Cơ quan này trực thuộc Bộ Hỗ trợ đầu tư mạo hiểm doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc với 1.300 nhân viên, ngân sách hằng năm là 8.000 tỷ won. Xứ mình chưa có thứ này
Để hiểu rõ hơn về KOSME, PV đã phỏng vấn ông Kim Jaeyong – Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh Hàn Quốc tại TP.HCM.
* Ông có thể cho biết cụ thể về các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tiêu biểu của KOSME?
– KOSME thành lập năm 1979, có các chương trình hỗ trợ như hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). KOSME đang hỗ trợ DNVVN tại 31 khu vực, có 24 trung tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại ở nước ngoài (Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Việt Nam…), 17 trường đào tạo doanh nhân trẻ khởi nghiệp, 6 viện đào tạo DNVVN.
Chương trình của các trường đào tạo doanh nhân trẻ khởi nghiệp của KOSME đạt được nhiều thành quả nhất. Trường chọn lọc các doanh nhân dưới 39 tuổi, dưới ba năm sáng lập công ty, đang sở hữu các mặt hàng xuất sắc và sử dụng công nghệ tiên tiến. Trường là nơi tuyển chọn và nuôi dưỡng nhân tài cótinh thần doanh nhân với những ý tưởng và kỹ năng kinh doanh thực thụ. Thông qua trường đào tạo doanh nhân khởi nghiệp trẻ, KOSME đã đào tạo được 1.978 CEO vào nửa cuối năm ngoái. Doanh thu của họ lên tới 1.539,7 tỷ won, có 4.167 quyền sở hữu trí tuệ đã được đăng ký, tạo việc làm cho 4.648 người.
* Vai trò và chức năng của KOSME tại TP.HCM như thế nào, thưa ông?
– KOSME đã thành lập và vận hành Trung tâm Phát triển kinh doanh Hàn Quốc tại nhiều nước để thâm nhập thị trường và giảm gánh nặng ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cung cấp nhiều thông tin địa phương cho loại hình DNVVN, từ đó có thể phát triển thành doanh nghiệp kỳ lân toàn cầu. Trung tâm Phát triển kinh doanh Hàn Quốc tại TP.HCM thành lập năm 2004. Cho đến nay, thông qua Trung tâm, hơn 110 doanh nghiệp Hàn Quốc và khoảng 60 doanh nghiệp trong khu vực đã hoàn thành đầu tư và tham gia sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, từ năm ngoái, chúng tôi hỗ trợ văn phòng mở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc và đang hỗ trợ họ thành lập công ty, tuyển dụng nhân lực. Từ tháng 9/2018 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ 35 doanh nghiệp khởi nghiệp và từ đây đến cuối năm sẽ có chừng ấy doanh nghiệp nữa được hỗ trợ, kết quả đã có hai doanh nghiệp thành lập công ty. Trong sáu tháng qua, số tiền đầu tư khởi nghiệp mà Trung tâm huy động được là 500.000 USD.
* Đánh giá của ông về xu hướng đầu tư vào Việt Nam của DNVVN Hàn Quốc trong những năm gần đây?
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,8% và của 6 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Myanmar) bình quân là 5,4% (dữ liệu của Nielson năm 2018), cao hơn mức trung bình của toàn thế giới (khoảng 3,7%). Như vậy, triển vọng tăng trưởng kinh tế ở các nước Đông Nam Á là rất tích cực. Chúng tôi tin rằng, nếu các DNVVN Hàn Quốc thâm nhập được thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và hợp tác cùng với các công ty địa phương thì sẽ phát triển rất tốt.
* Đầu tư cho các dự án khởi nghiệp khá rủi ro, phải không, thưa ông?
– Tỷ lệ sống sót của các doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc dưới ba năm không quá 38,8%. Tỷ lệ sống sót của doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc dưới 5 năm thậm chí còn tệ hơn, ở mức 27,3%. Nguyên nhân lớn nhất của việc thất bại là các doanh nhân trẻ chuẩn bị chưa đầy đủ về vốn, thị trường, nhân sự, tầm nhìn khi khởi nghiệp. Thị trường ở nước nào cũng vô cùng khắc nghiệt, vậy nhưng vẫn có nhiều người bước chân vào khởi nghiệp chỉ với ý tưởng kinh doanh tốt. Lại cũng có doanh nhân không chịu sửa sai khi biết mình đã đi sai đường trong sản xuất, kinh doanh. Nhiệt tình và đam mê là chưa đủ, bởi muốn khởi nghiệp thành công còn cần kế hoạch tỉ mỉ và chọn đúng thị trường, công nghệ. Các nhà kinh doanh không có công nghệ tiên tiến và sản phẩm không có sự khác biệt thì không bao giờ thành công. Đáng tiếc hơn là có doanh nghiệp đã có sản phẩm hoàn thiện với công nghệ mới nhưng lại thất bại trong việc khai thác thị trường và huy động vốn. Vì thế mà KOSME được thành lập để hỗ trợ đầu tư nhằm làm giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
* Sắp tới, KOSME có những chương trình gì tại Việt Nam?
– KOSME sẽ mở rộng giao lưu với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
* Theo ông, để một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, nhà nước và các quỹ, tổ chức liên quan cần hỗ trợ những gì?
– Người khởi nghiệp mà tự thân vận động thì khó thành công. Do đó, sự giúp đỡ của nhà nước về chính sách thông thoáng, về mặt bằng, về vay vốn với lãi suất thấp cùng với sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư là rất quan trọng. Nếu các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc chẳng hạn có mặt hàng tốt, nhưng đang gặp khó khăn vì không có kiến thức về thị trường Việt Nam, do đó, nếu được các cấp chính quyền giúp đỡ, được các đối tác địa phương ủng hộ thì sẽ thuận lợi. Chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam để thiết lập mối quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo SGDN