Trong một cuộc họp cổ đông, khi được hỏi đâu là khoản đầu tư thông minh giữa thời đại siêu lạm phát như hiện tại, Warren Buffett đã đưa ra câu trả lời bất ngờ.
Trên mạng xã hội có một chủ đề như này: “Một việc mà bạn nhất định phải làm trong mùa hè.”
Điều ước mùa hè năm ngoái của tôi là đi biển, uống nước dừa, kết quả khi kéo xuống phần bình luận để đọc những ý kiến khác, tôi thấy phần lớn lại là những quyết tâm học tập mãnh liệt:
“Mỗi ngày học đúng 10 tiếng đồng hồ. Bởi lẽ mùa hè năm sau, tôi muốn được cầm trong tay giấy báo nhập học nghiên cứu sinh thạc sỹ của Đại học Luật, ung dung tốt nghiệp một cách xuất sắc.”
“Học tập, học tập, học tập, có một nỗi sợ hãi không thể nói ra với thế giới.”
“Chăm chỉ học IELTS và làm việc! Biến đau buồn và tức giận thành động lực, tham gia vào ngành phúc lợi công cộng và nghiêm túc tham gia vào việc cải thiện xã hội.”
“Học đi, nhân lúc thời tiết thuận lợi và tâm trạng tốt, hãy học nghiêm túc hơn một chút. Đừng để mình tuyệt vọng và cuối cùng gục ngã trong mùa đông dài lạnh giá.”
“Học tập, làm giàu cho bản thân, khám phá ra vẻ đẹp của thế giới và để bản thân không đánh mất dũng khí sống.”
“Học, để bản thân vào thời điểm này năm sau cảm ơn bản thân của hiện tại.”
Khi thực tế ngày càng có nhiều yếu tố không thể kiểm soát được, chúng ta cũng dần dần hiểu ra được rằng việc học quan trọng như thế nào.
Tôi đã từng nghĩ sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học, tôi sẽ không còn phải học hành vất vả vào mỗi buổi tối nữa, tôi đã nghĩ rằng mình có thể tạm biệt sách vở khi bước ra khỏi khuôn viên trường học, kết quả là việc học thực sự chỉ mới bắt đầu từ ngày tôi tốt nghiệp.
Thi cử chỉ là nhất thời, còn học tập lại là chuyện cả đời.
Một lần thi cử sẽ phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, một người có nên được thành tựu hay không, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng học tập của anh ta.
Học tập là một kỹ năng thông dụng, nó có thể được sử dụng trong trường học hay làm bài thi, và đồng thời cũng rất có ích trong công việc.
Những người biết cách học thường tìm ra một bộ phương pháp học tập phù hợp với bản thân và áp dụng chúng trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
“Phù hợp với bản thân” là một từ đơn giản nhưng để đạt được thì rất khó. Khổng Tử cách đây hai nghìn năm đã từng chủ trương “dạy theo năng khiếu”, nhưng hầu hết mọi người đều dành cả đời để học theo cách người khác dạy chúng ta.
Ví dụ, “đọc thuộc lòng toàn bộ văn bản”, một số người thích đọc đi đọc lại cho đến khi ghi nhớ được toàn bộ văn bản, trong khi một số người lại vừa đọc vừa hiểu ý nghĩa và logic đằng sau, và họ sẽ ghi nhớ nó một cách tự nhiên.
Sau một vài năm, bạn sẽ thấy rằng trí nhớ được hình thành bởi việc học thuộc lòng trước đây có thể sẽ phai nhòa, trong khi người vừa đọc vừa hiểu sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Nhiều người không nhận ra rằng mô hình giáo dục hay phương pháp học tập mà chúng ta vẫn quen dùng có thể không phù hợp với chúng ta.
Cuốn sách bán chạy nhất của Tâm lý học nhận thức có tên “Make it Stick: The Science of Successful Learning” có nói: các phương pháp học tập lưu hành trên thị trường nói chung là sai, và các phương pháp học tập được công chúng coi là tiêu chuẩn hầu hết đều vô dụng, hầu hết mọi người là “những người học không đủ năng lực”.
Bạn đã bao giờ gặp một người như này chưa? Họ thích ghi chép vào sách và vở, với các dấu được vẽ bằng những chiếc bút nhớ nhiều màu sắc, dày đặc.
Kiểu người này thường được coi là hình mẫu của việc học tập nghiêm túc, nhưng cuốn sách “Make it Stick: The Science of Successful Learning” lại chỉ ra rằng: họ thực ra không thực sự học tập.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn ghi chú quá nhiều và vẽ quá nhiều dòng trong sách, não của bạn sẽ có ảo giác “đã nhớ” và sẽ không ghi nhớ chúng nữa.
Chúng ta nghĩ rằng ghi chép một cách chăm chỉ, lặp đi lặp lại vài lần, rồi đọc lại một vài lần, tưởng như có thể nhớ được, nhưng thực tế không phải vậy.
Bởi lẽ những phương pháp này không thử thách não bộ, chúng không thể đóng vai trò củng cố, và chúng sẽ chỉ khiến ta lầm tưởng rằng mình đã thành thạo nó.
Điều đó có nghĩa là: bạn chỉ đang giả vờ rằng bạn đang rất chăm chỉ!
Vậy thì, đâu mới là phương pháp học tập hiệu quả?
Có một phương pháp học có tên là “dệt lưới”.
Hệ thống kiến thức của một người là một tấm lưới, và quá trình học hỏi chính là quá trình dệt nên tấm lưới ấy.
Khi bạn gặp phải kiến thức và kỹ năng mới, trước tiên hãy tìm xem nó liên quan như thế nào với kiến thức hiện có của bạn.
Ví dụ bạn muốn nhớ rằng thủ đô của Anh là London, không phải Paris.
Để ghi nhớ điều này, bạn có thể nhớ lại sự khác biệt giữa London và Paris mà bạn đã học, một bên là thành phố sương mù, một bên là kinh đô thời trang; một bên có Shakespeare, Dickens, một bên có Hugo, Dumas; một bên là nơi ở của Nữ hoàng Anh, một bên là nơi chế độ quân chủ đã bị xóa bỏ thông qua Cách mạng Pháp…
Sự khác biệt giữa hai thành phố càng nhiều, những ấn tượng khác nhau càng hình thành trong tâm trí bạn, bạn càng ghi nhớ sâu sắc.
Và càng mở rộng thông tin, bạn càng có nhiều cơ hội nhớ lại điểm kiến thức đó. Mỗi khi bạn xem một show thời trang, bạn sẽ nghĩ đến Paris, và khi bạn nhìn thấy tất cả các loại tin tức từ Nữ hoàng Anh, bạn sẽ nghĩ đến London…
Khi bạn tự dệt mạng lưới của mình thật rõ ràng, bố cục tốt, biết mối liên hệ giữa từng điểm kiến thức, bạn sẽ có hệ thống kiến thức cho riêng mình và cũng có thể nhanh chóng thành thạo khi học các kỹ năng mới.
Trong “Bố già” có câu nói rằng: “Người dành nửa giây để nhìn rõ bản chất của sự vật, và người dành cả đời cũng không nhìn rõ được bản chất của sự vật, tất nhiên sẽ có số phận hoàn toàn khác nhau.”
Bản chất là gì? Làm sao để nắm được bản chất?
Trong “Make it Stick: The Science of Successful Learning”, người ta đề xuất rằng tìm ra bản chất là phải suy ngẫm lại và tổng kết nhiều hơn, đồng thời tìm ra những quy luật chung giữa nhiều sự vật.
Cuốn sách nói về một doanh nhân thành đạt. Khi 8 tuổi, anh nhận thấy rằng nhiều người xung quanh anh đều sẽ sử dụng dây thừng trong cuộc sống của họ.
Anh ta đi mua một bó dây thừng lớn, cắt ra và bán từng sợi một, kiếm được một khoản lãi không nhỏ.
Năm 12 tuổi, anh thấy ở thị trấn nơi mình sống không có pháo nên đã dùng số tiền dành dụm được để sang một thị trấn khác mua về, sau đó trở về thị trấn của mình và bán với giá cao hơn, và anh lại kiếm thêm được một món tiền khác.
Khi ấy, anh đúc kết ra được một kinh nghiệm hay còn gọi là quy luật rất quan trọng từ kinh nghiệm kiếm tiền của bản thân, đó là khi bạn cung cấp cho mọi người những thứ họ cần nhưng lại đang thiếu, bạn sẽ kiếm được tiền.
Sau này, anh ấy đã kiếm được rất nhiều tiền, đồng thời cũng rất nhạy bén với những thay đổi của cung và cầu trên thị trường.
Những gì bạn được học trong sách giáo khoa chỉ là một phần nhỏ so với những kiến thức bạn cần trong cuộc sống, còn phần lớn còn lại cần có sự trải nghiệm và tích lũy trong công việc cũng như cuộc sống sau này.
Dù ở độ tuổi nào, khi đi phỏng vấn cho một công việc mới, bạn sẽ được hỏi “Năng lực học tập của bạn như thế nào?”
Hệ thống kiến thức của bạn rộng đến đâu và khả năng học tập của bạn mạnh đến mức nào sẽ quyết định bạn có thể nhanh chóng được nhận vào vị trí đó hay không.
Điểm khác biệt so với ở trường là sau khi đi làm, bạn cần chủ động và kỷ luật hơn trong việc học, không ai đưa sách giáo khoa hay sách tham khảo cho bạn, không ai cho bạn bài tập về nhà và cũng không ai kiên nhẫn giải thích cho bạn, tất cả phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể chủ động học hay biến việc học thành một thói quen hay không.
Tại cuộc họp cổ đông gần đây, Warren Buffett đã được hỏi: “Tôi nên mua cổ phiếu nào trong điều kiện siêu lạm phát như hiện nay?”.
Buffett đáp lại: “Lúc này, điều quan trọng nhất là năng lực cá nhân của bạn, thứ mà người khác muốn giao dịch với bạn chính là khả năng của bạn. Trong thời đại lạm phát, món đầu tư tốt nhất chính là bản thân bạn.”
Thời gian khi bỏ rơi bạn sẽ không nói lời tạm biệt với bạn. Học tập suốt đời và không ngừng cải thiện, thay đổi sẽ giúp bạn có thể đối phó với những cuộc khủng hoảng luôn có khả năng xảy ra, cũng như hình thành khả năng cạnh tranh mà người khác không bao giờ lấy đi được.
Theo Alexx–Trí thức trẻ