Chưa từng kinh doanh, chưa biết ngành F&B là gì, chị Hoàng Hiền tự nhận mình là người “chẳng hiểu gì về thế giới bên ngoài”. Thế rồi đến một ngày, chị đưa ra quyết định nghỉ việc tại tập đoàn lớn với mức lương nhiều người mơ ước để bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy gian nan.
Sinh ra trong một gia đình xuất phát điểm làm nông nghiệp, đông anh chị em tại vùng quê nghèo Hưng Yên, chị Hoàng Hiền (SN 1981) luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng không ngừng mới có thể thay đổi cuộc sống, giúp đỡ cha mẹ.
Từ khi còn là cô sinh viên “chân ướt, chân ráo” đặt chân lên Hà Nội, chị đã làm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống và gửi về giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Trải qua những thời điểm khó khăn cùng cực về tài chính, chị càng thêm hiểu sức mạnh của tri thức nên luôn nỗ lực học tập với mong muốn thoát nghèo. Ra trường, chị may mắn được làm việc tại nhiều tập đoàn nước ngoài, trải qua các vị trí khác nhau. Chính môi trường áp lực, cạnh tranh, yêu cầu cao này đã rèn giũa cho chị sự chăm chỉ, bền bỉ cùng tinh thần không ngừng học hỏi.
Cứ nghĩ bản thân sẽ an vị làm công việc văn phòng nhưng không ngờ tới một ngày, vì sự cố nhỏ trong dự án quản lý đã khiến chị nhen nhóm ý định khởi nghiệp. Và chỉ sau thời gian ngắn, chị rời tập đoàn để kinh doanh sản phẩm trong ngành F&B với xuất phát điểm ở con số 0: Không vốn, không kiến thức, không kinh nghiệm, không mối quan hệ.
Bằng sự ham học hỏi, quyết tâm làm tới cùng của chị, Pozaa Tea đã chính thức có tên trên thị trường vào năm 2013, cạnh tranh cùng nhiều thương hiệu nổi bật khác như: ToCo ToCo, Phúc Long, Gong Cha,…
“Chữa cháy” cho dự án, không ngờ nên duyên với ngành F&B
– Trước khi thành lập thương hiệu trà sữa Pozaa Tea, chị từng kinh doanh sản phẩm/dịch vụ trong ngành F&B chưa? Vì sao chị quyết định chọn sản phẩm kinh doanh là trà sữa vào thời điểm đó?
Trước khi thành lập Pozaa Tea, tôi chưa bao giờ kinh doanh hay làm việc trong lĩnh vực F&B. Sau khi ra trường, tôi bén duyên và làm việc tại các tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật Bản và bắt đầu gắn bó với Vingroup (Việt Nam) vào năm 2012. Tôi trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, và được bổ nhiệm làm Quản lý cấp cao với thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, tôi tham gia trực tiếp vào một dự án lớn khai trương trung tâm thương mại Royal City.
Với vai trò trực tiếp quản lý, set-up, triển khai dự án chợ đêm, tái hiện lại phố cổ Hà Nội thu nhỏ trong lòng Royal City. Mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, nhưng đến phút cuối, một sự cố phát sinh, đó là bạn nhân viên có nhiệm vụ bán trà đá nghỉ giữa chừng, tôi không thể điều phối kịp người thay thế. Không còn cách nào khác, tôi cởi bộ vest đang khoác, thay bộ đồ và trở thành cô gái bán trà đá ở lề đường. Người thân, bạn bè còn trêu tôi là cô gái “sáng làm lãnh đạo, tối bán trà đá” nhưng tôi chưa bao giờ thấy ngượng ngùng, ái ngại vì điều đó.
Và thật may mắn, điều này cũng là cái duyên đến với tôi. Buổi tối hôm đó, quán trà đá rất đông khách, đêm muộn kiểm tiền mà tôi vỡ oà trong niềm sung sướng vì không ngờ doanh thu cao như vậy. Chỉ 2 ngày bán hàng là bằng mức lương cả tháng làm quản lý của tôi lúc bấy giờ.
Sau đó, tôi nhận ra, mình có thể góp nhặt những đồng tiền lẻ để làm nên tài sản lớn. Đặc biệt, một điều khiến tôi hạnh phúc, hứng thú là khi đứng bán hàng, tôi được là chính mình. Tôi có cơ hội trò chuyện với mọi người, thời gian làm việc thoải mái. Vì thế, tôi quyết định nghỉ việc, từ bỏ vị trí cấp cao với mức lương nhiều người mơ ước để… bắt đầu một công việc mà chẳng ai ngờ tới.
– Công việc bán trà đá đang phát triển tốt như vậy, tại sao chị rẽ hướng sang kinh doanh trà sữa?
Một điều đặc biệt là người ta bán trà đá ở vỉa hè, còn tôi bán trà đá trong trung tâm thương mại. Chi phí thuê mặt bằng là 33 triệu đồng/tháng. Người thân, bạn bè lo lắng có thể tôi sẽ thất bại, nhưng tôi tự an ủi bản thân: “Nếu chẳng may thất bại thì đi xin việc từ đầu, cùng lắm là làm việc 1 năm để trả hết nợ”. Số vốn ban đầu tôi có 40 triệu đồng, vay thêm người thân, bạn bè được hơn 200 triệu đồng để đầu tư.
Quán trà đá “ăn nên làm ra”, được nhiều khách tới ủng hộ. Ngoài trà đá, tôi còn bán thêm nhiều đồ khác như trà chanh, bánh rán, hướng dương, một vài món ăn vặt,… Trong quá trình trực tiếp bán hàng, tôi liên tục nhận được câu hỏi “Ở đây có bán trà sữa không?”. Các con tôi cũng thường nhắc đến thức uống này với nét mặt hào hứng, còn đòi mẹ nấu cho vào cuối tuần. Tới lúc đó, tôi mới biết trà sữa là gì.
Sau khi đã nấu thành công cho các con, tôi nảy ra suy nghĩ “Sao mình không bán trà sữa để các con được uống mỗi ngày, vừa có đồ uống ngon lại vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn sức khỏe”. Chứ tại thời điểm đó, trà sữa chưa rầm rộ như bây giờ, chưa có nhiều thương hiệu lớn nên an toàn thực phẩm là câu hỏi bỏ ngỏ. Vì vậy, tôi tự nấu trà sữa, trước là để phục vụ gia đình, sau là để kinh doanh, chứ không bán sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường. Tôi không ngừng học hỏi, mày mò trên mạng nhưng các ly trà sữa của tôi vẫn chưa đảm bảo độ thơm ngon, hấp dẫn, chuẩn vị.
Vừa đi vừa mò đường, không ngờ có ngày hái quả ngọt
– Pozaa Tea ra đời trong hoàn cảnh nào, chị có thể giới thiệu đôi chút về đứa con tinh thần của mình được không?
Năm 2013, Pozaa Tea chính thức có tên trên thị trường Việt Nam. Nói về đứa con tinh thần này, tôi chỉ có 2 từ duy nhất là “tự hào”. Tôi tự hào vì mình đã dám theo đuổi ước mơ, dám kinh doanh và dám làm chủ. Tôi tự hào vì đến bây giờ, Pozaa sở hữu hơn 100 chi nhánh tại Việt Nam. Tôi tự hào về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm và lượng khách hàng quen hiện nay. Vì tôi hiểu hành trình 10 năm qua, không dễ gì mà tôi có được những thành tựu đó, không phải khách hàng nào cũng quay lại với Pozaa Tea.
Thứ mà tôi luôn quan niệm là mình cứ cho đi trước, kinh doanh bằng chữ tâm, đặt cái tâm vào từng sản phẩm. Tôi rất biết ơn gia đình, những người đồng đội đã luôn sát cánh kề vai trong lúc khó khăn nhất, làm nên một Pozaa Tea như ngày hôm nay.
– Được biết, chị đã có thời gian sang Đài Loan (Trung Quốc) để nghiên cứu và chắt chiu tinh hoa ẩm thực trong từng ly đồ uống. Vậy vì sao chị lại chọn Đài Loan mà khoông phải là một đất nước khác?
Lý do tôi chọn Đài Loan mà không phải các nước khác vì nơi đây là cái nôi của trà sữa, sản phẩm này đã đi trước mình (Việt Nam – BTV) 30 năm. Ở bên đó nhiều quán trà sữa vô cùng, trà đá của Việt Nam phủ sóng như thế nào thì trà sữa bên đó phủ sóng như thế. Bất kỳ ai trên đường phố đều cầm một ly trà sữa trên tay. Muốn làm tốt điều gì đó thì mình phải tìm và học từ cái gốc nên với tôi, việc sang Đài Loan học hỏi là điều tất yếu.
Tôi chỉ thuê một phiên dịch viên rồi “vừa đi vừa mò đường”, chứ không tìm hiểu trước các thương hiệu. Bởi nếu tìm hiểu trước thì khi sang tới nơi sẽ chỉ tập trung vào những thứ đó, dẫn đến đánh mất cơ hội hợp tác với các thương hiệu khác. Tôi chỉ đặt vé đi, vé về Việt Nam không đặt và quyết tâm ở Đài Loan tới khi nào tìm ra công thức nấu trà sữa phù hợp. Gần như có bao nhiêu chuyên gia, bao nhiêu nhà máy sản xuất, tôi đều tới thăm và hành trình này mất đến 2 tháng.
Các chuyên gia hướng dẫn cho tôi từ những điều cơ bản nhất như mùi vị, màu sắc cho đến cách chọn lá trà ngon và chất lượng. Ở trà sữa, điều tinh hoa nằm ở cốt trà, còn những topping đi kèm như trân châu, pudding chỉ là thứ thêm vào để tạo hứng thú. Nếu trà không ngon, không thơm thì rất khó giữ chân khách. Sang đó, tôi được học nhiều về công thức pha trà, đun trà, ủ trà, tỷ lệ pha bột sữa béo để làm dậy hương vị, đánh bật vị giác. Ngoài ra, các chuyên gia còn là người truyền ngọn lửa đam mê, giúp tôi thêm nỗ lực.
Tôi nhận ra rằng, muốn tạo nên một sản phẩm chất lượng thì các nguyên liệu phải được chọn lựa cẩn thận. Còn muốn để ly trà sữa thơm ngon, mang vị riêng biệt thì người pha chế phải thổi được cái hồn, đặt được cái tâm vào đó. Với Pozaa Tea, một trong những tiêu chí hàng đầu mà tôi hướng đến là chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng, an toàn tuyệt đối với người tiêu dùng.
– Trong 2 tháng ở Đài Loan, chị đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức. Vậy chị đã chắt lọc nguồn thông tin đó ra sao để tạo ra công thức riêng, phù hợp với khẩu vị khách hàng Việt?
Tôi thử các vị trà sữa ở các thương hiệu khác nhau và đánh giá theo trực quan của mình. Mỗi một nơi tới, tôi sẽ tự mua nguyên liệu về, trải nghiệm và chọn lọc cẩn thận. Chẳng hạn mỗi nơi tôi lấy 1-2 nguyên liệu phù hợp, sau đó kết hợp với nhau để tạo nên công thức đồ uống riêng, hợp khẩu vị người Việt.
Pozaa Tea không đơn thuần là thức uống mà còn là một phần ký ức
– Vậy “linh hồn” của Pozaa Tea nằm ở đâu, thưa chị? Vì sao Pozaa Tea vẫn chiếm lĩnh thị trường, được mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích dù lúc đó trên thị trường có nhiều thương hiệu trà sữa nổi bật khác?
Với tôi, với Pozaa Tea, “linh hồn” luôn chất chứa trong từng sản phẩm. Tôi kinh doanh bằng chữ tâm, lấy tình yêu, tín trọng của khách hàng làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Thứ nhất, vì trong ngành hàng trà sữa rất đặc biệt, nếu mình không thay đổi thì mình sẽ thất bại trên thương trường. Trà sữa chủ yếu là dành cho các bạn trẻ – nhóm đối tượng “sành” về đồ ăn, chất lượng và hương vị sản phẩm. Không phải tự nhiên, giới trẻ nghiện trà sữa, cũng không phải tự nhiên mà nhiều cửa hàng trà sữa phát triển như vậy. Nên trước hết, tôi luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Thứ hai là nguyên liệu, có nguyên liệu ngon thì sản phẩm mới chất lượng. Đợt gần đây nhất, bên tôi mới ra mắt các dòng sản phẩm trà ô long. Để có được trà này, tôi đã lặn lội vào từng đồi trà ở Lâm Đồng để tìm nguồn trà ưng ý.
Thứ ba là không ngừng thay đổi. 10 năm xây dựng thương hiệu Pozaa Tea, chúng tôi có nhiều khách hàng trung thành, gắn bó dài lâu. Ngoài cam kết chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tôi cũng không ngừng đổi mới mỗi ngày để cho ra những thức uống thơm ngon, hợp “trend”. Xu hướng các bạn bây giờ rất thích những thứ “trendy” nên tôi phải cập nhật nếu không muốn mất đi lượng lớn khách hàng.
Một giá trị vô cùng quan trọng khi Pozaa Tea hướng tới chính là tình yêu thương. Pozaa Tea gửi tới khách hàng những set trà tự nấu trải nghiệm cùng gia đình tại nhà thêm gắn kết các thành viên với nhau.
– Khâu nguyên liệu đầu vào được chị chú trọng ra sao để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Như tôi đã chia sẻ, giá trị cốt lõi của tôi đến với nghề là chữ tâm và trao giá trị. Vì thế, khâu nguyên liệu đầu vào được tôi đặc biệt chú trọng, được kiểm soát sàng lọc kỹ lưỡng.
Yếu tố đầu tiên: Tôi lựa chọn nguồn cung ứng tin cậy, rõ ràng, uy tín và được kiểm định đảm bảo đầy đủ giấy tờ chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về sức khỏe.
Yếu tố 2: Kiểm tra chất lượng định kỳ, Pozaa Tea thường xuyên kiểm tra chất lượng nguyên liệu từ các nhà cung cấp để đảm bảo nguyên liệu không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, gây hại cho sức khỏe.
Yếu tố 3: Cần bảo quản nguyên liệu đúng cách, điều này sẽ quyết định đến hương vị và chất lượng sản phẩm. Một số điều cần chú ý ở khâu này là điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp được căn chỉnh phù hợp từng giai đoạn để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Yếu tố 4: Sản phẩm được đóng gói theo quy trình khép kín. Pozaa Tea đảm bảo sản phẩm cuối cùng được đóng gói trong bao bì sạch sẽ và vệ sinh để ngăn ngừa ô nhiễm bên ngoài.
Yếu tố 5: Đào tạo nhân viên – Đội ngũ nhân viên được đào tạo về quy trình an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân để đảm bảo họ hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn này trong quá trình làm việc.
Yếu tố 6: Giám sát liên tục, nghĩa là sẽ có 1 bộ phận chuyên giám sát và kiểm tra nội bộ bất ngờ để đảm bảo rằng tất cả các khâu đều tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định và chuẩn quy trình mà Pozaa Tea yêu cầu.
Tất cả những bước kiểm tra chất lượng đều được thực hiện nghiêm ngặt nhằm đảm bảo trà sữa Pozaa Tea luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp về an toàn vệ sinh thực phẩm và mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thưởng thức sản phẩm.
– Dịch COVID-19 có phải là thời điểm khó khăn nhất mà chị và Pozaa Tea khi phải giãn cách xã hội trong nhiều ngày? COVID-19 đem lại cơ hội và thách thức như thế nào, thưa chị?
2-3 năm trước, vào đợt dịch COVID-19 quả là khoảng thời gian khó khăn vô cùng với không chỉ tôi mà tất cả các doanh nghiệp. Có những thời điểm giãn cách đến vài ba tháng, các cửa hàng của tôi phải đồng loạt đóng cửa, hoạt động kinh doanh trì trệ. Có khoảng thời gian, đối tác nhượng quyền tưởng chừng như phải đóng cửa vì không thể duy trì. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn động viên và hỗ trợ để họ vượt qua thách thức này.
Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, tôi vẫn luôn tin như vậy. COVID-19 chính là bài học lớn để tôi tìm ra hướng đi mới. Thời điểm ấy, tôi tập trung đẩy mạnh nhiều hơn trong kinh doanh online: kết nối với các ứng dụng giao hàng, mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube để khách hàng biết đến Pozaa Tea nhiều hơn. Và do giãn cách xã hội nên nhiều chị em phụ nữ lựa chọn set nấu trà sữa để trổ tài, tạo ra thứ uống ngon cho gia đình. Nhờ vậy, công ty gia tăng doanh thu.
– Trải qua 10 năm với hệ thống hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc, theo chị đâu là điều giúp Pozaa Tea giữ chân được khách hàng khi có quá nhiều lựa chọn đối với khách hàng?
Duy trì sự trung thành của khách hàng chính là tình yêu chúng tôi dành cho trà sữa. Đó không chỉ là một sản phẩm, mà là một tinh thần, một phần cuộc sống của chúng tôi. Pozaa Tea luôn tỉ mỉ, đầu tư vào từng cốc trà sữa, từ việc lựa chọn nguyên liệu tiêu chuẩn và an toàn đến quy trình chế biến nghiêm ngặt, và cuối cùng là cách phục vụ khách hàng.
Tình yêu này đã truyền cảm hứng cho toàn bộ đội ngũ Pozaa Tea, và chúng tôi muốn chia sẻ niềm đam mê này với khách hàng. Chúng tôi không chỉ tạo ra trà sữa ngon và an toàn, mà còn tạo ra trải nghiệm, một phần ký ức của khách hàng. Đó là lý do tại sao Pozaa Tea luôn nỗ lực để giữ chân khách hàng, bởi chúng tôi biết rằng tình yêu và tâm huyết của mình là điều khó có thể thay thế.
Thương hiệu trà sữa lạc quan, vui vẻ!
– Vậy chính sách nhượng quyền của Pozaa Tea được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào? Chị có khắt khe trong việc lựa chọn đối tác không?
Tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên khi hợp tác, nhượng quyền, tôi sẽ yêu cầu đối tác phải chặt chẽ trong kiểm soát chất lượng, nguồn nguyên liệu sản phẩm. Tiếp đó, tôi chọn những đối tác thật sự đam mê kinh doanh, có tâm với nghề để cùng nhau đồng hành.
Hiện tại, Pozaa Tea có chính sách nhượng quyền xe đẩy. Mô hình này đang thịnh hành ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn. Ưu điểm lớn nhất của hình thức là chi phí đầu tư thấp, nhưng tôi vẫn luôn cam kết từ chất lượng đến nguồn gốc sản phẩm. Chỉ cần họ đáp ứng các tiêu chí trên và dám vượt qua giới hạn bản thân, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ về marketing, sales, pha chế,…
– Chị có lo ngại việc nhân rộng mô hình trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đồ uống và tạo ra sự cạnh tranh trong chính nội bộ Pozaa Tea?
Thực sự, đây cũng là điều tôi suy nghĩ nhiều trong thời gian đầu xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, tới hiện tại, tôi thấy quyết định năm đó của mình đúng khi đã nhân rộng mô hình nhượng quyền.
Bởi trước khi bắt tay với các đối tác, tôi và cộng sự của mình đã xây dựng một quy trình tổng thể từ A – Z trong vận hành cửa hàng để có thể đồng nhất chất lượng. Đặc biệt, Pozaa Tea có nhóm quản lý khảo sát định kỳ giúp đảm bảo chất lượng đồ uống. Trong trường hợp khách hàng gặp vấn đề khi sử dụng sản phẩm thì đều có phương án khắc phục nhanh chóng.
– Ý nghĩa cái tên Pozaa Tea là gì thưa chị?
Pozaa Tea là một cách chơi chữ được kết hợp bởi 2 phần:
Từ ‘Po’ được lấy từ ‘Positive’ (Tích cực), thể hiện tinh thần tích cực, lạc quan và niềm tin vào sức mạnh của lạc quan trong cuộc sống và công việc. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp tích cực và khích lệ mọi người luôn nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức bằng tinh thần lạc quan nhất có thể.
Từ ‘Zaa’ lấy từ ‘Zenith’ (Đỉnh điểm), biểu thị cho đỉnh cao và hoàn hảo trong mọi sản phẩm, dịch vụ mà chúng tôi cung cấp. Chúng tôi luôn tập trung vào việc nâng cao chất lượng và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Tóm lại, Pozaa Tea mang ý nghĩa là sự kết hợp giữa tinh thần tích cực và đỉnh điểm hoàn hảo. Chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng không chỉ trà sữa ngon mà còn là một trải nghiệm tích cực và đỉnh cao trong ngành đồ uống.
– Dự định phát triển Pozaa Tea trong thời gian tới của chị như thế nào? Chị có phát triển chuỗi hệ thống ở các quốc gia khác không, thưa chị? Và để làm tốt điều đó, chị nghĩ bản thân cần chuẩn bị những yếu tố gì?
Tôi dự định mở rộng thương hiệu trong quý 4, đạt tới 2000 điểm bán. Tôi muốn Pozaa Tea sẽ đi vào từng con hẻm nhỏ hay các vùng xa xôi, hẻo lánh. Và đặc biệt Pozaa Tea trao đi giá trị, giúp đỡ nhiều phụ nữ, sinh viên mới ra trường khao khát khởi nghiệp và phát triển bản thân với số vốn ít ỏi. Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của tôi là phát triển vững mạnh thị trường trong nước, lan tỏa thương hiệu tới tất cả các vùng miền từ Bắc tới Nam.
Còn về dự định xa hơn, không riêng tôi mà bất kỳ doanh nhân nào cũng mong muốn đưa thương hiệu Việt vươn ra tầm quốc tế để khẳng định vị thế ngành F&B. Để làm được điều đó, cá nhân tôi phải chuẩn bị nguồn lực lớn, không chỉ về mặt tài chính mà còn về sức mạnh thương hiệu. Nếu sau này phát triển sang quốc gia khác, tôi nghĩ mình sẽ đặt cửa hàng ở Mỹ, Đức, Nhật Bản – đây đều là thị trường tiềm năng.
– Ngoài Pozaa Tea, chị có dự định phát triển thêm thương hiệu khác không?
Hiện tại, tôi chỉ đang tập trung phát triển đẩy mạnh Pozaa Tea. Chính vì vậy, tôi tham gia nhiều khóa học đào tạo chuyên môn cũng như kỹ năng để phát triển bản thân. Qua đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến “mentor” (người cố vấn) – thầy Phạm Thành Long. Nhờ thầy mà tôi đã thay đổi từng ngày, hiểu ra rằng, muốn thành công thì phải trao giá trị lớn cho xã hội.
Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!
Theo Ứng Hà Chi–Theo Phụ nữ số