Có thể nói, trong lịch sử xưa nay, chưa có một nhân vật lịch sử nào bị một cái tiếng xấu nặng nề và dai dẳng như Tào Tháo.
“Anh hùng trọng anh hùng”
Dưới ảnh hưởng của tác phẩm nổi tiếng “Tam quốc diễn nghĩa”, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ rằng, Tào Tháo đa nghi, trí trá, tàn bạo hiểm ác như thế thì làm gì có lòng nhân từ, nhưng Tào Tháo vốn dĩ bản chất không phải tàn ác. Ông sẵn sàng nhân từ với cả kẻ thù của mình. Tào Tháo là người có tư tưởng lớn lao, nhìn xa trông rộng.
Trong bữa tiệc rượu nổi tiếng với Lưu Bị, Tào Tháo ví anh hùng như loài rồng: “Lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu mình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sóng“.
Tào Tháo chưa bao giờ xem Lưu Bị là kẻ thù của mình. Trái lại, ông luôn xem người đối địch với mình là một vị anh hùng. Những quân sư của ông như Tuân Úc, Quách Gia nhiều lần giục ông giết Lưu Bị nhưng ông đáp lại họ rằng: “Đây là thời chúng ta cần trọng nhân tài. Ta không thể giết một người để rồi đánh mất lòng tin của muôn dân trăm họ”.
Đến năm 200, trong cuộc chiến với Lưu Bị, Tào Tháo giành chiến thắng. Em kết nghĩa của Lưu Bị là Quan Vũ buộc phải đầu hàng. Tào Tháo đã đối đãi vô cùng trọng hậu với Quan Vũ, tặng ngựa Xích Thố, phong tước hầu cho ông, cứ ba ngày mở một tiệc nhỏ, năm ngày mở một tiệc lớn thết đãi Quan Vũ.
Tuy nhiên, sau khi biết được nơi ở của Lưu Bị, Quan Vũ đã rời bỏ Tào Tháo với lá thư từ quan, lập tức lên đường. Các mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo lại giục ông đuổi theo bắt Quan Vũ. Tào Tháo lại nói: “Ai cũng phải có chủ để thờ. Hãy để ông ấy ra đi!”.
Sau này, khi Quan Vũ bị Đông Ngô đánh bại, bị xử trảm. Đông Ngô mang đầu của Quan Vũ đến tặng Tào Tháo như một món quà chiến thắng. Tào Tháo nhìn thấy thì đau xót vô cùng, sai tạc một thân hình người như thật để Quan Vũ được chôn cất toàn thây. Đó là ân nghĩa cuối cùng tỏ lòng kính trọng một bậc anh hùng.
“Thế nhân đều nói ta là gian hùng nhưng không làm được một kẻ gian hùng như ta“
Tào Tháo là người biết cương nhu đúng lúc, đúng chỗ, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ngay từ buổi đầu, Tào Tháo luôn cố gắng gần gũi với các nhân tài, tướng lĩnh dưới trướng của mình và rất coi trọng ý kiến của thuộc hạ.
Trần Cung ban đầu đi theo Tào Tháo, sau lại chạy theo Lã Bố. Năm 198, Tào Tháo bao vây thành Hạ Phì của Lã Bố, quân Lã Bố tinh thần uể oải. Cả Lã Bố và Trần Cung bị bộ tướng trói lại và dâng cho Tào Tháo.
Sau khi gặp Tào Tháo, Trần Cung không chịu đầu hàng và muốn tìm tới cái chết. Tào Tháo hỏi rằng nếu Trần cung chết thì mẹ già sẽ ra sao. Trần Cung trả lời: “Tôi nghe nói người dùng đức hiếu mà trị thiên hạ thì không sát hại cha mẹ người khác. Mẹ của tôi thế nào, đành nhờ vào Tào công coi sóc vậy”.
Sau đó, Tào Tháo vừa khóc vừa tiễn Trần Cung ra pháp trường. Trần Cung chết, Tào Tháo đã đón người nhà Trần Cung tới phủ mình và đối đãi vô cùng trọng hậu.
Khoan dung mới có thể tìm được người tài trong những kẻ tiểu nhân. Đặc biệt, Tào Tháo có cách dùng người khác lạ so với quan niệm đương thời, đó là chỉ dùng người tài, không câu nệ về xuất thân. Chính vì điều này mà Tào Tháo đã thu hút hàng loạt danh tướng cũng như mưu sĩ hàng đầu Trung Nguyên về dưới trướng.
Sau khi Trương Mạc phản bội Tào Tháo, mẹ, em trai, vợ con Tốt Trạm đều bị Trương Mạc giam giữ. Tào Tháo nói với Tốt Trạm rằng: “Lệnh đường ở chỗ Trương Mạc, ông nên về đó thì hơn”. Tốt Trạm lập tức khấu đầu, thề không có bụng dạ nào khác, điều đó khiến Tháo cảm động rơi nước mắt. Tuy nhiên, Tốt Trạm sau đó lại không giữ lời hứa của mình mà bỏ Tào Tháo chạy theo Trương Mạc, không một lời từ biệt. Khi Lã Bố bị Tào Tháo đánh bại, Tốt Trạm bị Tào Tháo bắt sống, ai cũng nghĩ rằng phen này Tốt Trạm chết chắc. Không ngờ Tào Tháo chỉ nói một câu: “Tận hiếu thì khó có thể tận trung! Đây là người mà ta cần” và phong chức cho Tốt Trạm.
Tào Tháo thường được miêu tả với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng trên thực tế ông là con người có trái tim đôn hậu, rộng lượng, vị tha, bao dung.
Trong trận Quan Độ, Tào Tháo phá tan đại quân Viên Thiệu. Thiệu thu tàn quân bỏ chạy qua sông Hoàng Hà, trong lúc vội vã hoảng sợ, công văn giấy tờ bỏ lại hết. Tào Tháo kéo tới, bắt được số công văn đó. Nghe báo cáo của cấp dưới, ông biết trong đống công văn có nhiều thư từ của những người cấp dưới mình từng tư thông với Viên Thiệu. Các thuộc hạ của ông đề nghị nên đối chiếu tên từng người để về Hứa Xương sẽ bắt trị tội. Nhưng Tào Tháo xua tay, ra lệnh hãy đốt cả đi. Mọi người ngạc nhiên hỏi vì sao, ông bảo: Khi Viên Thiệu mạnh, ta yếu, ngay cả ta lo giữ mình còn không xong, huống chi là người khác?
Trả lại sự thật lịch sử về Tào Tháo
Tào Tháo (155 – 220) tự Mạnh Đức, tiểu tự là A Man vốn thuộc dòng dõi Tướng quốc nhà Hán. Do ông cha có công phục vụ nhà Hán trải nhiều đời vua nên đến thời Hán Linh đế, Tào Tháo được giữ chức Kiêu kỵ Hiệu úy trong triều. Ông là người đã đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được con trai truy tôn là Thái Tổ Vũ Hoàng đế.
Những quan niệm về Tào Tháo phần lớn chịu ảnh hưởng từ góc nhìn trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung). Ở đó, Tào Tháo được xây dựng như một đại gian hùng, đầy mưu mô, quỷ quyệt, có tài nhưng cũng rất độc ác, trí trá, tàn bạo với mưu đồ tranh đoạt quyền lực.
Theo các chính sử như “Ngụy thư” hay “Tam Quốc chí” (Trần Thọ), người ta lại thấy hình ảnh Tào Tháo “cơ trí nhạy bén, ứng biến”, “tài võ hơn người, khó có thể hại, tinh thông sử sách, lại giỏi về binh pháp”. Bên cạnh đó, phẩm chất tốt đẹp của ông còn được thể hiện qua lời nói với Lưu Bị trong một lần uống rượu luận anh hùng: “Anh hùng trong thiên hạ thời này chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi”.
Chính sử Trung Quốc ghi nhận, Tào Tháo là một thiên tài về quân sự, một nhà chính trị gia với tầm nhìn, khả năng lãnh đạo tài tình, hơn người. Hình ảnh của ông được ví như bậc đại trượng phu đầy đủ bao dung và nhẫn nại.
Phải nói rằng, sức mạnh của lòng bao dung là vô hạn. Người có lòng bao dung luôn có cuộc sống rộng mở, có cách nhìn con người đầy trắc ẩn, khi gặp tình huống nào họ cũng sẽ cân nhắc nguyên nhân vì sao người ta rơi vào tình cảnh đó để mà chia sẻ và cảm thông. Tấm lòng đó luôn có một năng lượng cảm hóa lòng người lớn lao. Tào Tháo chính là người có tấm lòng nhân từ, bao dung như thế với thuộc hạ và ngay cả với kẻ thù của chính mình, điều mà ít người có thể làm được.
Người xưa nói: “Có bao dung thì trở nên vĩ đại”. Một người nếu có một cái tâm khoan dung, có thể bao dung những người bất đồng, ý kiến bất đồng, bao dung cả những sai trái, lỗi lầm của người khác, có thể dung nạp những chuyện khó dung nạp trong thiên hạ, thì ắt phải là người vĩ đại.
Thu Hiền