hành nghề và hỗ trợ 80 triệu đồng cho gia đình anh Tâm bị rắn hổ mang cắn nguy kịch ở Tây Ninh. Cũng chính từ thời điểm này, cộng đồng mạng biết đến Trúc Phương nhiều hơn và ưu ái đặt cho cô biệt danh “Cô tiên Sài Gòn”.
Biệt danh mà cộng đồng mạng đặt cho Trúc Phương đã tạo ra nguồn động lực lớn để cô tiếp tục hành trình mang yêu thương đến những người kém may mắn. Xuyên suốt cuộc trao đổi với PV, Trúc Phương luôn dùng giọng điệu hào hứng, hăng say để miêu tả về sự hạnh phúc của bản thân khi nhìn thấy nụ cười những người già neo đơn, những đứa trẻ mồ côi, những hoàn cảnh cơ nhỡ lúc nhận được sự giúp đỡ.
Đối với bất cứ công việc gì cũng đều tồn tại những khó khăn nhất định, đặc biệt, trong từ thiện, mọi hành động đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ người ngoài.
Khi nhận được câu hỏi về những khó khăn bản thân đã gặp trong suốt gần 2 năm làm từ thiện, Trúc Phương tâm sự: “Nói về khó khăn thì chắc chắn không thể nào không có. Điển hình như ban đầu khi chưa có sức ảnh hưởng thì mình bị giới hạn trong vấn đề tài chính, đối với mỗi trường hợp mình chỉ có thể giúp họ được 3-4 triệu đồng thôi. C
òn khi đã có sức ảnh hưởng thì lại có một số cá nhân làm mạo danh số zalo của mình để đi xin tiền. Việc này thì mình lại không thể kiểm soát được nên mình luôn phải đăng bài cảnh báo mọi người trên trang cá nhân và cung cấp thông tin cụ thể để không ai bị mất tiền oan.
Rồi đối với mỗi trường hợp cần giúp đỡ mình phải cân đo đong đếm xem phải giúp họ bao nhiêu, giúp như thế nào. Đặc biệt ở khâu tiền bạc mình phải hết sức cẩn thận vì tiền mình giữ là có phần của những MTQ gần xa”.
Trúc Phương cho biết thêm, so với những khó khăn mà cô gặp phải thì những gì cô nhận lại càng giá trị hơn. Điều đó đơn giản là sự thanh thản trong tâm hồn, sự nhẹ nhõm, hạnh phúc khi biết cuộc sống của người khác trở nên tốt hơn.
Trúc Phương cho biết cô cảm thấy yêu mến công việc từ thiện vì thấy thương và đồng cảm với những người có hoàn cảnh nghèo khó. Phương đặc biệt xúc động khi chứng kiến những ông bà lớn tuổi nhưng vẫn phải bươn chải ngoài đường để kiếm sống qua ngày. Bên cạnh đó, cô mong mọi cá nhân trong xã hội này đều được đối xử tử tế và bình đẳng.
Đây chính là nền tảng giúp Trúc Phương thuyết phục được gia đình đồng ý cho cô theo đuổi đam mê từ thiện.
“Việc mình làm từ thiện ban đầu gia đình không hề ủng hộ vì thấy mình thường xuyên đi nắng và công việc cũng cực nhọc quá. Nhưng khi hiểu được tâm tư mà mình dành cho người già neo đơn và những người có hoàn cảnh kém may mắn thì bố mẹ đã đồng ý để mình tiếp tục hành trình mang những điều tốt đẹp đến cho những người cần sự giúp đỡ”, Trúc Phương chia sẻ về suy nghĩ của gia đình khi cô quyết định gắn bó lâu dài với công việc thiện nguyện.
“Mình mang đến cho họ cần câu thay vì cho hẳn con cá”
“Mang đến cho họ cần câu thay vì đưa hẳn con cá” là quy tắc hoạt động từ thiện mà Trúc Phương tự đặt ra cho chính mình. Cô nàng làm vậy là vì hiểu rõ đối với mỗi hoàn cảnh được mạng xã hội biết đến đều chỉ nhận được sự giúp đỡ trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi bước đến thời kỳ bị lãng quên, nếu họ không có sự cần cù, không có công cụ để tự lực gánh sinh thì có bao nhiêu tiền bạc đổ vào cũng sẽ cạn kiệt và cuộc sống của họ vẫn cứ mãi bấp bênh, nghèo khó như vậy.
Vào khoảng cuối tháng 3 vừa qua, sau khi nhận được thông tin về hoàn cảnh của 2 ông cháu phải đi xe buýt từ Thủ Đức lên công viên Tao Đàn để xin tiền cho bà ngoại phẫu thuật bướu cổ, Trúc Phương đã nhanh chóng tìm gặp và giúp đỡ họ.
Được biết, người ông trong câu chuyện từng có một thời gian chạy xe ôm công nghệ nhưng sau mùa dịch vừa qua, ông phải bán chiếc xe máy của mình để có tiền mua thuốc cho vợ. Nắm rõ được tình hình, Trúc Phương đã mua tặng 2 ông cháu 1 chiếc xe gắn máy, 1 chiếc điện thoại và kèm theo 30 triệu tiền mặt để hỗ trợ cho việc phẫu thuật của bà ngoại ở nhà.
Trong suốt hơn 2 năm rong ruổi khắp Sài Gòn lẫn các tỉnh thành lân cận để mang đến những giá trị tốt đẹp cho những mảnh đời khó khăn, Trúc Phương luôn cố gắng giữ liên lạc với những người mình đã giúp đỡ. Đặc biệt là đối với những ông bà cụ lớn tuổi, cô nàng vẫn thường xuyên thăm hỏi mỗi tháng.
Trúc Phương có ấn tượng sâu sắc nhất với ông cụ 89 tuổi bán vé số ở cầu Kinh Thanh Đa. Theo như trí nhớ Trúc Phương, vào khoảng giữa năm ngoái, lần đầu tiên cô gặp ông là ông đang sống trong một căn trọ nhỏ tồi tàn, lụp xụp với những vết hoen ố bám đầy trần nhà và những mảng tường cũ kỹ đang dần bong tróc.
Nhà ông không có gì ngoài chiếc võng vắt ngang và hai bộ quần áo cũ. Nhìn thấy điều kiện sống của ông như vậy, Trúc Phương đã ngay lập tức đổi cho ông sang một căn trọ mới và bắt đầu sắm sửa những vật dụng cần thiết trong nhà cho ông.
Thậm chí, cô còn gọi ông cụ với cái danh xưng vô cùng thân thương đó là “ông ngoại”. Và đều đặn mỗi tháng, “cô tiên Sài Gòn” vẫn giữ liên lạc với “ông ngoại”, cô hay lui tới hỏi thăm ông thường xuyên như một người cháu ruột thịt.
Trong xã hội hiện tại, không ít những cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng lòng tin và lòng thương cảm của các MTQ để đầu cơ chuộc lợi, chứng kiến điều này, Trúc Phương cũng thẳng thắn chia sẻ: “Mình nghĩ làm từ thiện phải xuất phát từ tâm và đam mê. Và mình hy vọng những ai có ý nghĩ trục lợi từ việc từ thiện thì nên dừng lại vì mình tin mọi chuyện đều chuyện đều có nhân quả”.
Theo Tổ Quốc