Việc có nặng thì lương mới cao, muốn kiếm được nhiều tiền, phải có tinh thần thép.
Hành trình kiếm tiền của tôi, có lẽ, cũng giống với phần lớn mọi người. Thời 18 đôi mươi, vừa học vừa đi làm thêm, kiếm vài đồng để trang trải cuộc sống sinh viên bên cạnh khoản tiền bố mẹ chu cấp.
Đến khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng trầy trật gần 1 năm trời với mức lương “mầm non”, khéo co kéo lắm mới đủ sống trong 1 tháng, chứ chưa bàn tới chuyện tiết kiệm. Những năm sau đó, khi kinh nghiệm làm việc tăng lên, có thêm được những việc phụ ngoài giờ hành chính, thu nhập của tôi mới dần khởi sắc.
Dẫu vậy, tôi cũng chưa bao giờ kiếm được quá 30 triệu/tháng ở độ tuổi 26-27. Phải tới khi bước qua tuổi 30, khi kinh nghiệm làm việc cũng như vòng tròn mối quan hệ công việc tiến lên “một ngưỡng mới”, tôi mới đạt được mức thu nhập cao vượt bậc so với quá khứ. Từ 50 triệu, đến 60-70 triệu và giờ là hơn 100 triệu mỗi tháng, tôi đã bật nhảy một quãng xa.
Bây giờ, ở độ tuổi 35, tôi mới nhận ra hành trình kiếm tiền, tăng thu nhập không đơn thuần là việc chúng ta bán thời gian, bán sức lực của mình. Muốn có mức thu nhập cao vượt trội so với quá khứ của chính bản thân, và so với mặt bằng chung, bạn phải làm được 3 điều này.
1 – Stress đến độ phát khóc nhưng khóc xong, lại bật máy tính làm việc
Để có mức thu nhập lên tới tiền trăm triệu mỗi tháng, tôi vừa duy trì công việc hành chính, vừa điều hành shop bán đồ trang trí cá nhân, vừa làm quản lý vận hành từ xa cho 2 doanh nghiệp nhỏ khác. 9 chữ số “ting ting” vào tài khoản của tôi hàng tháng đến từ 4 công việc, mà gần như không có việc nào là chính, việc nào là phụ, vì chúng áp lực như nhau.
Tôi không phủ nhận bản thân có phần tham lam, khi ôm đồm quá nhiều việc một lúc. Thành thật mà nói, tôi hoàn toàn có thể thuê trợ lý, dành ra khoảng 8-9 triệu/tháng để có người đỡ đần, nhưng vì tiếc tiền nên chọn tự mình làm hết.
Nếu mọi công việc trơn tru, cuộc sống của tôi, dù bận rộn nhưng cũng khá “dễ thở”. Dẫu vậy, thường thì sẽ có 1 trong 4 công việc không được ổn cho lắm, đôi khi, sẽ là 2-3 công việc cùng lúc gặp vấn đề. Nhân viên cửa hàng không trung thực, đồng nghiệp ở công ty gây khó dễ, còn nhân viên từ xa đột nhiên biến mất, không cách nào liên hệ được,… là những vấn đề tôi thường phải đối mặt, xử lý.
Không ít khi, tôi căng thẳng và bế tắc đến mức phát khóc, nhưng khóc xong, vẫn mở máy tính làm việc. Nhiều lần như vậy, tôi cũng dần quen với việc đối mặt với những biến số đột ngột xảy ra trên hành trình kiếm tiền của mình. Tôi ít khóc hơn, mọi sự cuối cùng, cũng chỉ như một hơi thở dài.
2 – Không có nhiều thời gian rảnh rỗi
Một ngày chỉ có 24 giờ. Nếu bạn làm 1 công việc, cứ cho là hết 10 tiếng – bao gồm cả thời gian di chuyển lẫn thời gian OT, bạn vẫn còn 14 tiếng để ăn, ngủ, vui chơi giải trí. Nhưng khi bạn làm tới 4 công việc 1 lúc – như tôi, bạn sẽ nhận ra một sự thật rằng ranh giới giữa thời gian dành cho bản thân, thời gian dành cho các mối quan hệ, hay thời gian ăn ngủ,… gần như không còn tồn tại.
Đôi khi, bạn sẽ phải vừa ăn vừa làm việc, vừa ngồi trên taxi đi tới công ty, vừa xử lý công việc kinh doanh cá nhân. Thậm chí, vừa hẹn hò, vừa làm việc.
Nói cách khác, sẽ chẳng có bất kỳ khoảnh khắc “rảnh tay rỗi việc” nào trong 1 ngày. Đương nhiên, với những người giỏi quản lý, sắp xếp thời gian, câu chuyện có thể sẽ khác đi một chút, nhưng nếu muốn kiếm tiền trăm triệu mỗi tháng chỉ bằng việc lao động trí óc, tôi chắc chắn, rảnh rỗi là thứ quá xa xỉ.
3 – Xung đột nội tâm
Thời còn quanh quẩn ở mức thu nhập 20-30 triệu/tháng, tôi liên tục nghi hoặc bản thân, liệu có phải mình không đủ giỏi và chưa đủ nỗ lực, nên thu nhập mới không thể “bật xa”?
Cho đến khi đạt được mức thu nhập 9 con số, ban đầu, tôi rất lấy làm hãnh diện, coi chuyện làm việc 16-20 tiếng/ngày là niềm vui.
Nhưng sau một khoảng thời gian dài gần như không có ngày nào thực sự thảnh thơi, tôi lại tiếp tục phải đối mặt với một cuộc xung đột nội tâm khác: Nửa muốn làm việc kiếm tiền, nửa muốn dừng lại, thà rằng thu nhập 30-40 triệu thôi mà được ăn ngủ đủ giấc đúng giờ, được rảnh rỗi 2 ngày cuối tuần vẫn hơn.
Tuy nhiên, sau khi thực sự nghỉ ngơi được đúng 1 đêm và 1 buổi sáng, tôi lại chợt nhận ra bản thân không biết làm gì cho hết ngày nếu không làm việc. Vậy là tôi lại lao vào công việc dù trước đó đã báo nghỉ 3 ngày.
Cuộc sống của một người trưởng thành, có lẽ, là những sự xung đột nội tâm xen kẽ như vậy. Khi đã đủ chín chắn, tôi nghĩ người ta sẽ tự khắc bình thường hóa mọi việc. Bình thường hóa những lúc chán chường, bình thường hóa những dòng suy nghĩ đối nhau chan chát, bình thường hóa việc đôi khi chính mình cũng mù mờ chưa chắc chắn về điều bản thân đang hướng tới.
Suy cho cùng, những cuộc xung đột nội tâm vẫn là điều không thể tránh khỏi trên hành trình trưởng thành. Xung đột nội tâm mà kiếm được nhiều tiền, chẳng phải vẫn tốt hơn là xung đột nội tâm khi bản thân quá rảnh rỗi hay sao?”
Theo Ngọc Linh–Phụ Nữ Số