Khó tìm nơi trị liệu thích hợp cho làn da châu Á khi sang Australia sinh sống, Mai Thị Liên (Lien Rogers) tìm hiểu về mỹ phẩm và nhận ra mình yêu thích lĩnh vực này.
Lien Rogers sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Dermalyana, hiện là giám đốc chiến lược và phát triển thị trường của công ty Rogers Healthcare, trụ sở tại miền Tây Australia.
Từng theo học Đại học sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng nhưng cô rẽ hướng sang kinh doanh mong kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Bước ngoặt này mở ra cho nữ doanh nhân nhiều cơ hội cũng như thử thách khi dấn thân vào thương trường.
Không được đào tạo kinh doanh bài bản, cô nỗ lực tự làm giàu kiến thức của bản thân, đảm nhận vị trí quan trọng ở những khách sạn nổi tiếng như Caravelle Sài Gòn, New World.
Từ tay trắng, cô dấn thân vào con đường khởi nghiệp, mở tiệm salon tóc, có riêng công ty bất động sản trước khi sang Australia định cư.
Tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Australia, cô học thêm 4 trường chăm sóc sắc đẹp với tham vọng xây dựng thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình. Dòng sản phẩm kem dưỡng da Dermalyana, được nhiều người yêu thích ở xứ sở chuột túi và nhiều nước trên thế giới.
Nỗ lực vươn lên tuổi thơ nghèo khó
Lien Rogers là con thứ 11 trong gia đình 12 người ở vùng quê Quảng Nam. Từ nhỏ, cô sớm hiểu nỗi vất vả của mẹ, sự cơ cực của cha, cái nghèo khó quanh năm bám víu lấy cuộc sống của con người nơi đây.
Tuổi thơ cô là những ngày theo mẹ buôn gánh bán bưng nơi xóm chợ nghèo. Một đầu quang gánh của mẹ là rau, chuối…, một đầu là con bé gầy còm chỉ mới 2-3 tuổi. Vì suy dinh dưỡng mà cô có biệt danh bé Ròm từ nhỏ.
Lớn hơn một chút, bé Ròm biết mót khoai, mót lúa, đi xin cá… bán lấy tiền phụ ba mẹ. Nhà nghèo, đường đến trường khó khăn nhưng cô kiên quyết không bỏ học.
“Sau thời gian nhìn thấy phụ huynh phải đi xa mua bắp ngào đường cho con, tôi nảy ra ý định bán bắp ngào ngay cổng trường tiểu học để kiếm tiền, dù lúc đó chỉ mới 9 tuổi”. Lien Rogers chia sẻ nỗ lực của bản thân mong được tiếp tục đi học.
Cô nhớ những ngày bơi qua sông đến trường, có lần hụt chân sắp chết đuối. Năm cô học lớp 10, anh trai mất. Là trụ cột của gia đình, nuôi mười mấy miệng ăn, anh mất khiến gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.
“Tôi thấy tương lai mù mịt, chỉ còn con đường học mới có thể giúp tôi thoát khỏi khó khăn. Tôi đặt mục tiêu thi đậu vào đại học”, cô nhớ lại.
Bỏ nghề giáo để chọn kinh doanh
Cuộc sống của sinh viên tỉnh lẻ vừa học vừa tất bật làm thêm. Rửa bát, dạy kèm…, hễ công việc nào kiếm ra tiền trang trải chi phí thì cô làm. Có lần không có tiền đóng tiền trọ, cô bị đuổi ra khỏi nhà, lang thang lúc nửa đêm. Nhưng điều đó không làm cô nản chí.
Năm 2001, cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng. Những tưởng cuộc sống đỡ vất vả nhưng đồng lương giáo viên chỉ ba cọc ba đồng.
Gánh nặng tài chính gia đình khiến cô đắn đo suy nghĩ. Cô quyết định bỏ nghề giáo xin một chân trong resort Furama tại Đà Nẵng. Sau khoảng một năm, khi tự tin có chút kinh nghiệm, cô một mình khăn gói vào Sài Gòn vì nhận thấy nơi đây có nhiều cơ hội phát triển.
Nhờ siêng năng, nhanh nhẹn, Lien Rogers nhanh chóng đảm nhận vị trí quan trọng trong khách sạn có tiếng tại Sài Gòn như Caravelle, New World. Cô được Windsor Plaza Hotel, bảo hiểm Bảo Minh CMG mời làm giám đốc kinh doanh.
Nữ giám đốc có cơ hội huấn luyện, truyền nhiệt huyết, kỹ năng bán hàng cho hàng trăm nhân viên. “Có thể những ngày theo mẹ ra chợ buôn bán, có cơ hội quan sát các giao dịch, tôi trở nên nhanh nhạy hơn.Hơn nữa, sâu thẳm trong lòng, tôi biết kinh doanh là điều mình thích. Từ đây, cuộc đời tôi bước sang trang mới”, cô cho biết.
Năm 2002, sau thời gian nỗ lực làm việc, dành dụm được một khoản tiền, cô nảy sinh ý định mở tiệm salon tóc và làm đẹp. “Công việc này dễ kinh doanh lúc bấy giờ, không cần có nhiều vốn.
Nghĩ là làm, tôi ngược xuôi tìm kiếm mặt bằng, chọn mua mỹ phẩm, học cách trang điểm… Nhìn thấy khách hàng xinh đẹp hơn khi bước ra khỏi tiệm, trong lòng tôi rộn lên niềm vui khó tả.
Trải nghiệm thực tế với vai trò làm chủ, tôi có kinh nghiệm quản lý tài chính, làm hài lòng khách hàng – những điều hữu ích cho tôi thành lập thương hiệu mỹ phẩm Dermalyana sau này”, cô nói. Liên luôn tràn đầy năng lượng, không gì là giới hạn, cô luôn lạc quan khi đối mặt với khó khăn, dám ước mơ, dám thực hiện.
Bất động sản trở thành miếng bánh ngon, nhanh nhạy khi nắm bắt thị trường, cô nhảy vào kinh doanh nhà đất. Cô sở hữu, điều hành khách sạn mini tại Sài Gòn với 25 phòng và căn hộ.
Không dừng lại ở đó, cô gái trẻ có ý nghĩ táo bạo hơn, thành lập công ty TNHH bất động sản Mai Liên. “Giờ nghĩ lại tôi không biết sao lúc đó lại gan đến vậy.
Năm 2007, công ty Mai Liên vượt qua khó khăn tài chính, bắt đầu ăn nên làm ra. Thị trường nhà đất năm 2006-2007 rất sôi động, các nhà đầu tư liên tục thắng lớn, lợi nhuận giao dịch trung bình 15-20% trở lên”.Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng và nữ doanh nhân lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới.
Đã sang Úc trước đó dài ngày nhưng mãi tới năm 2009, cô quyết định sang xứ sở chuột túi tiếp tục nâng cao chuyên môn, theo học Đại học Western Australia, khoa Kinh tế Tài chính, rồi tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Quản trị Kinh doanh Australia.
Nhen nhóm ý tưởng kinh doanh mỹ phẩm
Sang Australia là lúc da cô bắt đầu xuống cấp vì không quen thời tiết, đi nắng nhiều, cộng thêm dùng mỹ phẩm chăm sóc da kém chất lượng. Ở nước này, dịch vụ chăm sóc da rất đắt, chi số tiền không nhỏ nhưng cô khó tìm được nơi trị liệu thích hợp cho làn da châu Á.
Cô nhớ mãi thuở mới hẹn hò với chàng trai Tây – Stephen Rogers (sau này là chồng của cô). Anh trắng trong khi chị có làn da bánh mật, thêm nám, tàn nhàng, trông kém sức sống. Cô thoa nhiều loại kem dưỡng mong có làn da đẹp hơn nhưng mỗi lần đi chơi, vệt kem của cô lưu lại khắp xe, tay áo của anh.
Liệu có phương pháp nào giúp làn da mịn màng hơn? Cô nộp hồ sơ, học thêm buổi tối tại trường trị liệu thẩm mỹ Australian College of Beauty Therapy (ACBT).
Tìm hiểu nhiều thành phần kem dưỡng, nhận thấy làn da dần cải thiện, cô mừng rỡ, tiếp tục đào sâu nghiên cứu. Tốt nghiệp ACBT, muốn nâng cao chuyên môn, cô đăng ký học thêm các đơn vị chăm sóc da ở Australia và Anh.
Nữ thạc sĩ tốt nghiệp 4 trường thẩm mỹ, trở thành chuyên gia da liễu, thành viên của Hiệp hội Da liễu của Australia lúc bấy giờ.
Cô tự tin hơn, yêu thích làm đẹp cho bản thân và cho người khác. Niềm đam mê lớn dần theo thời gian, cũng là lúc cô nhập mỹ phẩm của nhiều công ty về bán tại Australia.
“Nhiều người nhờ tôi chọn sản phẩm chăm sóc da cho họ. Nhiều lần tôi ôm mặt khóc nức nở vì quá vui khi khách hàng phản hồi tốt về sản phẩm tôi tư vấn.
Gần 10 năm làm nhà phân phối sản phẩm làm đẹp, tôi tham vọng mở thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình, sản xuất ra loại kem dưỡng trắng da dành riêng cho người châu Á, an toàn và không bết dính”, cô cho biết.
Thương hiệu mỹ phẩm Dermalyana ra đời
Ý tưởng sản xuất mỹ phẩm nhen nhóm trong cô khoảng năm 2011. Cô chia sẻ ý định cùng ông xã nhưng bị phản đối vì anh biết thương trường là chiến trường, không muốn vợ cực khổ nữa.
Sau những lần Stephen Rogers đưa vợ về Việt Nam, tham gia các chuyến thiện nguyện, anh nhận thấy hạnh phúc khi giúp đỡ mọi người.
Chàng trai Tây ủng hộ vợ tạo nên điều tốt đẹp cho cộng đồng, cùng cô thành lập thương hiệu mỹ phẩm dưỡng trắng da cho phụ nữ châu Á tại Australia.
“Ngoài việc có làn da đẹp, ngoại hình dễ nhìn thì độc lập về tài chính làm cho phụ nữ cảm thấy tự tin hơn về kinh tế. Bằng công việc kinh doanh, tôi có thể giúp nhiều người có thu nhập tốt hơn“, cô nói.
Là chuyên gia da liễu, nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc da, cô cùng chồng ấp ủ ý định sáng chế ra loại kem mới. “Chúng tôi mua nhiều loại kem, rẻ đắt đều có để tham khảo.
Nhận thấy một số kem dưỡng da có nồng độ Hydroquinone khá cao, nhiều hóa chất có thể gây hư tổn cho da về lâu dài. Tiêu chí đề ra cho ‘đứa con tinh thần’ là an toàn, không bết dính, không nhờn rít, không tạo vân, đem lại hiệu quả trắng hồng chứ không phải trắng bạch”.
“Trong quá trình sản xuất, xây dựng thương hiệu Dermalyana, thành lập công ty Rogers Healthcare, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn.
Thử thách lớn nhất là tạo ra mỹ phẩm chất lượng, an toàn cho da, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Australia. Đơn cử quá trình khử trùng và làm sạch, chọn thành phần sản phẩm phải đảm bảo mức yêu cầu của cơ quan thẩm quyền. Chất lượng và hiệu quả của sản phẩm là uy tín của thương hiệu.
Nói thì dễ làm mới khó. Tôi may mắn có được ông xã và tìm được đội ngũ nhà khoa học đồng hành để đánh giá, kiệm nghiệm độ an toàn. Hàng trăm cuộc thử nghiệm được thực hiện nhằm tìm kiếm thành phần thiên nhiên có lợi cho da (như rễ nhân sâm, phục linh, chiết xuất hoa cúc La Mã, tinh dầu hoa Anh Thảo…), cân đối tỷ lệ…”.
Được ông xã hậu thuẫn nhưng với cô cũng là thử thách. Stephen Rogers rất kỹ tính, yêu cầu chất lượng của anh nhiều lúc còn khắt khe hơn tiêu chuẩn hiện có.
Để sản phẩm thỏa được tiêu chí do anh đặt ra, nhà máy phải liên tục cải tiến tiện ích. Điều này mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Cô ước tính đã bỏ ra hàng triệu đô la để đầu tư trang thiết bị, sản xuất sản phẩm, thuê nhân sự, vận hành công ty…
Cô chọn phân khúc sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho phụ nữ châu Á, giúp chị em trị sạm nám, tàn nhang, lão hóa, làm da trắng mịn, không bết dính.
Nhằm mang đến mỹ phẩm có giá cả hợp lý, Rogers Healthcare tự vận hành hoạt động bán hàng. Lúc sản phẩm mới ra mắt, công ty chú trọng chọn lọc khách hàng cho mục đích mua đi bán lại.
Điều này khiến công ty gặp hạn chế. Sau hơn một năm, hoạt động kinh doanh dần ổn định hơn. Khi số lượng khách hàng quốc tế mua nhiều, chọn lọc nhà phân phối cũng là thử thách.
Không nắm rõ pháp lý nên cô gặp khó khăn khi tự xoay sở trong giai đoạn đầu. Khi nhắm có thể trụ lại, cô thuê hẳn công ty luật, tài chính để làm riêng cho dự án.
Còn cô cùng đội ngũ nghiên cứu sản xuất tập trung cải tiến sản phẩm, nghiên cứu các dòng mỹ phẩm mới, đẩy mạnh dịch vụ hậu mãi.
Mất khoảng 7 năm để chuẩn bị, năm 2017, kem dưỡng da Dermalyana ra đời. Dermal thuộc về da. Yana được ghép lại từ tên của những người có ý nghĩa với cuộc đời nữ doanh nhân. Cô dồn tâm huyết vào Dermalyana như dành tình cảm cho người yêu thương.
Sản xuất sản phẩm chăm sóc da là một chuyện, được bán trong các nhà thuốc, trụ được tại thị trường tại Australia lại là chuyện khác.
“Ngành hàng mỹ phẩm ở quốc gia này cạnh tranh rất khắc nghiệt, nhiều công ty thua lỗ phải đóng cửa. 80% các công ty sản xuất mỹ phẩm có quy mô nhỏ phải đóng cửa trong vòng 18 tháng, đó là điều tôi trăn trở. Đối thủ cạnh tranh là hàng trăm nhà sản xuất có trụ sở tại Australia”.
“An toàn và tạo nên sự khác biệt là hai tiêu chí hàng đầu để Dermalyana có chỗ đứng trên thị trường. Nhờ chú trọng vào chất lượng, mỹ phẩm Dermalyana dần được nhiều người biết đến và sử dụng” cô nói.
Sau 2 năm, Dermalyana hiện có nhiều dòng kem dưỡng da, sữa dưỡng trắng toàn thân, serum… bán tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Campuchia…
Vấn nạn hàng mỹ phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan khiến cô muốn giới thiệu sản phẩm đến nhiều nước hơn nữa, trong đó có Việt Nam.
Cô cho biết đang tìm ứng viên để làm nhà phân phối chính thức tại quê hương mình. Tham vọng của nữ doanh nhân là đưa Dermalyana trở thành top 100 mỹ phẩm bán chạy thế giới.
Kim Uyên (VNE)