Không phải mức lương hay chế độ đãi ngộ khủng, những buổi gặp gỡ và nói chuyện rất đặc biệt cùng ông chủ Phạm Nhật Vượng mới là lý do khiến nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới liên tục đầu quân về Vingroup.
Tháng 9/2017, chỉ vài ngày sau sự kiện khởi công nhà máy VinFast ở Hải Phòng, trên trang cá nhân của ông Võ Quang Huệ – khi đó vừa rời chức Tổng giám đốc Bosch Việt Nam – đăng thông báo về việc ông sẽ chính thức về đầu quân dưới trướng tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam. Sau sự kiện này, danh sách các lãnh đạo cấp cao của các công ty, viện nghiên cứu thuộc Vingroup ngày càng dài thêm bởi sự góp mặt của một loạt những cái tên Việt và quốc tế nổi danh thế giới.
Lần lượt là James B.Deluca, cựu phó chủ tịch sản xuất và vận hành toàn cầu của GM, Giáo sư đại học Yale Vũ Hà Văn, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, viện sỹ hàn lâm khoa học Nga, Tiến sỹ Bùi Hải Hưng, chuyên gia của Google Deepmind, hay gần đây nhất là cựu lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm Microsoft Trương Quốc Hùng và CEO BSSC Trương Lý Hoàng Phi đều đang nắm giữ vị trí lãnh đạo cốt cán trong các đơn vị kinh doanh, phát triển chiến lược của tập đoàn này.
Với những nhân tài này, mức lương cao, chế độ đãi ngộ khủng không phải là lý do quyết định đưa họ đến với Vingroup. Thay vào đó, việc được trở về cội nguồn, tìm được tiếng nói chung với người có cùng mơ ước là động lực lớn nhất. Đặc biệt hơn, tất cả những động lực đó đều đến từ những buổi gặp gỡ và nói chuyện rất đặc việt với người đứng đầu tập đoàn, ông Phạm Nhật Vượng.
Cựu tổng giám đốc Bosch Việt Nam chia sẻ, lần đầu tiên gặp ông Vượng trong một buổi sáng, họ đã có những trao đổi rất thẳng thắn quanh những nghi vấn về một dự án đầy tham vọng của Vingroup: tạo dựng một công ty sản xuất ô tô made in Vietnam. Với ông Huệ, cuộc gặp là “sự chia sẻ khát vọng tuổi trẻ” giữa hai người đàn ông ở hai thế hệ khác nhau, nhưng cùng chung một đam mê, khiến ông gần như nhận lời ngay lập tức.
“Đó là buổi sáng mà tôi không bao giờ quên được. Về Vingroup đối với tôi là một bất ngờ và là mối duyên của cuộc đời. Vingroup muốn xây dựng thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam, đầu tư rất lớn, đi vào xây dựng nhà máy công nghệ hiện đại 4.0. Đối với tôi, kinh nghiệm 24 năm làm việc trong ngành ô tô thì cái duyên này rất lớn. Cớ gì mà không tham gia? Phải tham gia hết mình!”.
Riêng với James B.Deluca – CEO VinFast – trong thời điểm thực hiện hợp đồng 3 tháng thử sức đầu tiên, khát vọng “biến điều không thể thành có thể” của ông Vượng đã khiến doanh nhân có 37 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô phải kinh ngạc.
Dù trước đó đã chuẩn bị tinh thần cho những tháng ngày nghỉ hưu, vi vu khắp nước Mỹ cùng người bạn đời, ông gần như thay đổi chính bản thân mình để chạy theo guồng quay hối hả của VinFast, trong một kế hoạch được hoạch định ngay trong ngày đầu tiên làm việc, ngay trong buổi họp đầu tiên với chủ tịch Phạm Nhật Vượng mà có lúc ông tự nghi vấn là “nghe như đùa”.
“Cuối cùng, cái điều không thể ấy là chúng tôi đã làm được. 21 tháng cho một nhà máy sản xuất ô tô quy mô lớn ra đời, cùng 3 dòng xe đầy tham vọng. Càng làm việc nhiều với ông Vượng, tôi mới hiểu tính cách của ông ấy là như vậy, nghiêm túc với một kế hoạch gần như không tưởng”.
Khác với ở VinFast, tại các công ty, viện vừa thành lập như Viện Big Data, Vin Hi-tech, VinAI Research hay Vin Brain, thứ kết nối chủ tịch Vingroup với những nhân tài mà ông mời về lại là lòng yêu nước và khát vọng cống hiến di sản mang dấu ấn Việt Nam trên vũ đài quốc tế.
Với GS Vũ Hà Văn, bản thân ông tự cảm thấy “bất ngờ và thấy thú vị khi quyết định nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng về làm giám đốc Viện chỉ vì trùng quan điểm và mong muốn đưa khoa học phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn, người làm nghiên cứu có thu nhập cao hơn”.
Cùng chia sẻ khát khao “muốn thế giới không chỉ biết tới một Việt Nam anh hùng, mà còn là một Việt Nam đẳng cấp”, hay “để người Việt giải bài toán chưa ai trên thế giới từng giải được”, hai chuyên gia của Google Deepmind và Microsoft đều lần lượt ghi tên mình trong đội ngũ của Vingroup sau khi gặp gỡ và nói chuyện với ông Vượng. Ở đó, họ gặp gỡ nhau về tầm nhìn, khát vọng, vượt qua những bài toán về lợi nhuận, để viết hai chữ Việt Nam lên bản đồ trí tuệ thế giới./.
theo Nhịp sống kinh tế