“Tuy nhiên thật ra không phải, mình có thể kiếm tiền được từ rất nhiều cách, nhưng kinh nghiệm đầu tư lại là một câu chuyện khác. Do đó, tôi nghĩ rằng chuyện nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề, mà là cách tiếp cận có đúng hay không”, ông Hưng bày tỏ thêm.
Đó là những lời khuyên của ông Hưng tại tập 3 của The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền). Theo đó, tập 3 đã chứng kiện sự xuất hiện của 3 đội chơi đến từ 3 trường Đại học: Trường Đại học FPT Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với chủ đề “Tinh vân tiết kiệm”, các thí sinh trải qua vòng đầu tiên của chương trình: “Monee Hunter – Săn tiền thưởng”. Cụ thể, các thí sinh sẽ phải cùng nhau giải nghĩa từ khóa xuất hiện tại chương trình này dựa trên 2 tiêu chí: đúng và dễ hiểu. Đội chiến thắng phần diễn giải sẽ nhận được số đạn nhiều nhất để bước sang phần chơi thực tế ảo VR (bắn thiên thạch từ khóa dựa theo câu hỏi). Kết thúc phần chơi, đội nào bắn được nhiều nhất sẽ nhận được giải thưởng 100 triệu Monee, đội nhì 95 triệu Monee, đội ba 90 triệu Monee.
“Lãi suất” chính là từ khóa được chương trình công bố ngay tại vòng thi đầu tiên. Sau khi nhận được từ khoá, các “chiến binh” có thời gian để cùng nhau thảo luận. Với mong muốn phải tối ưu được khái niệm bằng cách diễn giải ngắn gọn cũng như chọn chiến thuật đầy sự thông minh và sáng tạo, cả 3 đội chơi đều có ý chí cạnh tranh, áp đảo các đội chơi còn lại.
Kết thúc các lượt diễn giải từ khoá của 3 đội, Trường Đại học FPT Đà Nẵng được đánh giá có câu trả lời lưu loát nhất nhưng lại không có sự sáng tạo. Trái lại, đội có phần diễn giải dễ hiểu và có sự sáng tạo nhất chính là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, Giám khảo Nguyễn Xuân Quang ( Phó Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét phần tình huống đội Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng: ” Bạn mình vay 100 nghìn, sau đó ta nhận lại tiền gốc và tiền lãi, thì tiền lãi đó chưa phải là lãi suất” . Theo đó, giám khảo Nguyễn Xuân Quang cũng giải thích lãi suất là tỷ lệ phần trăm. Bổ nghĩa thêm cho từ khoá chính, giám khảo Phạm Lưu Hưng giải thích: ” Lãi suất là số tiền chúng ta phải trả, giống như chúng ta đi thuê nhà thì mình phải trả tiền thuê nhà. Khi mình sử dụng vốn của người khác mình cũng phải trả tiền thuê. Và đây là ý khá hay mà trường Đại học Duy Tân nói được “. Kết thúc vòng đầu tiên, Trường Đại học FPT Đà Nẵng và Trường Đại học Duy Tân đứng nhất nhì về mặt nghĩa, tuy nhiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại được cộng thêm điểm sáng tạo nên đã “lội ngược dòng”, trở thành đội chơi nhận được nhiều đạn nhất để bước vào phần chơi thực tế ảo VR.
Ở phần thương thảo để giành ngôi sao trách nhiệm, đội Trường Đại học FPT Đà Nẵng cũng đã hợp tác với Trường Đại học Duy Tân để “tất tay” Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với những lý lẽ về đoàn kết, chung tay góp sức vì cộng đồng và chấp nhận nhận rủi ro chung, Trường Đại học FPT Đà Nẵng và Trường Đại học Duy Tân đã thực hiện chiến lược hợp tác thành công. Như vậy, tại vòng 3 của chương trình, 2 trường này sẽ có thêm manh mối từ ban giám khảo để giải mật mã.
Bước vào vòng thi thứ hai mang tên “Bigbang – Đầu tư giả lập”, chương trình cung cấp một bối cảnh giả định để các đội chơi cùng đánh giá và phân bổ Monee. Với bối cảnh được đưa ra, một hành tinh sung túc nhất duy trì lãi suất cao 5,25% dù thị trường bất động sản tại đây có dấu hiệu bất ổn. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ tại hành tinh này đảo ngược liên tục 10 tháng, sở hữu GDP đạt 7,7% và Lạm phát đạt 10%/năm trong quý gần nhất tại Tinh Vân Tiết Kiệm (thành viên trong Tổ chức Thương mại Vũ trụ, mở ra cơ hội xuất khẩu).
Các đội tiến hành phân bổ tài sản theo bối cảnh của chương trình như sau: Trường Đại học FPT Đà Nẵng phân bổ 20% cho kim loại quý, 25% cổ phiếu cảng biển, 30% lãi suất tiết kiệm và 25% tiền mặt. Tiếp đến, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định đầu tư 15% kim loại quý, 12% cổ phiếu tài chính, 20% cổ phiếu cảng biển, 35% lãi suất tiết kiệm và 13% tiền mặt. Cuối cùng, Trường Đại học Duy Tân công bố mức đầu tư dành 35% cho kim loại quý, 30% cổ phiếu cảng biển, 25% dầu mỏ và 10% tiền mặt, quyết định không đầu tư vào lãi suất tiết kiệm như các đội chơi còn lại.
Đội được Ban giám khảo đánh giá có tư duy mạch lạc, thành công kêu gọi được vốn đầu tư và dẫn đầu vòng thi không ai khác là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đội có tư duy tương đối linh hoạt, xếp ở vị trí thứ 2 là Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Phần thể hiện kêu gọi vốn đầu tư của Trường Đại học Duy Tân chưa thật sự sắc bén nên kết quả là đội đứng cuối cùng ở vòng thi lần này. Sau đó, các đội được đến với đầu tư giả lập trong thời điểm 1 năm. Thị trường sẽ thay đổi dựa trên biến cố mà chương trình đưa ra, cũng như quyết định đầu tư của 100 thành viên còn lại tại trường quay. Nhờ sự linh hoạt và ứng biến trong phân bổ tài sản, trường Đại học FPT Đà Nẵng đã vươn lên dẫn đầu, sở hữu Monee nhiều nhất.
Nhận xét về vòng Đầu tư giả lập, ông Phạm Lưu Hưng nói: ” Trong đầu tư, một trong các sai lầm là mình nghĩ rằng khi có nhiều tiền, tức là mình có nhiều kinh nghiệm và nhiều kiến thức. Tuy nhiên thật ra không phải, mình có thể kiếm tiền được từ rất nhiều cách, nhưng kinh nghiệm đầu tư lại là một câu chuyện khác. Do đó, tôi nghĩ rằng chuyện nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề, mà là cách tiếp cận có đúng hay không” .
Đến với vòng thi cuối mang tên “Black Hole – Hố Đen Vũ Trụ”, v ới câu hỏi “Một nguyên tắc quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân”, các đội chơi đã có phần tranh tài gay cấn. Đáp án chính xác là ‘Kỷ luật’ mang tới chiến thắng cho Đại học Duy Tân trong tập 3 của Vũ trụ đồng tiền.
Diệu Đan–Theo TNV