Trong khoảng thời gian từ năm 1888 đến 1890, một người Pháp nhờ thuyết phục được các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà lên ngôi vua, lấy vương hiệu là Marie đệ nhất, đặt tên nước là vương quốc Sedang. Chuyện này không chỉ làm ngỡ ngàng chính quyền Pháp thuộc địa ở Đông Dương mà còn gây náo nhiệt ở châu Âu.
Dù Marie Đệ Nhất đã có thông báo và gửi bản hiến pháp đi các nơi, nhưng Chính phủ thuộc địa Đông Dương không công nhận vương quốc Sedang.
Lúc này bà vợ của Mayréna (Marie Đệ Nhất) ở bên Pháp gửi thư xin chu cấp. Mayréna liền ký đạo dụ ly dị vợ, đồng thời cho con trai và con gái làm hoàng tử và công chúa, nhưng phải ở bên Pháp chứ không được sang Sedang.
Khi Mayréna cạn túi, ông trở về vùng đồng bằng, đi đâu ông cũng xưng mình là vua. Từ đó một số báo ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng nhắc đến ông và vương quốc Sedang.
Gây áp lực yêu cầu Pháp công nhận vương quốc Sedang
Lúc này Anh, Đức, Hà Lan đang mong muốn vào Đông Dương như Pháp. Không được nước Pháp nhìn nhận, Mayréna liền nhân đó tính chuyện gây áp lực, định bán vương quốc Sedang cho người Anh, hoặc để người Anh bỏ tiền đầu tư vào vương quốc Sedang. Vậy là Mayréna quyết định đến Hồng Kông.
Mayréna mượn tiền từ một thợ may người Trung Quốc. Sau đó ông lên con tàu của Đan Mạch đến Hồng Kông, với y phục nhà vua, ngực đầy huy chương.
Tàu cập bến, ông được Thống đốc Anh tiếp kiến, cánh báo chí chụp hình rồi phỏng vấn đăng bài. Nhiều nhân vật ở Hồng Kông tổ chức các buổi tiếp kiến để nghe vua Marie Đệ Nhất nói chuyện về cơ hội đầu tư vào vương quốc Sedang.
Sự việc khiến lãnh sự Pháp là H.Verleye hối hả điện cho Toàn quyền Đông Dương, kể rằng nếu Pháp không công nhận vương quốc Sedang thì người Anh sẽ giúp Sedang bỏ vốn đầu tư, khác thác mỏ vàng, trồng cao su.
Lãnh sự Pháp cũng mở tiệc mời vua Marie Đệ Nhất và năn nỉ ông ta đừng để người Anh mua chuộc. Vua Marie Đệ Nhất còn nói rằng nước Pháp cần phải công nhận vương quốc Sedang, nếu không ông ta sẽ dẫn 10.000 quân tiến đánh vào Bình Định.
Tuy vậy sự việc không kéo dài được lâu. Toàn quyền Đông Dương đánh điện báo cho Lãnh sự Pháp và thống đốc Anh ở Hồng Kông biết rõ lai lịch của Mayréna và nói rõ xứ Sedang chỉ là vùng đất cao nguyên của An Nam được người Pháp bảo hộ chứ không hề có quốc gia nào.
Thống đốc Anh nhận được bức điện thì hoài nghi và không còn mặn mà với vương quốc Sedang. Mayréna liền chuyển sang gặp Lãnh sự Đức, nhưng cũng không được tiếp đón.
Trong khi đó, tờ Le Courrier d’Haiphong đăng nhiều kỳ viết về Mayréna, nên dần dần ở Hồng Kông không còn ai tin Mayréna nữa.
Khi Mayréna đang ở Hồng Kông, thì công sứ Quy Nhơn là Charles Lemire vốn là người ủng hộ Mayréna bị cách chức và thuyên chuyển về Vinh, còn vị công sứ mới quyết liệt phản đối sự hình thành vương quốc Sedang.
Khâm sứ Pháp là Paul Rheinart cũng gửi bức thư nói Mayréna đã lừa gạt người Thượng, và không cho Mayréna trở lại cao nguyên nữa.
Tháng 4/1889, công sứ Guiomar lên Kontum ra lệnh giải tán vương quốc Sedang.
Những cố gắng cuối cùng
Trong lúc Mayréna khó khăn và túng thiếu thì gặp được một lái buôn người Pháp, ông ta vận động người này giúp đỡ mình tiền bạc vì đang tạm trong giai đoạn khó khăn, đồng thời phong cho lái buôn này làm Thủ tướng. Nhờ đó Mayréna có tiền mua vé quay về Pháp.
Tại Paris, Mayréna được một số người giúp đỡ tiền bạc và đều được ông cất nhắc cho chức tước và ban tặng huy chương. Đồng thời ông tổ chức cưới vợ là Marie Julie Rose Lyeuté và phong bà này làm hoàng hậu.
Mayréna muốn chính quyền Pháp công nhận ngôi vua của mình, tuy nhiên cả Tổng thống và Bộ trường Bộ Ngoại giao đều không muốn gặp ông ta. Mayréna nỗ lực xin thuyết trình tại Hàn lâm viện Thuộc địa về vương quốc Sedang nhưng cũng bị từ chối.
Tháng 7/1889, vua Marie Đệ Nhất cùng hoàng hậu và đoàn tùy tùng sang Bỉ. Mayréna ban bố thành lập Triều đình, ký sắc lệnh cho Hoàng hậu được hưởng các quyền hạn như những Hoàng hậu khác ở châu Âu.
Mayréna dùng tiền vay mượn được để thành lập Văn phòng Lãnh sự, trụ sở Bưu chính và phát hành tem thư. Tuy nhiên không lâu sau, Mayréna bỏ rơi hoàng hậu.
Giữa lúc đang nguy khốn thì Mayréna gặp được triệu phú tên Somsy ở Brussels, người này đồng ý giúp ông ta về Sedang để đầu tư và mở mang bờ cõi. Somsy cung cấp vũ khí và tiền cho Mayréna, đổi lại ông ta sẽ được phép khai thác khoáng sản ở Sedang. Mayréna lập tức ký sắc lệnh phong cho triệu phú Somsy làm Quận công.
Triệu phú Somsy chiêu mộ được thêm 5 sĩ quan cùng theo mình đến Sedang. Tháng 2/1890, đoàn người đến Singapore. Mayréna yêu cầu toàn quyền Anh ở đây phải cho nổ 21 phát súng đón tiếp ông ta theo nghi lễ quốc vương nhưng bị từ chối.
Lãnh sự Pháp ở Singapore báo tin cho Toàn quyền Đông Dương biết Mayréna đang trên đường đến Quy Nhơn. Toàn quyền Đông Dương liền cho tàu chiến chặn không cho tàu của Mayréna vào bến Quy Nhơn.
Không về được Sedang, Mayréna ở lại Singapore. Ông tiếp tục cưới một phụ nữ bản xứ và phong làm hoàng hậu. Sau 3 tháng, Mayréna hết tiền, hoàng hậu bỏ trốn, đoàn tùy tùng cũng lần lượt rời đi, chỉ còn một người tên Harold Scott chịu ở lại theo hầu và được phong làm Bộ trưởng hải quân.
Mayréna cùng Harold Scott xuống tàu đến Pulau Tioman, một hòn đảo nhỏ của ngư dân Mã Lai. Tháng 11/1890, Mayréna vào rừng bắn chim thì bị rắn độc cắn và qua đời. Harold Scott liền gửi thư đến Singapore báo tin.
Tờ báo Daily Press ở Singapore có đăng tin rằng: “Một người Pháp tên Marie de Mayréna cư ngụ ở cù lao Tioman vừa bị rắn cắn chết trong Tháng Mười Một.”
Tham khảo thêm sách “Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ Nhất – Quốc vương xứ Sedang”
Trần Hưng