“Là người Việt xa quê ai cũng có lòng tự hào dân tộc, muốn giới thiệu những gì tốt đẹp của đất nước cho bạn bè quốc tế” – Chị Trang Ánh chia sẻ.
Chị Lê Trang Ánh (quê Đà Lạt) sang Philippines năm 1999. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống bán hàng ăn như bánh mì , phở, có bà nội là người gốc Huế và làm bún bò Huế rất ngon… nên khi sang Philippines chị Trang Ánh có tìm hiểu về lĩnh vực này.
Đến năm 2013, chị mở quán bánh mì nhỏ tên là BonBanhmi. Sau 3 năm, chị Ánh nhận thấy các món khác như phở Việt, bún bò Huế, gỏi cuốn cũng rất được ưa chuộng ở Philippines nêm mở thêm Bon Pho&Roll.
“Là người Việt xa quê ai cũng có lòng tự hào dân tộc, muốn giới thiệu những gì tốt đẹp của đất nước cho bạn bè quốc tế. Tôi thấy món Việt là cách giới thiệu thiết thực nhất. Gia đình tôi có nghề bán hàng ăn hơn 15 năm ở Việt Nam và sau khi tham khảo thị trường thì thấy món ăn Việt được người bản xứ rất ưa chuộng.
Ngoài người dân bản xứ thì người Âu, Mỹ tại Philippines cũng biết nhiều về món Việt đặc biệt là bánh mì và phở. Do đó, tôi quyết định mở quán bánh mì trước tiên, sau đó là các món khác”, chị Trang Ánh chia sẻ với Trí Thức Trẻ.
Chị Ánh cho biết, khách hàng chủ yếu của nhà hàng 50% là khách Việt Nam, khoản 30% là khách người Philippines còn lại là khách nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
Giá các món dao động từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100.000 đồng/món. Cụ thể: Bún bò Huế 120.000 đồng/bát (250 peso), bánh mì kẹp thịt 66.000 đồng/ổ, phở 120.000 đồng/bát…
Đến nay, hệ thống bánh mì – phở của chị Trang Ánh đã có 4 điểm bán (2 điểm bánh mì và 2 điểm phở). Chủ chuỗi cho hay, trước dịch mỗi ngày chuỗi của chị đón tầm hơn 300 khách. Trong Covid-19, khách đến trực tiếp ít hơn và chuyển qua đặt online và mang về.
Về trang trí quán, chị Trang Anh mang những hình ảnh rất Việt Nam vào các điểm bán, để người Việt xa quê có cảm giác như đang ở đất nước mình. Còn du khách, sẽ có dịp được biết về món Việt, về những vật dụng rất Việt như thúng, nón lá… ngay tại quán ăn.
Chị Trang Ánh cho biết nguyên liệu chính cho bánh mì chính cho bánh mì được nhập từ Việt Nam. Thợ bánh mì cũng là người Việt Nam.
Phở, bún được làm tại Philippines. Gia vị nấu bún, phở chị nhập từ Việt Nam. Theo chị, gia vị ở Philippines cũng đủ ngon nhưng chị vẫn muốn giữ nguyên vị Việt Nam nên nhập nước mắm, ruốc, tương…
Chị Trang Ánh cho hay, khi đưa món Việt sang nước ngoài, điều thiết yếu là phải giữ được hương vị Việt. Tuy nhiên, thị trường khách rất đa dạng. Người miền Bắc không thích cho đường vào món ăn; người miền Nam thì ngược lại. Người Philippines thích ăn đậm đà trong khi khách đến từ các quốc gia khác lại không thích điều này…. Do đó, khi nấu, chị cùng cộng sự có sự điều chỉnh.
Về chuyện mở rộng, chị Trang Ánh cho biết, chị muốn chăm chút cho thương hiệu trước. Chuyện tìm người Việt trực tiếp làm ở Philippines cũng không dễ nên trước mắt chị chưa tính đến chuyện bán nhượng quyền.
Theo Đỗ Lan–Theo Trí thức trẻ