Giám đốc Bùi Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi đã liên kết với công ty Paciffic Hòa Bình giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm dưa chuột Nhật của 100 hộ nông dân trên địa bàn xã.
Nhằm giải quyết những bất ổn như được mùa mất giá, được giá mất mùa, đầu ra không ổn định, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không bền vững trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thanh niên Bùi Thanh Sơn đã thành lập HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Khởi nghiệp từ thất bại
Sinh ra trong một gia đình nhà nông có 4 anh em trai, sau khi tốt nghiệp THPT, Bùi Thanh Sơn đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2007, xuất ngũ trở về địa phương, anh đã chọn cho mình một lối đi riêng với khao khát và quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Chàng trai sinh năm 1985 đã mạo hiểm khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù không được học qua trường lớp đào tạo nào về nông nghiệp.
Vụ xuân 2010, Sơn bắt đầu bằng trồng dưa hấu với diện tích gần 1 ha, đầu tư 40 triệu đồng bằng nguồn vốn của gia đình và vay mượn bạn bè. Do thời tiết nắng nóng gay gắt, đồng ruộng khô hạn, thiếu nước tưới khi dưa đang phát triển, nên dưa héo hết dây và vụ đó bị thua lỗ.
Không nhụt chí, vụ sau, Sơn tiếp tục đầu tư 20 triệu đồng trồng bí và nuôi gà, nhưng lại thất bại. “Quá tam ba bận”, Sơn tạm nghỉ để nghiên cứu kỹ thuật qua báo, đài và mạng internet. Đến năm 2013, Sơn bắt đầu lại bằng việc trồng dưa chuột Nhật trên diện tích 7.000 m2.
Kinh nghiệm từ trước đó và nắm được kỹ thuật canh tác, vụ dưa thành công thu được 15 tấn quả bán qua đầu mối liên kết với công ty Paciffic thu trên 30 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 20 triệu đồng. Đến nay, dưa cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng/1.000 m2.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và kinh nghiệm sản xuất của bản thân, tháng 11/2017, anh Sơn thành lập HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, với 7 thành viên tham gia. HTX có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trong đó vốn cố định 700 triệu đồng.
Tăng cường kết nối
Với mong muốn tận dụng nguồn đất, lao động để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, HTX đã liên kết với công ty Paciffic Hòa Bình theo quy trình khép kín. Theo đó, công ty cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật cho người dân và bao tiêu sản phẩm.
Nếu trước đây, người dân chủ yếu bán qua các đầu mối liên kết với công ty, rất mất thời gian khi thu hái, tập kết và chờ xe đến thu mua thì từ khi HTX đi vào hoạt động, người dân yên tâm về việc tiêu thụ.
Năm 2018, HTX liên kết với gần 100 hộ trong xã trồng dưa chuột Nhật, diện tích 14 ha, sản lượng 50 tấn/ha… HTX thu mua với giá 2.600 đồng/kg. Cơ bản người dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm tốt, sản phẩm thải loại ít.
Thời vụ của dưa chuột là 3 tháng, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, nên HTX chỉ làm 2 vụ dưa/năm, còn lại trồng các cây khác theo thời vụ như vụ xuân trồng bí xanh, vụ đông trồng cà chua, khoai tây, cà rốt, các loại rau màu.
Mô hình trồng dưa chuột Nhật theo chuỗi liên kết của HTX đang đi đúng hướng trong lộ trình tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và trở thành điểm đến tham quan, học tập của nhiều đoàn viên, thanh niên. Bùi Thanh Sơn đã trở thành người truyền cảm hứng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp an toàn cho nhiều bạn trẻ ở địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay HTX chưa có trụ sở, hiện đang mượn địa điểm ở xóm Suối Con, xã Kim Bôi và đặt văn phòng đại diện tại nhà riêng của giám đốc HTX.
Năm 2018, HTX được Phòng Dân tộc hỗ trợ giống và phân bón trị giá trên 200 triệu đồng để phát triển sản xuất. HTX cũng đang làm đơn xin vay vốn phát triển từ Liên minh HTX tỉnh.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Kim Bôi định hướng thực hiện tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trồng, vật nuôi theo các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.
Trong đó, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch. Đây là điều kiện để HTX khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của mình.
Hoàng Lê