Trong giao tiếp xã hội, có ba loại thái độ: nhìn xuống, nhìn lên và nhìn ngang. Kẻ nhìn xuống là kẻ ngông, cao cao tại thượng, khinh người; kẻ nhìn lên là kẻ yếu, sợ hãi, tôn thờ người khác, xem thường chính bản thân; kẻ nhìn ngang là bản lĩnh, không tự tin không ngông cuồng, tôn trọng đối phương, cũng là tôn trọng chính mình.
Có một câu nói như này: “Nhân thị tam tiết thảo, bất tri ná tiết hảo”
Ý muốn nói, vận mệnh, lúc xấu lúc tốt, lúc lên voi, khi xuống chó, bất kể là giai đoạn nào cũng đều phải trải qua.
Cuộc đời mỗi người, giống như biển lớn vậy, không thể nào cứ mãi sóng yên biển lặng, cũng thỉnh thoảng sẽ nổi lên mưa to gió bão, hung cát họa phúc luôn song hành, có thuận thì cũng có nghịch cảnh, hơn nữa cả hai luôn xuất hiện xen kẽ song hành cùng nhau.
Phương pháp để sống sao cho tốt cuộc đời này chính là, lúc thuận buồm xuôi gió, đối đãi tốt với người khác; lúc ngược buồm nghịch gió đối xử tốt với chính mình.
01
Lúc thuận buồm xuôi gió, không khoe khoang, là trí tuệ
Con người ta khi đang thuận lợi, hãy nghĩ tới việc đối xử tốt với người khác. Đôi khi, không ngông cuồng, không khoe mẽ, không ra vẻ ta đây, cũng chính là một hình thức đối xử tốt với người khác.
Không khoe khoang, không phải là nói lúc vui thì không được chia sẻ, mà là phải biết lựa lúc lựa thời mà nói, không được vì mình vui vẻ mà khiến người khác phải đau lòng.
Chẳng hạn như khi bạn bè đang gặp khó khăn trong kinh doanh, còn mình thì lại đang được đà phất lên thì lại cứ đi khoe khoang tôi dạo này làm ăn được ra sao, nói vậy chẳng khác nào đang sát muối vào lòng người ta.
Có những người đắc ý tới huênh hoang, sau khi có được thành tựu nào đó, liền tranh thủ mọi cơ hội để khoe khoang thân phận và địa vị hơn người của mình để có được cảm giác thành tựu, sự tự hào trong tâm lý.
Mà không biết rằng một người càng khoe khoang điều gì, là nội tâm càng đang thiếu đi cái đó. Một người tự tin, nhất định là một người khiêm tốn. Lúc thuận buồm xuôi gió, đừng để sự ngạo mạn trở thành ấn tượng của người khác về bạn.
02
Khi thuận buồm xuôi gió, không cậy quyền xúc phạm người, là đạo đức
Gia Cát Lượng nói: “Vật dĩ thân quý nhi tiện nhân”, ý muốn nói đừng vì quyền cao chức trọng mà xem thường người khác.
“Hôm nay tôi cậy quyền cao ngạo với người khác, một ngày nào đó sẽ có người khác cậy quyền ức hiếp tôi.”
Thực ra, đạo đức của một người cao hay thấp, không được quyết định bởi thái độ của người đó đối với cấp trên, với người có chức sắc hay bạn bè, mà bởi việc người đó có luôn luôn đối xử khiêm tốn với người khác hay có tôn trọng những người “thấp hơn mình” hay không.
Một người có đạo đức, sẽ không bao giờ cậy quyền thế ức hiếp người khác, bởi lẽ họ không cần phải “đạp đổ” người khác để nâng cao vị thế của mình.
Có người nói: gặp người nghèo khó, ra vẻ huênh hoang, chính là kẻ hèn mọn, rẻ tiền.
Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình.
03
Lúc ngược buồm nghịch gió, tôn trọng bản thân
Có câu: “Lúc trên người, phải coi người khác là người; khi dưới người, hãy coi mình là người.”
Muốn thay đổi cục diện, vượt qua khó khăn, trước tiên đừng xem thường bản thân mình.
Tự tôn tự trọng, là lòng tốt cơ bản nhất của một người dành cho chính mình.
Trong giao tiếp xã hội, có ba loại thái độ: nhìn xuống, nhìn lên và nhìn ngang.
Kẻ nhìn xuống là kẻ ngông, cao cao tại thượng, khinh người; kẻ nhìn lên là kẻ yếu, sợ hãi, tôn thờ người khác, xem thường chính bản thân; kẻ nhìn ngang là bản lĩnh, không tự tin không ngông cuồng, tôn trọng đối phương, cũng là tôn trọng chính mình.
Chỉ khi bạn tôn trọng chính mình, khi đối mặt với kẻ mạnh, mới không tự ti, thay vào đó là sự ung dung tự tại.
Sống, điều tiên quyết là phải yêu lấy mình, có như vậy thì mới được người khác yêu mến; phải tôn trọng lấy mình, có như vậy, mới được người khác tôn trọng lại.
Một người đến bản thân còn không tôn trọng thì làm sao có thể tôn trọng người khác?
04
Lúc khó khăn, tự hoàn thiện mình, là dũng cảm
Những khó khăn và vấp ngã mà một người trải qua, quyết định độ cao cuộc đời mà anh ta có thể đạt tới.
Khoảng thời gian gặp khó khăn, vừa hay chính là khoảng thời gian gia tăng giá trị bản thân tốt nhất.
Trong khó khăn, hấp thụ lấy kinh nghiệm rồi từ từ trưởng thành.
Có người hỏi đạo trưởng: “Cá chép khi chưa nhảy qua được long môn thì nó làm gì?”
Đạo trưởng đáp: “Nó tu tâm dưỡng tính dưới vực nước lạnh băng.”
Người đó lại hỏi: “Sau khi qua được long môn rồi thì sao?”
Đạo trưởng đáp: “Qua được long môn rồi thì sẽ hóa rồng bay thẳng lên trời.”
Người đó lại hỏi: “Rồi sao nữa?”
Đạo trưởng đáp: “Rồng chuyển mây làm mưa, tưới nhuần cho thiên hạ. Mỗi một người đều có cảnh ngộ riêng, lúc đang tu luyện thì phải chịu được cô đơn, sau khi thành danh rồi thì làm lợi cho thiên hạ. Làm cá hay làm rồng đều không quan trọng, quan trọng là ở môi trường nào và làm những việc gì.”
Sống ở đời, không có nghịch cảnh nào là mãi mãi, chỉ có những người cảm thấy tuyệt vọng, nhụt chí khi gặp khó khăn. Khó khăn, có thể đánh bại hoàn toàn một người, nhưng cũng có thể là cơ hội để thành toàn nên một ai đó.
Cốt lõi của việc bứt phá bản thân trong nghịch cảnh là phải có tinh thần tự hoàn thiện và rèn luyện bản thân, biến nghịch cảnh thành động lực, chứ không phải là suy sụp, thất vọng giữa khó khăn.
Tự cổ chí kim, người nên được việc lớn, không phải là người dũng cảm tiến lên trong mưa gió, thì cũng là người đương đầu được với khó khăn gian khổ.
Bất kể môi trường có khó khăn tới đâu, những người bản lĩnh đều vẫn có thể rõ ràng được mục tiêu của mình, và không ngừng phấn đấu.
Rabindranath Tagore từng nói: “Khó khăn, thiệt thòi mà hôm nay bạn chịu, trách nhiệm mà hôm nay bạn vác, tội lỗi mà hôm nay bạn gánh, đau khổ mà hôm nay bạn nhịn, tới cuối cùng đều sẽ biến thành ánh sáng, soi sáng cho con đường của bạn.”
Vượt qua nghịch cảnh, ắt nhìn thấy ánh sáng.
Theo Như Nguyễn–Trí Thức Trẻ