Phân tích của TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston dự đoán Indonesia, Việt Nam và Thái Lan sẽ là những thị trường mà ‘Shoppertainment’ phát triển ấn tượng nhất khu vực này.
Cơ hội trị giá hàng nghìn tỷ USD
Mới đây, TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group – BCG) đã công bố báo cáo “Shoppertainment: APAC’s Trillion-Dollar Opportunity” (Tạm dịch: Mua sắm kết hợp giải trí: Cơ hội trị giá hàng nghìn tỷ USD cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương). Đây là báo cáo tổng hợp khảo sát tại các thị trường trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Báo cáo trên dự đoán “Shoppertainment” sẽ là kỷ nguyên tiếp theo của thương mại điện tử. Đây là hình thức thương mại dựa trên nội dung có tính chất giải trí và định hướng người tiêu dùng, đồng thời kết hợp nội dung và cộng đồng nhằm tạo ra những trải nghiệm mua sắm phong phú.
Phân tích của BCG cũng dự đoán Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là các thị trường phát triển ấn tượng nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại 3 thị trường này cùng với Úc, “Shoppertainment” sẽ đạt tốc độ 63% tăng trưởng kép hàng năm trong vòng 3 năm tới, đồng thời tăng gấp 4 lần giá trị thị trường, từ 24 tỷ USD lên 100 tỷ USD.
Theo ông Sameer Singh – Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thói quen mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể trong bối cảnh họ đang sử dụng Internet để tìm kiếm niềm vui. “Họ sẽ nói không với những lời chào hàng và nói có với các trải nghiệm giải trí. Tâm lý này tạo cơ hội để các thương hiệu nắm bắt xu hướng Shoppertainment”.
Không gian nhu cầu của người tiêu dùng
Nghiên cứu định lượng chuyên sâu về hành vi và tập tục của các nhóm văn hóa của BCG đã tìm ra 6 không gian nhu cầu của người tiêu dùng. Các nhóm này là giao điểm của bối cảnh và nhu cầu về chức năng cũng như cảm xúc của người tiêu dùng, và được chia làm 2 nhóm chính.
- Không gian nhu cầu chức năng:chiếm khoảng 60% trong toàn bộ mạng lưới mua và bán, nơi người tiêu dùng giao dịch theo thói quen, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ hiện có mà không cần phải xem xét đến các lựa chọn mới.
- Không gian nhu cầu cảm xúc:chiếm khoảng 40% trong toàn bộ mạng lưới mua và bán, nơi mà sự thay đổi đang diễn ra và người tiêu dùng đang tích cực xem xét các sản phẩm mới, đưa ra các lựa chọn thay đổi thương hiệu.
Nắm bắt được 2 nhóm nhu cầu này, các thương hiệu có thể kết nối với khách hàng hiện có cũng như khách hàng tiềm năng thông qua các nội dung ưu tiên tính giải trí.
Lấy tính giải trí làm cốt lõi của thương mại
Nghiên cứu còn cho thấy người tiêu dùng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang mong đợi các thương hiệu tập trung vào yếu tố giải trí trước khi đưa ra các thông tin thương mại như sản phẩm hay đường dẫn mua hàng. Điều này sẽ dẫn dắt người tiêu dùng từ giai đoạn nhận thức đến giai đoạn chuyển đổi một cách liền mạch hơn.
Một số yếu tố mà các thương hiệu nên chú ý khi nắm bắt xu hướng “Shoppertainment”:
- Yếu tố vui vẻ và giải trí:81% người tham gia khảo sát mong đợi vào nội dung có câu chuyện và ưu tiên tính giáo dục, 76% quan tâm đến các định dạng ưu tiên video.
- Yếu tố tin cậy và tính nguyên bản:71% người tham gia khảo sát cho rằng tính chân thực đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ hấp dẫn của một nội dung.
- Truyền cảm hứng và niềm yêu thích:71% mong đợi các thương hiệu không ép buộc người tiêu dùng phải ra quyết định khi tương tác với họ.
- Xu hướng và cộng đồng:65% người tham gia muốn xem các lời khuyên và đề xuất đáng tin cậy về các thương hiệu ngay trên Internet.
Bà Aparna Bharadwaj, Giám đốc Điều hành và Đối tác, BCG cho biết: “Shoppertainment sẽ mang đến nhiều cơ hội cho thương hiệu, cho phép họ kích hoạt lại niềm yêu thích mua sắm của người tiêu dùng. Việc điều chỉnh chiến lược quảng cáo phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng khi họ đang tìm kiếm những sản phẩm và trải nghiệm mới mẻ, sẽ giúp thương hiệu tạo ra những trải nghiệm trực tuyến phong phú và để lại ấn tượng sâu sắc trên suốt hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Nhờ đó, thương hiệu có thể dễ dàng khai thác được Shoppertainment – cơ hội trị giá hàng nghìn tỷ USD, để thúc đẩy tăng trưởng”.
Mộc Tiên-Theo Tổ quốc